Ấn Độ giúp Việt Nam kỹ năng sử dụng tàu ngầm, máy bay Nga

Thứ năm, 18/09/2014, 13:51
Ấn Độ đang giúp đào tạo huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và phi công của Việt Nam trong việc sử dụng các vũ khí hiện đại mua từ Nga như tàu ngầm lớp Kilo, tiêm kích Su-30.

Quân cảng ở Vizag, Visakhapatnam (miền Nam Ấn Độ), nơi có trường huấn luyện tàu ngầm INS Satavahana đang đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam - Ảnh: Hải quân Ấn Độ

Theo trang tin Vice News (Mỹ), tháng 11/2014 này, Việt Nam sẽ nhận tàu ngầm lớp Kilo thứ ba từ Nga, theo hợp đồng đặt đóng 6 tàu ngầm ký năm 2009. Những tàu ngầm này hiện đại hơn so với tàu ngầm Kilo mà Trung Quốc đang sử dụng.

Để giúp Việt Nam khai thác tốt hơn các tàu ngầm và năng lực của tên lửa hành trình chống tàu chiến Klub (phóng từ tàu ngầm), vào năm 2013 Ấn Độ đã đồng ý đào tạo 500 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam.

Sự hợp tác quốc phòng này giữa Việt Nam, Nga, Ấn Độ còn mở rộng sang các lĩnh vực khác. Vào tháng 8/2013, Việt Nam ký hợp đồng mua thêm 12 máy bay chiến đấu Su-30MK2 - loại tiêm kích bay tầm xa, có khả năng tác chiến trên biển - và sẽ có tổng cộng 36 chiếc tiêm kích loại này vào năm 2015.

Ấn Độ cũng đồng ý đào tạo phi công Việt Nam lái tiêm kích Su-30, loại máy bay mà không quân Ấn đang sử dụng (Su-30MKI).

Bên cạnh đào tạo phi công và thủy thủ tàu ngầm, Ấn Độ và Việt Nam còn đàm phán về việc Việt Nam mua tên lửa diệt hạm tốc độ siêu thanh BrahMos (tốc độ bay hơn 3.400 km/giờ, tầm xa 290km). Loại tên lửa này do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất, có nhiều phiên bản phóng từ tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và trên bộ.

Đây là loại vũ khí phòng thủ bờ biển hữu hiệu, theo trang tin Vice News.

Tính chung, các vũ khí như tàu ngầm, tiêm kích Su-30 và tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm sẽ giúp Việt Nam tạo nên một khả năng phòng thủ vững chắc, có thể ngăn cản hải quân đối phương thâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Đây được xem là chiến lược chống thâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) hiệu quả của Việt Nam. Chiến lược này được nhiều nước áp dụng từ nhiều năm qua, nhất là Trung Quốc nhằm ngăn không để lực lượng hải quân Mỹ tiếp cận gần Trung Quốc nếu có xung đột vũ trang xảy ra.

Tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm Brahmos (Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất), tầm bắn xa 290km là vũ khí phòng thủ biển đáng gờm. Trong ảnh: Tàu khu trục Ấn Độ INS Tarkash bắn thử tên lửa BrahMos ngày 22/5/2013 - Ảnh:DRDO/BrahMos

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Nước này đồng ý nhận huấn luyện đào tạo phi công Việt Nam sử dụng tiêm kích Su-30 mua từ Nga - Ảnh: DRDO

Theo Tin nóng

Các tin cũ hơn