Tâm sự của người đàn bà hành nghề "mang thai hộ"

Thứ ba, 23/04/2013, 09:28
"Cách đây gần một năm em từng mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người nước ngoài. Kết quả mang thai hộ của em ngoài sức mong đợi, em sinh cho họ một cặp gồm một trai một gái. Cũng chính vì thế mà em có uy tín trong nghề mang thai hộ", cô gái tên Thanh chia sẻ.

Ai đó từng nói: Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau. Còn những gia đình bất hạnh thì hoàn toàn khác nhau. Nhưng có thể nói, nỗi bất hạnh sâu nặng nhất đối với mỗi gia đình - mỗi cặp vợ chồng là họ không thể mang nặng đẻ đau để có những đứa con thắp sáng hạnh phúc.

Vì kém may mắn, nhiều người phụ nữ vô tình bị tước đi thiên chức của mình nhưng họ vẫn khao khát có những đứa con được hình thành từ phôi trứng của bản thân. Mang thai hộ - tại sao không?

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau (xét dưới góc độ hệ luỵ) nên việc mang thai hộ ở Việt Nam đến nay vẫn chưa được pháp luật thừa nhận. Điều đó đã tước đi khao khát làm mẹ mãi mãi của những phụ nữ bất hạnh, và để đánh đổi - không ít người đã phải chấp nhận "phạm luật".

Thanh, người có tiếng trong “giới mang thai hộ” tại TP.HCM ra giá: "Ngoài tiền lương 3,5 triệu đồng một tháng, giá mang thai hộ là 150 triệu đồng chị ạ. Anh chị ứng trước cho em một phần ba số tiền khi đã cấy phôi vào người, số tiền còn lại sẽ thanh toán nốt khi anh chị đã nhận được con...".

"Em chẳng tống tiền đâu... đừng sợ"

Nhờ một người mối lái tên Hà tôi đã có trong tay số điện thoại cũng như địa chỉ nick chat của Thanh, một người nhận mang thai hộ. Dù đã chọn cho mình vai một phụ nữ lấy chồng bảy năm chưa có con do tử cung bị dị dạng, phải sau vài phút đắn đo cân nhắc các khả năng có thể xảy đến bất chợt, tôi lấy hết can đảm bấm số máy 01212660***.

Bất ngờ thay, ngay khi tôi vừa cất lời "đây có phải số của chị nhận mang thai hộ không?", ở đầu dây bên kia là tiếng một người phụ nữ Nam bộ cất giọng đầy phấn khởi tựa như giao dịch viên của một công ty bất động sản giữa buổi ế ẩm, gặp khách hời: "Vâng, đúng rồi chị ạ". "Không biết em gọi điện thoại lúc này có làm phiền chị không?".

Người phụ nữ giới thiệu tên là Thanh, quê Vĩnh Long năm nay 29 tuổi, chưa có gia đình. Trong cuộc trao đổi, chị tỏ ra khá sành sỏi trong việc mang thai hộ. Thanh tự hào: "Trong năm vừa rồi, chị Hà tin em lắm đã giới thiệu em với mấy cặp nhưng em có chút việc riêng, giờ em mới có thể nhận lời lại. Anh chị ở ngoài đó thì có thể vào trong Sài Gòn, em đang trọ trên đó hoặc rước em ra Hà Nội. Cái đó tùy vào anh chị và lịch hẹn của bác sỹ".

Thanh cho biết, sức khỏe của cô rất tốt, khả năng nhận phôi tốt, cơ thể không "đẩy phôi" như nhiều người nhận mang thai hộ khác. Khi được hỏi về chi phí bồi dưỡng để phục hồi sức khỏe, Thanh không chút ngần ngại đưa ra giá như người ta đi bán một chiếc xe đạp.

"Giá là 150 triệu  đồng chị ạ. Anh chị ứng trước cho em một phần ba số tiền khi đã cấy phôi vào người, số tiền còn lại sẽ thanh toán nốt khi anh chị đã nhận được con. À, ngoài ra mỗi tháng anh chị chu cấp cho em 3,5 triệu đồng tiền ăn, tiền phòng thuê anh chị cũng phải trả. Ngoài ra toàn bộ tiền bệnh viện, khám em bé, tiền sữa uống của bà bầu... anh chị cũng phải lo".

Khi tôi nói sẽ đón Thanh về ở cùng nhà, chị này cười rồi nói: "Em ở đâu cũng được. Ở nhà anh chị cũng được. Nhưng người ta thường thuê cho em ở ngoài vì sợ phát hiện ra nhà họ sau này sẽ đến đòi con hoặc tống tiền. Em chẳng tống tiền đâu, bởi em làm việc đã có uy tín nhưng em nói để anh chị chọn phương án nào thì chọn".

mang thai ho

Người phụ nữ nào cũng có khát khao làm mẹ - Ảnh chỉ có giá trị minh họa.

Dừng cuộc trao đổi, tôi hẹn với Thanh hai ngày sau sẽ gọi điện thoại lại. Đúng hẹn, tôi liên hệ trở lại với Thanh. Đã như một người quen thân từ lâu, câu chuyện đà đưa, tôi hỏi chị vì sao đi làm cái nghề này. Ngừng một lát, Thanh nói như thở dài: "Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà em phải làm cái nghề lạ lùng này chị ạ".

Thanh tâm sự nhà chị đã nghèo lại bất hạnh trăm đường. Bố mải mê gái gú, mẹ cô thì ốm đau nằm liệt giường suốt ngày kêu rên. Cô là chị cả trong nhà phải lo cái ăn cho bốn đứa em lít nhít. Ra thành phố rửa bát cho một nhà hàng, cô được một người để ý rồi giới thiệu cho một vợ chồng ở miền Trung, vợ không có cổ tử cung.

Thanh đã được vợ chồng đó đưa đi khám sức khỏe chỉ chờ đến ngày cấy phôi. Thế nhưng "thương vụ" mang thai hộ đầu tiên của đời cô bị đổ bể do đối tác nhờ được mẹ mang thai hộ. Không lâu sau Thanh lại được giới thiệu mang thai cho một cặp vợ chồng người nước ngoài. Đây cũng chính là lần "hành nghề" thành công và tạo nên uy tín của cô trong “giới mang thai hộ”.

Cô cho biết, hiện có rất nhiều người không có khả năng sinh con tìm người sẵn sàng "mang nặng đẻ đau" như mình. Dù hiện nay Nhà nước chưa cho phép hoạt động này hoạt động hợp pháp nhưng những người có nhu cầu vẫn tìm được người mang thai hộ như cô. Và cũng không khó để những đôi vợ chồng tìm được bác sỹ nhận hỗ trợ ngầm.

Đớn đau tận cùng

Đem câu chuyện trên, kể cho một bác sỹ làm ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội mà tôi quen, chị cho biết có rất nhiều phụ nữ không thể có khả năng làm mẹ. Họ vô cùng đáng thương và không thể có con bẩm sinh. Một số người có điều kiện kinh tế, tuy nhiên không phải người nào cũng có thể bỏ ra số tiền lên tới xấp xỉ 400 triệu đồng để ra nước ngoài làm việc đó.

Không ít phụ nữ đã hỏi chị phải làm cách nào đó để họ có được diễm phúc mà đáng nhẽ, tạo hóa phải ban cho họ. "Mang thai hộ thì đứa trẻ vẫn mang ADN của họ, vẫn là con họ.

Họ chỉ cấy phôi vào cơ thể người khác. Điều này dễ dàng hơn so với việc nhận con nuôi. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của những người kém may mắn ấy mới hiểu hết nỗi khổ của họ. Nhiều cặp vợ chồng có phôi rất tốt, lại có chị em hoặc mẹ sẵn sàng mang thai hộ. Vậy mà đành phải bó tay bất lực vì điều kiện pháp luật chưa cho phép", vị bác sỹ chia sẻ.

Cầm chén trà nóng trên tay hồi lâu rồi chị lại đặt xuống, đôi mắt buồn buồn. Chị kể một người bạn học cùng chị hồi trung học phổ thông cũng rơi vào hoàn cảnh éo le tương tự. Một nỗi đau giằng xé người phụ nữ này đã gần chục năm nay và không ít lần đẩy cả gia đình vào nguy cơ tan vỡ.

Chị này có bề ngoài khá giống với diễn viên nổi tiếng, hiện đang làm trong một ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Chị và người chồng yêu nhau bảy năm rồi mới được hai bên gia đình chấp thuận cho cưới.

Những tưởng hạnh phúc sẽ bù đắp vẹn nguyên cho tình yêu của hai người. Nhưng hai vợ chồng vào bệnh viện Từ Dũ không biết bao nhiêu lần nhưng lần nào cũng chỉ được vài tháng thì chị lại sẩy thai. Bác sỹ nói niêm mạc tử cung mỏng quá khiến chị khó giữ được thai. Bây giờ phương pháp duy nhất để hai vợ chồng chị có con là nhờ người mang thai hộ.

"Lần nào đến nhà tôi, chị cũng khóc. Chị nói, em gái chị đã hiểu hết tình cảnh của chị gái nên rất muốn mang thai hộ. Nhưng ở Việt Nam vẫn cấm nên chị chưa biết làm sao.

Sang Thái Lan thì chị lấy đâu ra tiền vì mang tiếng là làm ngân hàng nhưng chi nhánh của chị nợ xấu nhiều, kinh doanh thua lỗ nên trên tổng không thưởng tết, thậm chí tăng lương theo định kỳ cũng không. Hai vợ chồng chị không biết làm sao đành ngậm ngùi tích cóp từng tháng một để mong đến một ngày đủ tiền sang Thái Lan".

Hay chuyện một cô gái ở Hải Phòng lấy chồng là con trai duy nhất trong một gia đình khá giả. Ấy vậy mà cô lại bị tắc vòi tử cung nên tinh trùng không thể đi lên và trứng sau khi rụng cũng không thể di chuyển về phía buồng tử cung nên không thể thụ thai.

Cô đã tìm hiểu nhiều thông tin và biết khu vực quận 8, TP.HCM là nơi tập trung nhiều phụ nữ nhận mang thai hộ. Dù là chui nhưng hoạt động này đã diễn ra từ khá lâu. Và chi phí có thể thương lượng, nhưng nhìn chung đều rất cao. Chỉ cần nhẩm tính qua, số tiền bỏ ra đã vượt quá khả năng tài chính của gia đình cô.

Cô tâm sự: "Em mong từng giờ, chứ không phải từng ngày nữa. Có lẽ em đang căng thẳng quá nên em bị đau đầu triền miên. Em không biết làm sao để mau chóng có thể được ẵm con, được nựng con, được chấm dứt những ngày thê thảm đã qua...".

Vẫn với giọng hồ hởi, Thanh mau mắn quảng cáo: "Cách đây gần một năm em từng mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người nước ngoài. Kết quả mang thai hộ của em ngoài sức mong đợi, em sinh cho họ một cặp gồm một trai một gái. Cũng chính vì thế mà em có uy tín trong nghề mang thai hộ".

Một bác sỹ từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh của các cặp vợ chồng hiếm muộn chia sẻ: "Nhiều người trong số họ vẫn biết việc nhờ mang thai hộ của mình là trái pháp luật, nhưng với tình cảnh này thì họ không còn con đường nào khác. Tôi hy vọng trong thời gian tới pháp luật cũng như mọi người có cái nhìn khác với những cặp vợ chồng hiếm muộn đang khắc khoải mong chờ một đứa con nhờ người khác mang thai giùm!".

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn