Bức ảnh chụp cô bé Việt Nam bị bom napalm đốt cháy hết quần áo và đang chạy khỏi vụ tấn công năm 1972 đã bị Facebook xóa khỏi các trang của người dùng, trong đó có trang của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg. Bức ảnh của phóng viên ảnh Nick Ut làm việc cho hãng tin AP đã giành giải thưởng Pulitzer.
“Facebook đang đi sai đường khi kiểm duyệt những bức ảnh như thế này. Điều đó góp phần tạo nên sự hạn chế quyền tự do thể hiện”, Thủ tướng Na Uy sáng qua viết trên trang Facebook. Bình luận này nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt “like”.
Câu chuyện bắt đầu từ vài tuần trước, sau khi nhà văn người Na Uy Tom Egeland đăng một thông điệp về 7 bức ảnh thay đổi lịch sử chiến tranh và minh họa bằng bức ảnh chụp cô bé Phúc. Nhưng bức ảnh nhanh chóng bị Facebook xóa. Những người hâm mộ ủng hộ nhà văn này và đăng lại bức ảnh đó, nhưng cũng bị Facebook xóa vì quy định của họ cấm đăng ảnh khỏa thân.
Những ngày gần đây, Facebook tiếp tục xóa bức ảnh và thậm chí treo cả tài khoản của những người Na Uy đã đăng ảnh. Hành động của Facebook đã vấp phải phản ứng dữ dội ở Na Uy - nơi quyền tự do của người dân luôn được bảo vệ.
“Tôi đánh giá cao công việc của Facebook và các phương tiện truyền thông khác khi chặn những bức ảnh và nội dung thể hiện sự lạm dụng và bạo lực thân thể. Điều quan trọng là tất cả chúng ta phải đóng góp cho cuộc chiến chống lại bạo lực và lạm dụng thân thể trẻ em”, Thủ tướng Na Uy viết.
Nhưng đoạn thông điệp này bị xóa vào giữa ngày hôm đó. Văn phòng Thủ tướng Na Uy sau đó cho biết Facebook đã xóa nó. Nhưng vài giờ sau, Thủ tướng Solberg đăng lại bức ảnh khỏa thân được bôi đen để phản đối và yêu cầu Facebook “xem lại chính sách kiểm duyệt và thực hiện trách nhiệm có lợi cho một công ty lớn với nền tảng giao tiếp rộng rãi”.
Bức ảnh em bé Napalm của phóng viên ảnh Nick Ut bị Facebook kiểm duyệt. |
Tờ báo lớn nhất Na Uy Aftenposten cũng đáp trả chính sách kiểm duyệt của Facebook bằng việc đăng bức ảnh trên trang bìa của số báo in ra ngày hôm qua kèm theo logo của Facebook và bức thư ngỏ dài 2 trang gửi đến nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.
“Tôi viết thư này cho ông vì tôi lo lắng việc phương tiện truyền thông lớn nhất thế giới đang hạn chế quyền tự do thay vì mở rộng nó, và vì điều này đang diễn ra theo những cách đôi khi độc tài”, Tổng biên tập Espen Egil Hansen viết trong bức thư tựa đề “Mark thân mến!”. Trước đó, báo Aftenposten cũng đăng bức ảnh em bé napalm trên trang Facebook của họ.
Facebook đã yêu cầu báo này gỡ bức ảnh xuống, nhưng sau đó Facebook tự xóa bức ảnh trước khi các biên tập viên của Aftenposten phản hồi yêu cầu. “Tôi e rằng, chúng ta đang trở thành một xã hội nơi mẫu số chung thấp nhất xác định điều gì đang gây sốc cho dân số toàn cầu”, ông Hansen nói.
“Thông tin phải chấp nhận được trong một ngôi làng nhỏ ở Pakistan cũng như ở môi trường tri thức ở Paris. Mẫu số chung thấp nhất này là cơ chế rất nguy hiểm khi nó được áp dụng bởi vị tổng biên tập có ảnh hưởng nhất thế giới”, ông Hansen nói với hàm ý về nhà sáng lập Facebook.
Vụ việc trở nên nghiêm trọng đến mức Liên đoàn Báo chí Na Uy đề nghị quỹ lương hưu lớn nhất nước này và cũng là quỹ thịnh vượng lớn nhất thế giới xác định xem kiểu kiểm duyệt này có phù hợp các tiêu chí đạo đức trong đầu tư hay không. Tính đến cuối năm 2015, quỹ này sở hữu 0,52% cổ phiếu của Facebook.
Đây không phải lần đầu tiên Facebook bị chỉ trích vì hành động kiểm duyệt. Mạng xã hội này trước đây từng chặn nhiều tác phẩm nghệ thuật. Facebook sắp phải hầu kiện tại Pháp sau khi bị một giáo viên cáo buộc hành động kiểm duyệt vì đã chặn tài khoản của ông sau khi ông đăng bức họa “L’Origine du monde” (Nguồn gốc của thế giới) của họa sĩ Gustave Courbet, trong đó có hình ảnh bộ phận sinh dục phụ nữ. Đầu năm nay, một luật sư Đan Mạch cũng phàn nàn rằng, Facebook đã xóa ảnh chụp bức tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen trong tài khoản của cô.
Theo Tiền Phong