Xóm lồng đèn nửa thế kỷ ở Sài Gòn mùa Trung thu

Thứ bảy, 10/09/2016, 09:29
Sản phẩm lồng đèn truyền thống ở làng Phú Bình (TP.HCM) đứng trước thực trạng nhiều người bỏ nghề khi hàng khó bán, không cạnh tranh được với đồ chơi ngoại nhập.

Nếu có dịp về thăm làng lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11, TP.HCM) với hơn 60 năm tuổi khách không khỏi xót xa trước sự mai một của nghề truyền thống.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (57 tuổi) đã làm lồng đèn được 30 năm nay. Ông cho biết, mỗi năm số lượng đèn làm giảm dần. Năm 2014 nhà ông sản xuất 4.000 chiếc, năm nay chỉ còn 2.000 chiếc. Trung bình lãi chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/chiếc.

Các công đoạn làm đèn lồng theo phương pháp truyền thống từ xưa. Một cây tre lồ ô giá 60.000 đồng làm được 40-50 khung lồng đèn, cộng với tiền giấy kiếng 3.000 đồng/tờ (dán được 2-3 khung đèn) và tiền công vẽ, công dán, chưa kể công làm khung một chiếc đèn... Trung bình một người thợ chỉ làm được khoảng 15 chiếc lồng đèn/ngày.

Vì công việc làm lồng đèn thu nhập bấp bênh nên ông Quyền phải chạy xe ôm và làm thêm nhiều nghề phụ để kiếm sống.

Ông Quyền nhớ lại, vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề làm lồng đèn thủ công. "Lúc đó, mặc dù mẫu mã không đa dạng như bây giờ, đơn giản chỉ hình ngôi sao, con thỏ hay con cá, nhưng số lượng làm ra bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu", ông nói.

Làng giờ còn ít người theo nghề, hoặc chủ yếu kinh doanh ngành khác, đến mùa nhớ nghề thì làm thêm chục cái cho vui.

Gia đình bà Kim Hân năm nay cũng chỉ làm 1.000 cái lồng đèn và thay đổi mẫu mã bằng cách vẽ các nhân vật hoạt hình với hy vọng sẽ được nhiều trẻ em thích thú hơn.

Mỗi người mỗi công đoạn cưa cắt, chẻ nan, làm khung sườn, dán giấy kiếng. Yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn còn ở cách tạo hình, kỹ thuật dán giấy và vẽ họa tiết trang trí.

Tất cả những công đoạn này đòi hỏi người thợ phải sáng tạo trong từng nét vẽ, khéo léo trong cách bôi hồ, dán giấy thì mới có được những chiếc lồng đèn căng bóng, trông đẹp mắt.

Tại khu phố lồng đèn ở quận 5, lác đác những chiếc lồng đèn truyền thống.

Bước sang giai đoạn từ năm 2000, một bước ngoặc lớn đối với làng lồng đèn Phú Bình khi sự xuất hiện ồ ạt của lồng đèn điện tử trên thị trường đã "đè bẹp" lồng đèn truyền thống bằng giấy kiếng.

Trẻ em thời nay cũng không còn mặn mà với lồng đèn ông sao hay con cá được thắp bằng đèn cầy mà dễ bị thu hút bởi những ánh đèn nhấp nháy nhiều màu và tiếng nhạc từ lồng đèn điện tử.

Một chủ cửa hàng vui vẻ khi bán được hàng. Chị cho biết một số trường tiểu học hàng năm đặt vài chục đèn truyền thống cho các học sinh nhưng các trường như thế rất ít.

Chiếc đèn kéo quân lạc lõng giữa những lồng đèn hiện đại. Đèn kéo quân là loại đèn ít được làm nhất vì giá thành khá cao, mà không thu hút được nhiều khách hàng.

Một em bé đang được người lớn mua cho chiếc lồng đèn truyền thống. Anh cho rằng lồng đèn này vừa giá thành rẻ, chơi được lâu và an toàn với trẻ con hơn các loại đồ điện tử.

Theo một số tài liệu, nghề làm lồng đèn cổ truyền ở Việt Nam xuất phát từ làng Bác Cổ và Báo Đáp ở Nam Định, sau đó lan đến một số địa phương như Hội An, Huế và TP.HCM.

Xóm lồng đèn Phú Bình ở TP.HCM được hình thành vào khoảng giữa thập niên 50 thế kỷ trước. Người dân từ Nam Định vào Sài Gòn mang theo nghề làm lồng đèn của quê hương mình, đến nay đã hơn nửa thế kỷ.

Vài năm trở lại đây, làng nghề đang dần suy yếu và có nguy cơ dẹp bỏ vì không có nguồn tiêu thụ. Một trong những nguyên nhân là do tình trạng lồng đèn Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp mà giá lại rẻ nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích