Sống trong sợ hãi
Hơn 300 ngàn đồng tiền thưởng cho người đứng ra tố cao tiêu cực và những phiên tòa, bản án dành cho những kẻ liên quan đến vụ án động trời tại BV Đa khoa Hoài Đức đã được thực hiện. Dù những bản án chưa đủ để làm hài lòng dư luận xã hội, khi những kẻ đáng lẽ ra phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ việc tiêu cực chỉ bị xử lý hành chính, nhưng dẫu sao, tác động của vụ việc cũng giúp người dân thêm tin tưởng vào công lý, pháp luật và loại trừ những “vùng cấm” pháp luật.
Trước đó, những người đứng ra tố cáo vụ việc và cả các PV khi điều tra chân tướng sự việc đều chịu những cảnh báo từ chính những kẻ đứng đầu trong vụ việc tiêu cực rằng: Không thể thay đổi được gì, có những người “chống lưng” và hàng loạt những tác động từ nhiều phía hòng chấm dứt điều tra, tố cáo nhưng tất cả (tất nhiên) không thành.
Ba cán bộ, nhân viên của BV Đa khoa Hoài Đức là chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Nam Đông và Khuất Thị Định đã có được sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan chức năng và nhất là sự ủng hộ của dư luận xã hội trước những hành động dũng cảm, dám đấu tranh với tiêu cực. Tưởng rằng khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, sóng gió sẽ lắng lại và những người trong cuộc hôm nào sẽ trở về với cuộc sống đời thường như trước đây, nhưng điều đó thật không dễ dàng.
“Cuộc sống của tôi đã bị đảo lộn kể từ khi vụ việc được các cơ quan báo chí, cơ quan điều tra chính thức vào cuộc”, chị Nguyệt (nguyên nhân viên kỹ thuật BV Đa khoa Hoài Đức) cho biết.
Gặp lại chị Nguyệt trong một buổi chiều đầu tháng 8, một độ lùi nhất định sau những “điều khủng khiếp, ghê sợ” vừa diễn ra như lời chị nói, cuộc sống với chị những ngày này là những tháng ngày bức bối, ngột ngạt đan xen cùng nỗi sợ hãi triền miên. Theo chị Nguyệt, hiện chị đã không còn công tác tại khoa Xét nghiệm mà được ban lãnh đạo mới bố trí công việc tại tổ kiểm soát nhiễm khuẩn (khoa Dược, BV Đa khoa Hoài Đức).
“Thật may mắn là ban lãnh đạo mới đã quan tâm, tạo điều kiện bố trí công việc phù hợp nên mình có thuận lợi hơn trong công việc”, chị Nguyệt cho biết. Tuy nhiên, chị Nguyệt hiện cũng đang phải đối mặt với những nỗi lo sợ đeo đẳng khác, đó là những tin nhắn khủng bố lạ với nội dung dọa nạt, thách thức được nhắn tới thường xuyên.
Chị Hoàng Thị Nguyệt kể về những ngày mất ăn, mất ngủ và ảnh hưởng hưởng tâm lý nặng nề khi liên tiếp nhận những tin nhắn đe dọa. |
Tập tài liệu dầy cộp, trong đó, chủ yếu là những tin nhắn đe dọa trong suốt 1 năm qua được chị Nguyệt chụp lại từ điện thoại và lưu giữ. Đặc biệt, trong khoảng hơn 1 tháng nay, chị liên tục bị các số lạ nhắn vào máy điện thoại cá nhân, kèm theo đó là những ánh mắt thiếu thiện cảm từ một số người liên quan đến vụ việc vừa qua.
Vừa nói chị Nguyệt vừa cho PV xem một số tin nhắn đến từ các đầu số: 01266207090, 01266207099: “Một trong số các anh chị em ai mà bị làm sao thì tao đập mày chết không kịp ngáp... khôn hồn thì câm ngay kẻo hối không kịp đâu con chó ạ”. Thậm chí, những tin nhắn đe dọa còn trực tiếp nhắm đến các thành viên gia đình chị Nguyệt: “Nhìn kỹ con trai độc nhất của mày đi, hồn ma đang vây quanh nhà mày rồi đấy con ạ”, “một ngày tới đây bố mày xin một chân một tay bố mày cho nó nhá”...
Chung cảnh ngộ với chị Nguyệt, những người đứng ra tố cáo tiêu cực vừa qua như chị Oanh cũng thường xuyên bị nhắn tin đe dọa: “Các nội dung tin nhắn tới liên tục dọa trả thù, dọa giết rồi viết tục tĩu khiến chúng tôi cảm thấy bất ổn, lo lắng”.
Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động cũng bị đe dọa
Trao đổi với PV, những người như chị Nguyệt, chị Oanh và một số cá nhân dám đứng ra đấu tranh chống tiêu cực và cả những người dám bảo vệ lợi ích chân chính của người lao động như anh Nguyễn Chí Tùng – Chủ tịch Công đoàn BV Đa khoa Hoài Đức đều bày tỏ nguyện vọng tha thiết là được các cơ quan báo chí vào cuộc, đồng hành giúp đỡ.
Một tin nhắn có nội dung đe dọa được chị Nguyệt lưu giữ lại. |
Trao đổi với PV, anh Tùng cho biết, trong vụ án, anh không phải là người đứng ra tố cáo những sai phạm, tố cáo những người để xảy ra sai phạm, vì anh không trực tiếp phụ trách nên không nắm được tình hình. Tuy nhiên, trên cương vị là Chủ tịch công đoàn cơ quan, anh Tùng đã tích cực lên tiếng bảo vệ quyền người lao động.
Cụ thể, khi những sai phạm trong vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm được hé lộ, một số người đứng ra tố cáo sai phạm có dấu hiệu bị trù dập, anh Tùng đã thẳng thắn lên tiếng, góp ý với ban lãnh đạo BV về một số hành vi, thái độ trong xử lý công việc thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; lên tiếng can thiệp, giảng hòa giữa các bên liên quan...
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hơn một tháng này, anh cũng bị “liệt” vào danh sách người đứng ra tố cáo sai phạm mà những kẻ giấu mặt thường xuyên nhắn tin đe dọa.
Theo anh Tùng, cuộc sống của anh cũng như gia đình giờ đây có nhiều điều xáo trộn do sự hiện diện thường xuyên của những tin nhắn “ma” cả ngày lẫn đêm. “Nếu điều này còn tiếp tục diễn ra, tôi e ngại chúng tôi sẽ không thể bình tĩnh và đủ tập trung để làm việc”, anh Tùng lo lắng.
Một trong những điều mà chị Nguyệt, chị Oanh và các đồng nghiệp khác thấy khó hiểu là, dù đang bị thi hành án, nhưng những người bị tòa án kết tội vẫn được giữ nguyên vị trí và làm việc bình thường tại BV. Và với chị Nguyệt, chị Oanh, việc đối diện giữa những người liên quan đến vụ án là điều không hề dễ dàng, khi những người đang thụ án luôn tỏ rõ thái độ thù hằn với các chị.
Người tố cáo tiêu cực cần được bảo vệ
Liên tục bị nhắn tin, nháy máy “khủng bố”, gây ảnh hưởng đến tinh thần, cuộc sống và công việc, chị Nguyệt đã gửi đơn trình báo đến cơ quan Công an huyện Hoài Đức nhờ can thiệp, lần gần đây nhất là cuối tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, chị Nguyệt được đại diện CA huyện Hoài Đức cho biết, do các tin nhắn gửi đến được thực hiện từ các số “rác”, nên rất khó xác định đối tượng. Mặt khác, do chị Nguyệt vẫn chưa gặp phải tình huống có dấu hiệu bị tấn công nào nên chị Nguyệt cần tiếp tục theo dõi thêm, phối hợp cùng cơ quan công an để làm rõ.
Với anh Tùng, sau nhiều lần nhận được những tin nhắn với nội dung đe dọa, anh đã báo cáo sự việc với ban lãnh đạo BV mới. Gần đây, trước phản ánh từ các bác sĩ đang làm việc tại BV Đa khoa Hoài Đức, cơ quan CA huyện Hoài Đức đã trực tiếp vào cuộc để điều tra vụ việc. Công an TP Hà Nội sau khi nhận được đơn của một số người liên quan về việc bị nhắn tin với nội dung đe dọa cũng đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu CA huyện Hoài Đức xem xét, giải quyết vụ việc.
Trả lời báo chí xung quanh vụ những người đứng ra tố cáo sự việc “nhân bản kết quả xét nghiệm” ở BV Đa khoa Hoài Đức bị nhắn tin đe dọa, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng - Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Hành vi nhắn tin, đe doạ người khác là vi phạm những quy định của Luật Viễn thông, tùy theo tính chất và mức độ, hành vi này có thể chỉ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong vụ việc chị Nguyệt, vì các đối tượng sử dụng sim rác để quấy rối, đe dọa nên rất khó có cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý.
Vì vậy, chị Nguyệt nên tiếp tục kiên trì thu thập, theo dõi diễn biến của nhóm đối tượng này để làm chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng. “Theo tôi, những đối tượng này chắc chắn có liên quan đến người thân của những người bị chị Nguyệt tố cáo, nên nếu có cơ sở, chị có thể “điểm danh” những người nghi vấn và trình báo với cơ quan điều tra”, luật sư Hưng gợi ý.
Theo Laodong