Theo đó, vào ngày 15/9, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận trình báo của ông Huỳnh Tấn Hoàng, Phó giám đốc phụ trách công tác kiểm định không phá hủy mẫu (NDT) của Công ty TNHH APAVE Châu Á – Thái Bình Dương, chi nhánh TP.HCM (gọi tắt là Công ty APAVE) về thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân của công ty bị mất.
Thiết bị chứa phóng xạ bị mất cắp.
Nhận được tin báo, căn cứ theo quy trình ứng phó - xử lý sự cố bức xạ được quy định tại thông tư của Bộ Khoa học & Công nghệ, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đã chủ động họp khẩn với các đơn vị có liên quan gồm Công ty APAVE, Phòng PA81- Công an TP.HCM… để tổ chức đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố, xác định hướng xử lý và triển khai công tác điều tra, xác minh nhằm nhanh chóng thu hồi thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất cắp.
Đến ngày 18/9, UBND TP.HCM đã ra quyết định thành lập tổ công tác gồm các đơn vị như: Sở Khoa học & Công nghệ; Phòng PA81 – Công an TP.HCM; Cục An toàn Bức xạ và Hạt Nhân; Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; Trung tâm hạt nhân TP.HCM và Công an quận Tân Bình lên phương án tìm kiếm, ứng phó.
Cùng thời điểm, lực lượng Công an quận Tân Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ rà soát, đo hoạt động phóng xạ tại 26 cơ sở phế liệu ở các phường 2, 4, 6, 10, 11, 12 và các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận Tân Bình, chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Nhật Tảo (quận 10), các địa điểm khác ở quận 5, Tân Phú…
Khu nhà trọ nơi phát hiện thiết bị.
Đến 18h chiều 18/9, Công an quận Tân Bình phối hợp với Công an TP.HCM phát hiện thiết bị chứa nguồn chất phóng xạ tại căn nhà trọ số 111/15, đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.
Sau khi tiến hành đo đạc và kiểm tra không thấy có gì bất thường, cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ và bỏ thiết bị vào thùng thiếc bàn giao lại cho công ty APAVE.
Thiết bị được bỏ vào thùng an toàn để chuyển đi.
Liên quan đến vụ việc, công an quận Bình Tân đã mời 3 người trong ngôi nhà trên gồm: Đặng Xuân Lưu (25 tuổi), Nguyễn Thị Lan Huyền (20 tuổi) và Nguyễn Thị Huyền Diệu (15 tuổi, cùng ngụ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Theo lời khai của những người này, thiết bị trên được một người anh của Lưu gửi lại, bản thân những người này cũng không biết đây là thiết bị gì. Hiện mọi người không thể liên lạc được với người gửi thiết bị hạt nhân này.
Qua sự cố này, Sở Khoa học & Công nghệ đã kiến nghị UBND TP.HCM sớm có văn bản kiến nghị lên Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt kế hoạch ứng phó với sự cố hạt nhân trên địa bàn TP để có quy trình xử lý tốt nhất khi các sự cố không mong muốn xảy ra. Cùng với đó là phân cấp cho các tỉnh thành, đặc biệt là thành phố lớn như TP.HCM để quản lý một cách tốt nhất các thiết bị, nguồn phóng xạ ứng dụng trong công nghiệp, y học và các ngành dịch vụ khác.
Trước đó như chúng tôi đã đưa tin, ngày 12/9, nhân viên của công ty TNHH APAVE Châu Á – Thái Bình Dương, chi nhánh TP.HCM phát hiện bị mất một thiết bị có chứa nguồn phóng xạ kín Ir-192 (Iridium-192). Đây là thiết bị phục vụ công tác kiểm tra không phá hủy (NDT), nguồn phóng xạ Ir-192 có hoạt độ 20,5 Curie (Ci). Trong trường hợp nguồn phóng xạ được đưa ra khỏi thiết bị, sẽ gây nguy hiểm đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Theo Dân trí