Nhật cho Philippines thuê máy bay quân sự

Thứ tư, 04/05/2016, 10:19
Nhật Bản và Philippines vừa đạt được thỏa thuận cho Philippines thuê máy bay quân sự. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước cựu thù ngày càng sâu sắc trước mối lo ngại chung về sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực.
Các phi công Nhật Bản đứng trên tàu sân bay trực thăng Ise của Nhật Bản trước khi tàu vào cảng Subic ở phía bắc thủ đô Manila của Philippines hôm 26/4. Ảnh: Ted Aljibe

Thỏa thuận đạt được chiều 2/5 sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin.

Theo đó, Tokyo sẽ cho Manila thuê 5 chiếc máy bay huấn luyện TC-90 và giúp Manila huấn luyện phi công và thợ máy, AP dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết. Những máy bay này có thể được sử dụng để giám sát. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản cho nước khác thuê máy bay quân sự của Lực lượng Phòng vệ sau khi Tokyo tự áp lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.

“Chúng tôi đồng ý rằng, điều quan trọng là tất cả các nước trong khu vực phải tăng cường hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”, Bộ trưởng Nakatani nói với báo giới. “Chúng tôi tin rằng, việc cải thiện năng lực cho Philippines sẽ dẫn đến ổn định trong khu vực”, ông Nakatani nói thêm.

Máy bay TC-90 có tầm bay 1.900km, gần gấp đôi tầm bay của các máy bay của hải quân Philippines hiện hay, hãng thông tấn Nhật Bản Kyodođưa tin. Tháng 2 năm nay, Tokyo đồng ý cung cấp vũ khí, khí tài cho Manila, trong đó có thể bao gồm máy bay  trinh sát chống tàu ngầm và công nghệ radar.

Trong khi đó, nói về chính sách ASEAN của Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong bài phát biểu tại ĐH Chulalongkorn, Thái Lan hôm 2/5 nhấn mạnh, hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết cho thịnh vượng kinh tế ở khu vực.

Nhưng ASEAN và các đối tác, trong đó có Nhật Bản, đang phải đối mặt nhiều thách thức, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và những vấn đề liên quan an ninh biển. Để vượt qua những thách thức này, cần phải chú trọng “tính đa dạng” của ASEAN và nhấn mạnh nguyên tắc “pháp quyền”; lĩnh vực mà nguyên tắc pháp quyền bị đe dọa nhiều nhất hiện nay là an ninh biển, ông Kishida nói.

Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định, Tokyo tôn trọng 3 nguyên tắc về pháp quyền trên biển, bao gồm: các quốc gia phải đưa ra và làm sáng tỏ các tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên luật quốc tế; các quốc gia không được sử dụng vũ lực hay cưỡng ép nhằm thúc đẩy yêu sách của mình; các quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Ông Kishida nhắc lại cuộc họp của các ngoại trưởng G7 vào tháng trước đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế và cực lực phản đối những nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. “Chúng ta phải thiết lập một trật tự khu vực mà ở đó nguyên tắc pháp quyền thực sự được duy trì và thực hiện. Theo quan điểm này, tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông”, Bộ trưởng Kishida nói.

Trung Quốc từ chối tiếp tàu sân bay Mỹ

Trung Quốc vừa hủy một chuyến thăm dự kiến của tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Hải quân Mỹ đến cảng Hong Kong mà không đưa ra giải thích nào, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin hôm 2/5. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo với Mỹ về quyết định này từ tuần trước.

Tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ có chi phí chế tạo ước tính 4,5 tỷ USD. Ảnh: US Navy

Một quan chức Hải quân Mỹ nói với trang Navy Times: Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, thời gian con tàu ghé thăm “không tiện” cho Trung Quốc. Lãnh sự quán Mỹ phải hoãn chương trình thăm của tàu sân bay này và 4 tàu hộ tống khác của Hải quân Mỹ.

Chuyến thăm của tàu chỉ huy USS Blue Ridge, còn được gọi là trụ sở nổi của Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản, có vẻ không bị ảnh hưởng bởi quyết định nói trên. Trong thời gian này, tàu sân bay USS John C. Stennis CSG của Mỹ đang thực hiện hàng trăm hoạt động tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn