Giấy phép giả qua mặt lực lượng chức năng
Thông tin với PV , Thanh tra Cục Quản lý đường bộ 1 cho biết, liên quan đến vụ đoàn xe chở theo 3 kiện hàng quá khổ, quá tải dưới dạng cấu kiện siêu trường siêu trọng đi từ Cảng Hải Phòng mà tới Nam Định mới bị bắt giữ, xử lý, cơ quan thanh tra Bộ Giao thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các đơn vị vi phạm.
Như đã đưa tin, đoàn 3 xe siêu trường siêu trọng bị bắt ở cầu Tân Đệ, Nam Định. Khi bị bắt, đoàn xe này khai nhận không có giấy phép lưu hành đặc biệt nhưng vẫn đi “chui” an toàn từ Hải Phòng đến Nam Định. Tuy nhiên phía Cảng Hải Phòng (nơi lên hàng cho đoàn xe) lại khẳng định đoàn xe này có giấy phép. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao đoàn xe có thể xuất giấy phép cho cảng nhưng lại không thể xuất trình tiếp với cơ quan chức năng? Có vấn đề gì với tấm giấy phép này?
Giấy phép dưới dạng phô tô Cảng Hải Phòng cung cấp cho PV |
Để làm rõ băn khoăn này, ông Trần Văn Sơn (Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định, từ khá lâu rồi, doanh nghiệp vận tải Chính Nghĩa không có hồ sơ xin phép cho bất cứ phương tiện chở hàng siêu trường siêu trọng nào. Vì thế, giấy phép bản phô tô mà Cảng Hàng Phòng cung cấp là giấy phép giả. Tổng cục đường bộ sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.
Để làm rõ hơn các yếu tố giả mạo trên 3 giấy phép mà Cảng Hải Phòng cung cấp cho PV , ông Sơn đã yêu cầu bộ phận chuyên môn cung cấp chi tiết.
Bộ phận lưu trữ hồ sơ cấp phép giấy lưu hành đặc biệt với xe chở hàng siêu trường siêu trọng cho biết: Theo thông số, nội dung trên giấy phép phô tô mà Cảng Hải Phòng đưa ra cho thấy các giấy phép này lần lượt có số là 2441, 2442, 2445 cấp ngày 21/12/2015, có giá trị đến ngày 10/1/2016, cấp cho công ty TNHH vận Tải Chính Nghĩa, lộ trình đi Hải Phòng- QL5- Thăng Long- Hà Nội, do Phó cục Đường bộ 1 Nguyễn Ngọc Sơn ký. Bộ phận chuyên môn chỉ rõ, tính từ 30/11/2015 đến ngày 21/12/2015 đã cấp giấy phép đến số từ 2623 đến 2647. Xét số giấy phép số 2441, 2442, 2445 thì Tổng cục đã cấp phép cho Công ty Đức Cường (Lào Cai) chứ không phải Công ty Chính Nghĩa.
“Cảng không thể vô can!”
Như vậy, giấy phép mà Cảng Hải Phòng đã căn cứ để xếp hàng cho đoàn xe vi phạm là giấy phép giả. Còn việc Cảng Hải Phòng xếp hàng trên giấy phép giả dưới dạng làm giả có dấu đỏ hay chỉ là giấy phép phô tô thì cần xác định thêm. Hiện nay, Cảng Hải Phòng vẫn khẳng định mình đã xếp hàng đúng luật theo giấy phép có dấu đỏ, còn đó có phải là giả hay không thì cảng không thể biết được vì không có máy soi.
Tuy nhiên lãnh đạo Cảng cũng thừa nhận đã không kiểm tra đăng kiểm của đoàn xe. "Cảng Hải Phòng là đơn vị kinh doanh cảng biển, không phải công an nên chúng tôi không có quyền truy hỏi, thẩm vấn khách hàng trong việc họ sử dụng giấy giả hay giấy thật mà đơn vị cấp là Tổng cục Đường bộ phải trả lời vấn đề này" - ông Trương Văn Thái - Phó tổng giám đốc Cảng Hải Phòng "cãi cố".
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khẳng định, những giấy phép doanh nghiệp xuất trình cho Cảng Hải Phòng là không có thật thì Cảng không thể “vô can” trong việc xếp hàng lên xe vi phạm.
Như PV đã phản ánh, ngày 30/12/2015, Thanh tra Sở GTVT Nam Định phối hợp với lực lượng liên ngành của Trạm cân xe tại Km 105 thuộc QL10 chốt chặn, dừng đoàn xe quá khổ “khủng” xuất phát từ Cảng Hải Phòng, không xuất trình được giấy phép lưu hành đặc biệt. Các xe này gồm 3 xe chở hàng siêu trường siêu trọng của Công ty TNHH Tiến Đại Lâm và Công ty TNHH TM và DV VT Chính Nghĩa.
Theo Dân Trí