Hai giờ sáng Chủ nhật, tôi cùng mấy "chiến hữu" khởi hành xuống Tịnh Biên, tỉnh An Giang để dự đám cưới con một anh bạn thân. Thoạt đầu, tôi thắc mắc sao đi sớm thế, thiệp mời ghi rõ 11h30 kia mà thì một người trong nhóm nháy mắt nhìn tôi cười cười: "Đi sớm là để có thời gian vô chợ Tịnh Biên tìm mua thần dược".
Mấy ông bạn tôi tuổi đều "6 bó", lưng đau gối mỏi nên "cái khoản ấy" xem ra cũng xuống dốc không phanh. Để phục hồi phong độ, lấy lại bản lĩnh đàn ông, họ truyền khẩu cho nhau về những loại cây lá củ quả "ông uống bà khen" đồng thời tích cực săn lùng thêm những món hàng "độc" với niềm tin nó sẽ cứu vãn cho cái sự "suy thoái" của mình!
Do chạy đường tắt Mộc Hóa, Tam Nông, qua phà Hồng Ngự sang Tân Châu, rồi lại qua phà Tân Châu sang Châu Đốc nên chỉ hơn 6h30 sáng, chúng tôi đã có mặt tại chợ biên giới Tịnh Biên.
Nằm ở phía Tây núi Cấm, Tịnh Biên là điểm dừng chân của khách du lịch tuyến Việt Nam - Campuchia và ngược lại, vì từ đây đi Phnôm Pênh theo quốc lộ 2, Campuchia chỉ khoảng 125km. Đến lúc ấy, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của mấy chữ "săn thần dược" bởi lẽ Tịnh Biên có một ngôi chợ, gọi là "chợ côn trùng", ở xã Xuân Tô, cách ngã ba Nhà Bàng khoảng 10km.
Ngoài ngôi chợ này, Tịnh Biên còn có trên 10 điểm bán côn trùng và nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên kinh doanh các món "độc chiêu" như bọ cạp, rết, bọ rầy, tắc kè bay, mối chúa, nhện hùm, bổ củi, rắn mối, bìm bịp… dưới nhiều hình thức: Nướng, chiên, hấp, sấy khô, ngâm rượu hoặc… ăn sống với những lời quảng cáo "bốc".
Chả thế mà cô Hà, chủ một sạp bán bò cạp đen ở chợ đã "hót" như khướu: "Sơ ý để nó cắn một phát là thấy ông bà ông vải, chỗ bị cắn tím đen, sưng vù, đau nhức mấy ngày không hết. Nhưng nọc độc càng mạnh thì càng có tác dụng.
Đem ngâm rượu, hạ thổ 3 tháng 10 ngày, mỗi tối "quất" một ly, sáng ra bà xã cười hì hì". Tôi hỏi: "Vậy chắc ông xã ở nhà tối nào cũng quất một ly?". Hà đỏ bừng mặt: "Mấy ông uống rồi kể lại chứ chồng tui mới 30 tuổi, chưa cần tới".
Một người bán nhện hùm chiên giòn. |
Phải thừa nhận ở chợ côn trùng Tịnh Biên, bọ cạp đen là một trong những mặt hàng ăn khách nhất. Mới 7h sáng mà chợ đã rất đông người, hầu hết là du khách, cả "Tây" lẫn Ta. Anh Lâm, nhà ở quận Tân Bình, TP HCM, xuống đây viếng chùa Bà cho biết anh ra chợ từ 6h sáng, cốt chỉ để mua được những con bọ cạp to nhất, khỏe nhất.
Đưa tôi coi chiếc hộp giấy trong đó có hơn chục con đen thui, bò lổm nhổm, anh hào hứng kể về cách ngâm rượu sao cho mọi tinh túy trong con bò cạp tiết hết ra ngoài (?!). Tại một quán cóc, tôi thấy 4 ông trung niên ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, nhai rau ráu những con bọ cạp chiên giòn, thỉnh thoảng lại rót rượu ngâm bò cạp ra chiếc ly nhỏ, chuyền tay nhau uống cạn.
Chẳng biết có bổ hay không nhưng rõ ràng bọ cạp có lớp vỏ bằng chất kytin, cho dù có chiên giòn đến đâu chăng nữa thì hệ tiêu hóa của con người cũng không sao "xử lý" nổi. Đó là chưa kể nọc độc của nó vốn là một loại protein. Dưới tác dụng của nhiệt độ cao trong chảo dầu ăn, protein này phân hủy thành những chất vô thưởng vô phạt.
Một mặt hàng khác cũng hút khách không kém: Đó là con rết (rít) mà mấy ông Đài Loan gọi là "ngô công". Tại sạp hàng của ông Bảy "rít" - vì ông chuyên bán "rít" nên mới có tên này, trong chiếc thau nhôm là hàng chục con vật màu vàng nâu, to bằng ngón tay út, dài khoảng 25cm, hai hàng chân ngo ngoe bò trườn lên nhau như muốn tìm lối thoát còn cạnh đó, mấy hũ rượu to đùng ngâm đầy rết, nước ngả màu lờ lờ.
Thấy tôi dừng lại, ông mau mắn: "Mua đi chú, rít mới bắt về hồi hôm". Tôi hỏi bắt ở đâu, ông đáp: "Hồi trước ở vùng núi Cấm này, đặc biệt là tại núi Dài và núi Phú Cường, rít nhiều lắm. Riết rồi dân họ bắt về bán hết nên giờ phải qua Campuchia mới có". Rót đưa tôi một ly "rượu rít", ông bảo tôi uống thử coi, cam đoan lát về thành phố, ngồi xe 5, 6 tiếng đồng hồ cũng không biết mỏi lưng là gì.
Theo tìm hiểu của tôi, chợ côn trùng Tịnh Biên trở nên nhộn nhịp từ khoảng 6, 7 năm nay. Bà Tư Chà, 81 tuổi, sinh ra, lớn lên ở vùng đất này cho biết: "Hồi đó dân Campuchia ưa bắt con bọ rầy, rít, về chiên làm thức ăn.
Một số người Việt qua bển làm ruộng, ăn thử, thấy ngon nên họ bắt chước. Riết rồi mấy nhà hàng, quán nhậu ở Tịnh Biên, ngay cả ở Châu Đốc, Long Xuyên cũng trương bảng quảng cáo đặc sản côn trùng…".
Có cầu ắt có cung, thoắt chốc đã hình thành một đội quân chuyên đi săn lùng "hàng độc". Săn ở vùng Thất Sơn, núi Cấm, núi Dài, núi Phú Cường gần như hết sạch, họ sang Tà Keo, Sầm Rông, Campuchia hoặc đặt hàng với người Campuchia rồi đem về bán lại. Và không chỉ bọ cạp đen, bọ rầy, rết, họ bắt cả nhện hùm, mối chúa, bổ củi… mà đại đa số công dụng của nó đều xuất phát từ những lời... đồn thổi.
Bọ cạp, rết, bọ rầy, mối chúa, nhện hùm, bổ củi… thứ nào cũng có. |
Nhện hùm chẳng hạn, đây là loài côn trùng có nọc độc, sống ở những vùng rừng mưa nhiệt đới - trong đó có Việt Nam. Tùy theo tuổi đời, nó có thể dài 15cm, nặng khoảng 60gr nhưng 2/3 trọng lượng nằm ở lớp vỏ.
Theo lời đồn thổi, nó có tác dụng tăng cường sinh lực cho quý ông trong chuyện phòng the, thuốc Viagra cũng phải "gọi bằng cụ". Tuy nhiên, khi tôi hỏi Lương y Huỳnh Văn Khai, ở quận 6, TP.HCM thì được biết nhện hùm chỉ có khả năng chữa bệnh đái dầm nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng lắm.
Lương y Khai nói: "Tôi đã từng đi chợ côn trùng Tịnh Biên để tìm mua một số vị thuốc, và tôi nhận thấy những con nhện hùm bán ở đây hầu hết là con hồng quân, cũng thuộc họ nhện. Tuy hình dáng rất giống nhau nhưng nhện hùm cư trú ở trên cao, còn hồng quân làm hang dưới đất, giăng tơ quanh miệng hang. Loài hồng quân, nhện hùm người ta bán ở chợ không có chuyện bổ khỏe hay tăng lực như lời đồn".
Mặt trời lên cao, chợ càng lúc càng đông, mặc cho cái nóng hầm hập phả xuống cùng những lò lửa âm ỉ cháy mà trên đó, nhiều chảo dầu đã chuyển sang màu nâu đen nhưng người bán vẫn vô tư thả vào từng nắm bọ cạp hoặc nhện hùm, bọ rầy… Và cũng như bò cạp đen, khi chiên trong dầu ở nhiệt độ cao, nọc độc của nhện hùm hoàn toàn mất tác dụng.
Một thiếu phụ chừng 30 tuổi, da sạm đen vì nắng gió, bưng trên tay một khay nhện hùm chiên giòn cất tiếng mời: "Mua đi chú. Mỗi con 30.000 đồng". Tôi hỏi bọ cạp, mối chúa, rết, giá bao nhiêu? Chị cho biết chị không bán những thứ đó nhưng vẫn vui vẻ cung cấp một số thông tin: "Bò cạp sống từ 15.000 - 25.000/con tùy theo lớn nhỏ. Bổ củi mỗi con 5.000 - 6.0000 đồng. Rết 50.000 - 200.000/con nếu là "hắc ngô công".
Nghe qua thì thấy khá "mềm" nhưng để ngâm một hũ rượu 2 lít chẳng hạn, cần ít nhất 20 con bò cạp hoặc 20 con rết, hoặc 100 con bổ củi.
Ông Sơn, chủ một điểm bán mối chúa nói: "Ngâm 2 lít rượu thì tốt nhất là dùng 10 con mối chúa, mỗi con 500.000 đồng. Mà rượu phải là loại rượu gạo nguyên chất, độ cồn từ 50 đến 60%. Mối chúa đem về rửa bằng rượu 30 độ C cho sạch rồi mới ngâm.
Ngâm xong hạ thổ 3 tháng 10 ngày, mỗi tối đi ngủ uống một ly nhỏ, "sung" hết biết. Còn muốn "mạnh" hơn nữa thì ngâm chung với con bổ củi.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM: "Khi ngâm côn trùng hoặc các động vật khác như chim bìm bịp, rắn, bàn tay gấu, "hà nàm" (là bào thai của con vật nào đó) với rượu, dưới tác động của chất cồn trong rượu, protein của con vật sẽ bị chín rồi xơ chai, mỡ thì tan ra còn lớp vỏ kytin hoặc lông không bị phân hủy nên uống vào chẳng bổ béo gì.
Nồng độ cồn trong rượu càng cao thì hiện tượng xơ hóa diễn ra càng nhanh. Chưa kể một số loài chim, rắn, trên mình chúng thường có nhiều loại ký sinh trùng sống bám nên khi uống những loại rượu này, có thể ta đang uống chất độc".
Mỗi con mối chúa có giá 500.000 đồng. |
Đi chợ Tịnh Biên, dễ dàng nhận thấy đây là nơi hội tụ của nhiều chủng loại côn trùng, trong đó có cả những loài thiên địch - là loài chuyên săn lùng côn trùng có hại như rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, làm thức ăn, giúp ích cho nông dân. Tắc kè bay chẳng hạn, ở giữa 4 chân và thân mình nó có 4 lớp màng mỏng.
Khi từ trên cây lao xuống đất để tránh bị rắn ăn thịt, nó xòe 4 cái màng này ra như một chiếc dù giảm tốc. Theo lời ông Bảy Hậu, chủ một lò nấu rượu thì trước đây ở vùng Thất Sơn tắc kè bay rất nhiều nhưng dạo này, do việc săn bắt tận diệt nên số lượng đã giảm đáng kể.
Hầu hết tắc kè bay bán ở chợ côn trùng đều đã được phơi khô, đựng trong bịch nylon với giá 60.000 đồng/con. Ông Việt, nhà ở xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên cho biết, bình quân hàng ngày, ông mua vào từ 30 đến 50 con tắc kè sống. Sau khi mổ bụng, phơi khô, ông bỏ mối lại cho những người bán ở chợ Tịnh Biên, mỗi con 45.000 đồng.
Nhưng chiếm nhiều nhất vẫn là bọ rầy. Là loài cánh cứng, màu nâu, to bằng ngón tay trỏ người lớn, ăn lá cây - đặc biệt là cây lúa và những chồi non. Nó thường xuất hiện vào mùa mưa, gây tác hại nghiêm trọng cho nông dân, nhất là từ đầu tháng 9 trở đi trên những trà lúa vụ thu đông.
Ở chợ côn trùng Tịnh Biên, bọ rầy sau khi lột vỏ, bỏ đầu, chân, ruột, người ta chiên nước mắm hoặc lăn bột mì rồi chiên vàng. Cầu kỳ hơn, có người còn nhét hạt đậu phụng (lạc) vào bụng rầy. Con rầy sau khi chiên chín, bụng căng tròn, bóng nhẫy, nhìn rất hấp dẫn. Chả thế mà mấy ông bạn tôi, mỗi ông mua một bịch 10 con, vừa đi vừa nhai rau ráu.
Thử ăn một con, tôi thấy nó tương tự như dế cơm nhưng có vẻ lạm xạm hơn, có lẽ do lớp kytin ở bụng. Bên cạnh tôi, một ông "Tây" đang trợn mắt nuốt liền một lúc hai con bọ rầy, coi bộ khoái trá lắm. Nghe nói một người đi bắt mỗi đêm có thể kiếm được 400.000 - 500.000 đồng. Một khoản thu nhập không nhỏ.
11h, chúng tôi lên xe đến đám cưới. Sàn xe lúc này lổn nhổn những bao, bịch đựng chim bìm bịp, rắn trun, bọ cạp, nhện hùm, bổ củi, mối chúa, tất cả đều là hàng tươi sống cùng hai can rượu, mỗi can 20 lít mà người bán quảng cáo là rượu gạo nguyên chất, không có… phân urê!
Trên xe, mấy ông bạn tôi bàn tán sôi nổi về cách thức ngâm tẩm, mặt mày ông nào ông nấy hớn ha hớn hở, cứ y như "thần dược" đã ngấm vào người và chỉ tối nay là bà xã sẽ "giãy đành đạch".
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), cuối thế kỷ này, nhiều loại côn trùng sẽ là nguồn cung cấp chất đạm (protein) chính cho khoảng 1/5 dân số thế giới. Ở Trung Quốc, ngay cả con gián đất cũng đã được chế biến thành thức ăn; còn ở Pháp, con "kiến dương" - là loại côn trùng tương tự như bọ hung, nhưng có sừng trên đầu được coi là món ăn thời thượng.
Ở Mỹ, loại ấu trùng ký sinh trên cây bông vải và những cây họ đậu vẫn thường được dùng để chế ra món nướng. Còn ở một số nước châu Phi, người dân ăn tuốt luốt: nhện, rết, kiến, trứng kiến, mối, con sùng đất, kể cả ve sầu.
Tuy nhiên, ăn thì không sao miễn là nó được làm chín hoàn toàn. Còn ngâm rượu thì thú thật, tôi không hề tin vào công dụng "ông uống bà khen" của nó, chưa kể những nguy hiểm mà nó mang lại vì theo cuốn giáo trình “Độc chất học”, nọc độc của một số loài nhện, rắn, bò cạp khi tan trong rượu, có thể gây ra cơn cao huyết áp kịch phát. Vô phúc cho ai tiền sử đã có sẵn bệnh "lên máu" mà "quất" một ly, "bà khen" đâu chưa thấy, chỉ thấy mạch máu não vỡ một cái "bốp" là coi như héo đời!
Theo CAND