Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn có 27 tuyến đường đang thi công nhiều công trình với 47 lô cốt chiếm dụng mặt đường, vỉa hè.
Buôn bán ế ẩm
Đó là công trình thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trên xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng (quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức); Tân Sơn Nhất - Bình Lợi trên đường Bạch Đằng (quận Gò Vấp); dự án đào lại kênh Hàng Bàng từ giao lộ Bình Tiên đến kênh Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6) cùng hàng chục dự án nâng cấp sửa chữa đường, lắp đặt ống nước, công trình viễn thông, điện lực…
Công trình xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) khiến người dân than trời thời gian gần đây. Công trình khởi công tháng 9/2015, dự kiến hoàn thành vào 1/12/2015 nhưng hiện nay đã tháng 1/2016 mọi thứ vẫn ngổn ngang, khiến đời sống người dân có nhà trên con đường này đảo lộn.
Nhiều đoạn trên đường Nguyễn Văn Quá bị công trình thi công chặn khiến giao thông khó khăn. Ảnh: Trường Nguyên. |
Theo quan sát, hàng chục đống đất đá cùng nhiều hố sâu liên tục xuất hiện án ngữ trước nhà dân trong thời gian dài. Việc thi công không che chắn khiến bụi mù mịt, các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn. Một số đoạn rào chắn công trình chiếm gần nửa con đường, khiến xe từ 2 hướng bị dồn ứ vào giờ cao điểm sáng và chiều.
Anh Hoàng Hải, chủ cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Văn Quá nói: "Hết đất đá chất thành đống thì tới hố sâu trước cửa hàng tôi khiến việc ra vào gặp nhiều khó khăn, khách không thèm đến".
Theo anh, từ khi công trình xuất hiện thì việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trong dịp cận Tết. Nhiều vật dụng, tủ trưng bày điện thoại luôn bị ám bụi đen dù lau chùi suốt ngày. "Đi trên đường người ta lo tránh hố sâu, bụi bặm nên không bao giờ dừng lại để mua hàng. Người dân thấy công nhân đào hố trước nhà rồi để đó nhiều ngày, rất bức xúc mà không biết làm gì", anh Hải nói.
Phía trước nhiều nhà dân bị đào lên nham nhở. Ảnh: Trường Nguyên. |
Đồng cảnh ngộ, chị Trần Thu Thủy (chủ shop thời trang trên đường Nguyễn Văn Quá) chán nản: "Thường những ngày gần Tết cửa hàng tôi có doanh thu cao, nhưng năm nay thế này thì không buôn bán được gì, nhân viên sẽ không có tiền thưởng Tết".
Chỉ vào đống vật liệu xây dựng, mảnh tôn lô cốt, giàn giáo kim loại để tứ tung trước sân cửa hàng, chị Thủy cho biết nhiều công nhân đem đến bỏ đây nhiều ngày nhưng không dọn dẹp gọn gàng, choáng gần hết đường ra vào. “Nhiều lần mình không cho để vật dụng nhưng họ nói thi công đường cho đẹp nên ráng chịu một chút và hứa sẽ dọn dẹp gọn lại, nhưng họ không thực hiện", người phụ nữ này than.
Theo người dân, công trình này góp phần chặn cống thoát nước là nguyên nhân làm nhiều khu dân cư bị ngập nặng trong những trận mưa lớn trước đó.
Mảnh tôn lô cốt, vật liệu thi công công trình trên đường Nguyễn Văn Quá vứt bề bộn trước sân của một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Trường Nguyên. |
Ngưng đào đường, tái lập mặt đường 15 ngày dịp Tết
Tại quận 6, ngay chân cầu vượt vòng xoay Cây Gõ có một lô cốt rộng hơn 3m, dài khoảng 50m (của công trình thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng, thi công từ đầu tháng 11/2015) chiếm hết 1/3 mặt đường Hồng Bàng khiến khu vực này ngày nào cũng bị ùn tắc trong giờ cao điểm. Tại đây, ngoài phần đường lên cầu vượt Cây Gõ thì phần còn lại cho tất cả các loại xe lưu thông chung chỉ còn gần 2 m.
Bà Phan Thị Thương, người dân sống gần chân cầu vượt bức xúc: "Không biết họ nghĩ sao mà đường cho cả xe buýt, ôtô tải đi chung với xe máy còn nhỏ hơn cả con hẻm. Nhiều lúc một chiếc xe buýt dừng lại thì những người phía sau coi như chết đứng, bấm còi inh ỏi".
Còn người dân tại công trình đào lại kênh Hàng Bàng (quận 6) thì lại bức xúc vì chuyện bụi từ công trình thường bay vào khu dân cư. Một người dân than, buôn bán đồ ăn ở đây phải che chắn rất cẩn thận, nhất là lúc ngày nắng và có gió mạnh.
Công trình cải tạo kênh Hàng Bàng. Ảnh: Trường Nguyên. |
Trả lời Zing.vn, ông Trần Quang Lâm - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, vừa qua UBND ra quyết định yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tạm ngưng thi công tất cả công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn từ ngày 23 tháng Chạp đến hết mùng 8 tháng Giêng (từ 1 đến 15/2).
Sở yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công trình trước Tết. Theo ông Lâm, đối với những công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường, Sở yêu cầu phải tạm ngưng thi công, thu dọn vật liệu, tái lập mặt đường và đảm bảo vệ sinh môi trường trong thời gian trên. Bên cạnh đó, đối với những công trình thi công vượt giấy phép mà không làm thủ tục xem xét, gia hạn thì phía Thanh tra Sở sẽ tiến hành xử phạt.
"Về lâu dài, chúng tôi sẽ xây dựng dữ liệu đánh giá các nhà thầu. Khi các đơn vị này tham gia thực hiện các công trình khác thì căn cứ vào đó để đánh giá năng lực. Những đơn vị nào vi phạm từ 3 lần trở lên sẽ kiến nghị có hình thức xử phạt và đề nghị UBND không cho tham gia vào các công trình khác”, ông Lâm nói.
Theo Zing