Đường sách TP.HCM là mô hình chuẩn để các địa phương học tập

Thứ sáu, 08/01/2016, 09:21
Đường sách TP.HCM hình thành đã mở ra không gian văn hóa, không gian thư giãn lý tưởng cho các gia đình. Đường sách được đánh giá là sự kiện đáng nhớ của ngành xuất bản năm 2015.

Dự kiến chính thức khai trương vào ngày 9/1 tới đây, đường sách TP.HCM sẽ tập hợp 14 nhà xuất bản, công ty sách lớn trên cả nước như Fahasa, NXB Trẻ, Nhã Nam, Trí Việt… Đường sách hứa hẹn sẽ có những tác động tích cực đến đời sống tinh thần của người dân và sự phát triển của ngành xuất bản.

Trước thềm sự kiện, lãnh đạo các cơ quan quản lý về văn hoá và xuất bản đã có những chia sẻ tâm huyết với Zing.vn về đường sách TP.HCM.

Ông Nguyễn An Tiêm (Phó vụ trưởng, Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban tuyên giáo Trung ương): "Sẽ mở rộng mô hình đường sách trên toàn quốc"

Ông Nguyễn An Tiêm - Phó vụ trưởng, Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban tuyên giáo trung ương.

Theo quy hoạch xuất bản, in và phát hành của Thủ tướng với ngành xuất bản thì mỗi tỉnh, thành phố phải xây dựng ít nhất 1 trung tâm sách, đường sách. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước với ngành xuất bản đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của ngành trong đời sống xã hội. Tôi rất mừng khi TP.HCM đã đi đầu trong việc thực hiện quy định của nhà nước khi xây dựng đường sách. Đây là hoạt động lớn và tiêu biểu của ngành xuất bản.

Để có con đường sách TP.HCM chứng tỏ chủ trương đúng đắn của lãnh đạo thành phố khi coi trọng văn hóa đọc, nâng cao tri thức của người dân. Ở đây, tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội xuất bản Việt Nam, đặc biệt là anh Lê Hoàng, Phó chủ tịch, trưởng đại diện văn phòng miền Nam và Sở thông tin và Truyền thông đã tham mưu tích cực với lãnh đạo ủy ban, quyết liệt khi vào cuộc thì mới hiện thực hóa được đường sách.

Tôi nghĩ đường sách TP.HCM sẽ là mô hình chuẩn để các thành phố khác học tập thực hiện. Sắp tới, tôi sẽ chỉ đạo các địa phương trên cả nước xây dựng lộ trình thực hiện những trung tâm sách và đường sách. Khi sách đi sâu vào đời sống thì mới có thể nâng cao tri thức, dân trí.

Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành: "Đường sách góp phần phát triển ngành xuất bản"

Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành.

Sách là phương tiện để tiếp thu tri thức. Một xã hội, đất nước có nền tảng văn hóa thì dân trí mới cao. Đường sách TP.HCM ra đời là tín hiệu đáng mừng cho người dân, những người yêu sách và những người làm xuất bản. Ủng hộ việc thực hiện đường sách và dành hẳn một con đường đẹp ngay trung tâm thành phố, điều này chứng tỏ lãnh đạo TP.HCM quan tâm đến hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần của người dân.

Mặt tích cực không thể không nhắc tới của đường sách là sự ảnh hưởng đến ngành xuất bản Việt Nam. Sách muốn phát triển thì phải có độc giả. Việc tập trung các nhà xuất bản uy tín tại đường sách là cơ hội để các đơn vị đưa sách gần hơn với người đọc cũng như lắng nghe trực tiếp nhu cầu của độc giả. Không những thế, còn tạo điều kiện để các cơ quan quản lý chất lượng, nội dung sách và hoạt động kinh doanh của những đơn vị xuất bản, phát hành chặt chẽ, dễ dàng hơn. Khi các công ty hướng đến con đường làm ăn chân chính, đầu tư những sản phẩm có chiều sâu thì người đọc sẽ được tiếp nhận những tác phẩm giá trị.

Ông Lê Thái Hỷ (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM): "Đường sách nâng cao chất lượng cuộc sống"

Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.

Được Ủy ban thành phố giao nhiệm vụ thực hiện đường sách là niềm vui, tự hào của Sở thông tin và Truyền thông. Công trình này ngoài việc tăng cường sự phát triển của ngành xuất bản, mở ra không gian thư giãn, văn hóa, còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ở đô thị, đất chật, người đông, những không gian sinh hoạt chung ngày càng thu hẹp thì việc dành hẳn con đường đất kim cương cho sách chứng tỏ thành phố không chỉ đặt mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tôi tin đường sách ra đời sẽ là không gian lý tưởng cho các gia đình đến thư giãn, vui chơi, đọc sách vào mỗi cuối tuần.

Theo Zing

Các tin cũ hơn