Xâm chiếm Biển Đông: Trung Quốc vẫn nguỵ biện và ngang ngược

Thứ ba, 26/05/2015, 11:40
Các nước láng giềng đang gặp khó khi tìm cách phản ứng trước hành động Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền Biển Đông bởi Bắc Kinh ra sức bảo vệ cho hành động phi pháp mà coi đây là cách phòng thủ.

Những bức ảnh vệ tinh trên Biển Đông trong suốt 12 tháng qua cho thấy Trung Quốc đã mở rộng bồi đắp và xây dựng trái phép trên tổng diện tích khoảng 800 héc ta. Trong đó, hoạt động thay đổi hiện trạng nhiều nhất được Trung Quốc tiến hành ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam tại khu vực Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Subi và Cụm Sinh Tồn.

Theo tạp chí National Interest, hành động trên cho thấy Trung Quốc đang mở rộng chủ nghĩa bành trướng và khiến tình hình căng thẳng trên Biển Đông không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, trước những lời biện minh mang tính hai mặt của Trung Quốc, phản ứng đáp trả của các bên liên quan cần được tính toán một cách thận trọng để tránh gây hiểu nhầm.

Hành động ngang nhiên xâm chiếm Biển Đông buộc Mỹ đưa ra hành động ngăn chặn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel mới đây tuyên bố: "Chưa xét đến việc có vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng chắc chắn hành động bồi đắp trái phép của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới sự hòa thuận với các nước Đông Nam Á và chắc chắn đi ngược lại với tuyên bố về một Trung Quốc tốt bụng, ôn hòa và không đe dọa các quốc gia khác".

Trong khi đó, vào giai đoạn năm 1998 – 2008, các quốc gia láng giềng châu Á từng đánh giá Trung Quốc là một quốc gia ôn hòa và không có ý đồ đe dọa tới an ninh của những nước khác nhưng tình hình hiện tại đã thay đổi.

Song, hành động đáp trả của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông lại vấp phải không ít khó khăn khi mà Trung Quốc vẫn khẳng định quốc gia này tôn trọng các quy tắc tự do hàng hải trên vùng biển này. Bắc Kinh cũng lên tiếng phản bác lại những lời tố cáo của các quốc gia láng giềng và cho rằng hành động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông chỉ nhằm "bảo vệ chủ quyền quốc gia". Do đó, Trung Quốc đương nhiên coi việc làm trái phép của mình là nhằm ngăn cản sự dòm ngó của các quốc gia khác.

Ngay cả giới học giả Trung Quốc cũng ủng hộ quan điểm này. Điển hình, Giáo sư Sheng Dingli tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải cho rằng: "Chính phủ Trung Quốc đang phải tự bảo vệ mình. Các đảo của chúng tôi vẫn đang "nằm trong tay kiểm soát của những nước khác" nhưng chúng tôi sẽ không dùng vũ lực để giành lại chúng".

Thậm chí, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tuần trước, giới chức Trung Quốc còn giải thích với Ngoại trưởng Mỹ rằng hành động của Trung Quốc chỉ đơn thuần là phản ứng đáp trả trước hành động mở rộng chủ quyền trên Biển Đông của các quốc gia khác. Theo Trung Quốc, kể từ tháng 4/2014, Đài Loan đã tiến hành bồi đắp ở Ba Bình, một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ thừa hiểu ai mới là người chịu trách nhiệm làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Như Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã nói: "Trung Quốc đang tạo ra một vạn lý trường thành bằng cát với sự xuất hiện của các máy nạo vét bùn và máy ủi đất".

Thậm chí, phát biểu trước Ủy ban Thượng viện, Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear đã mô tả tốc độ xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là " thật đáng kinh ngạc". Cũng theo vị quan chức Mỹ, "nếu hành động của Trung Quốc vẫn giữ nguyên tốc độ như hiện nay, Bắc Kinh sẽ giành được quyền kiểm soát các vùng biển mà nước này tuyên bố trước đó". Ngoài ra, "không loại trừ khả năng nếu muốn, Trung Quốc có thể cho thành lập vùng nhận diện phòng không" trên Biển Đông.

Về phần mình, Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm khi cho rằng việc mở rộng diện tích xâm chiếm Biển Đông chỉ là hành động mang tính phòng thủ còn việc làm của các nước khác mang tính khiêu khích tấn công. Trong bài phát biểu tại thủ đô Washington hôm 16/4, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã trình bày các quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải khẳng định "phòng thủ là quyền cơ bản".

Theo ông Thôi, đầu tiên, Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền chủ quyền và quyền hàng hải của mình trên Biển Đông. Thứ hai, Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết các tranh chấp qua con đường ngoại giao. Thứ ba, liên quan tới vấn đề Trung Quốc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Biển Đông, hành động này "diễn ra trong khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc". Cuối cùng, chính sách ngoại giao của Trung Quốc khẳng định "phòng thủ là quyền cơ bản". Do đó, trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh đang tìm cách phối hợp với tất cả các nước trong khu vực và "riêng với Mỹ".

Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị còn nhấn mạnh: "Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền hợp nhất lãnh thổ của Trung Quốc là điều chắc chắn và không có gì thay đổi".

National Interest nhận định trước những tuyên bố mang tính hai mặt vừa bảo vệ hành động xâm chiếm trái phép trên Biển Đông vừa coi đây là biện pháp phòng thủ, Trung Quốc sẽ làm khuấy động an ninh khu vực và buộc các quốc gia láng giềng cần thận trọng cân nhắc trong từng động thái phản ứng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn