Facebook trả lại công bằng cho “Em bé Napalm”

Thứ bảy, 10/09/2016, 11:49
Sau khi bị phản đối dữ dội vì kiểm duyệt và chặn bức ảnh “Em bé Napalm” của phóng viên chiến trường Nick Út của hãng thông tấn AP, Facebook đã đổi giọng và nói rằng sẽ cho phép một bức ảnh “mang tính biểu tượng” như vậy được đăng tải.

Trước đó khi một tác giả người Na Uy đăng bức ảnh trên trang Facebook cá nhân, tấm ảnh đã lập tức bị Facebook gỡ bỏ vì cho rằng đây là “ảnh khỏa thân”. Động thái này của Facebook đã gây tranh cãi dữ dội trong dư luận về vai trò của Facebook trong việc biên tập thông tin hình ảnh.

Sau đó, nhà báo Espen Egil Hansen – biên tập viên của tờ báo lớn nhất Na Uy Aftenposten đã viết một bức thư ngỏ gửi đến ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và gọi đây là một sự “lạm quyền” của Facebook.

Espen Egil Hansen, người đã viết thư ngỏ gửi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg là biên tập viên của tờ Aftenposten, tờ báo lớn nhất Na Uy. Ảnh: Aftenposten/Nick Út
Sau đó trang mạng xã hội khổng lồ này đã phản hồi lại rằng họ đã “lắng nghe cộng đồng” và ghi nhận “tầm quan trọng mang tính toàn cầu” của bức ảnh. Trong thông báo của Facebook có nhấn mạnh: “Bởi vì đây là một bức ảnh mang tính biểu tượng thể hiện tầm quan trọng lịch sử nên giá trị của việc cho phép chia sẻ bức ảnh quan trọng hơn những quy định kiểm duyệt bảo vệ cộng đồng, do vậy chúng tôi đã quyết định sẽ trả lại bức ảnh này trên Facebook về đúng những trang mà trước đó có đăng nhưng đã bị xóa”.

“Sẽ mất một ít thời gian để điều chỉnh lại các hệ thống, nhưng mọi người sẽ có thể chia sẻ bức ảnh này thoải mái trong vài ngày tới. Chúng tôi sẽ luôn cải thiện những chính sách của mình để đảm bảo rằng vừa có thể bảo vệ cộng đồng vừa ủng hộ được việc tự do bày tỏ quan điểm cá nhân”- thông báo của Facebook nói thêm.

Nữ thủ tướng Na Uy Erna Soldberg cho biết bà hoan nghênh động thái “quay đầu” này của Facebook. Trước đó bà cũng có đăng một bản sao của bức ảnh trên trang Facebook cá nhân và cũng đã bị xóa. Bà chia sẻ trong chương trình The World Tonight của đài BBC Radio 4: “Điều đó thật tốt và tôi ở cương vị Thủ tướng cũng thấy vui. Việc này cho thấy rằng sử dụng mạng xã hội cũng có thể tạo ra một sự thay đổi mang tính chính trị ngay trong chính mạng xã hội”.

Tom Egeland, người đã đăng bức ảnh nổi tiếng này trên Facebook cá nhân và bị Facebook khóa tài khoản cũng bày tỏ sự hài lòng về quyết định này của Facebook. Tác giả này viết trên Twitter: “Bây giờ tôi rất vui. Điều này không thay đổi được hết tất cả những vấn đề liên quan đến Facebook và truyền thông Na Uy, nhưng tối nay tôi rất vui”.

Tuy vậy, biên tập viên Espen Egil Hansen, người đã mang vấn đề ra trước công luận lại nói rằng ông vẫn còn một số lo ngại. Ông cho biết: “Luận điểm chính trong thư ngỏ của tôi và cũng là điều mà tôi yêu cầu sự can thiệp của Mark Zuckerberg chính là cuộc tranh luận về quyền lực của Facebook xuất phát từ việc có quá nhiều thông tin đi các kênh của nó. Cuộc tranh luận đó vẫn chưa ngã ngũ”.

“Ông ấy nên bắt đầu tham gia thảo luận bởi vị sẽ không có giải pháp nào đơn giản. Facebook phải nhận ra rằng họ đã trở thành một “máy lọc thông tin” và điều đó đã gây nên một số vấn đề”.

Cuối tháng trước, Mark Zuckerberg đã phát biểu trước một nhóm công chúng người Ý rằng ông không muốn Facebook trở thành một “biên tập viên tin tức”. Ông nói: “Không, chúng tôi là một công ty công nghệ chứ không phải công ty truyền thông. Thế giới cần các hãng tin và cũng cần những công ty công nghệ như chúng tôi và chúng tôi đang đảm nhận vai trò này một cách rất nghiêm túc”.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn