|
Gia tăng tình trạng nước ngầm được khai thác để phục vụ sản xuất tại các vùng nông thôn ĐBSCL. |
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Vấn đề sụt lún ở ĐBSCL - Thách thức và giải pháp tương lai” diễn ra ngày 21/3 tại Cần Thơ.
Mỗi năm sụt lún 2,5cm
Kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của các nhà khoa học thực hiện dự án “Rise and Fall” - Hướng tới các chiến lược giảm thiểu sụt lún ở ĐBSCL, cho thấy vùng này đang có những thay đổi nhanh chóng do quá trình đô thị hoá, chuyển đổi sử dụng đất đai. Nhiều phần diện tích ở nông thôn có mức độ sụt lún khoảng 10 - 20mm/năm, ở thành thị và các khu công nghiệp, mức độ sụt lún lên đến khoảng 25mm/năm. Nguyên nhân chính là do tốc độ khai thác nước dưới đất đang diễn ra ngày càng nhanh.
GS Piet Hoekstra (ĐH Utrecht, Hà Lan) - Giám đốc điều hành dự án “Rise and Fall” cho biết, ĐBSCL có những nơi bị sụt lún 2 - 4cm/năm, nhất là vùng duyên hải, vùng trũng, trong vòng 25 năm qua, có nơi đã sụt lún 25cm. PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung (Khoa Môi trường và TNTN, ĐH Cần Thơ) cho biết sụt lún tại ĐBSCL không phải là mới, song tốc độ tăng lên trong thời gian gần đây.
Theo ông Trung, sụt lún có 4 nguyên nhân chính là lún tự nhiên (quá trình phù sa bồi lắng, cô đặc do áp lực tự nhiên); tải trọng từ các công trình xây dựng; tiến trình kiến tạo địa chất và việc khai thác nước ngầm. Trong đó, khai thác nước ngầm được xem là nguyên nhân quan trọng và gây tác động rất lớn thời gian gần đây.
Ông Trần Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sóc Trăng cho biết tất cả nhà máy nước tại tỉnh này đều lấy nước từ nước ngầm. Hiện có 1 nhà máy đầu tiên lấy nước mặt nhưng rất khó khăn vì nước nhiễm mặn. Mặc dù tỉnh đã có những giải pháp quản lý nguồn nước, nhiều mô hình tái sử dụng nước mưa, hạn chế sử dụng nước ngầm… song thực tế còn gặp nhiều khó khăn vì chất lượng, áp lực nước ngầm ngày càng suy giảm, hàng năm bị hạ 0,3 - 0,8m, sắp tới sẽ còn tiếp tục hạ.
“Việc khai thác hiện đã vượt mức an toàn, có những nơi hạ liên tục. Trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, người dân lấy nước ngầm pha để nuôi tôm, cá, khi hạn hán lại khoan nước ngầm để cứu lúa, việc này hết sức nguy hiểm…” - ông Thanh nói.
Nguồn nước ngầm tại ĐBSCL được khai thác qua hệ thống bơm và được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Thời gian gần đây, lượng nước ngầm được khai thác ngày càng tăng nhanh, mức độ khai thác hiện đang vượt quá trữ lượng bổ cập tự nhiên (thông qua mưa hoặc từ nguồn nước mặt) dẫn đến suy thoái về cấu trúc và trữ lượng các tầng chứa nước dưới đất.
Theo GS Piet Hoekstra, mức độ bổ cập thấp, quá trình tái bổ cập diễn ra chậm cho thấy khả năng nguồn nước ngầm hiện tại đã được hình thành từ lâu đời, khoảng 20 - 30 nghìn năm trước. Hơn nữa, việc khai thác hiện tại cùng với nước biển dâng sẽ gia tăng xâm nhập mặn vào các tầng nước ngầm khiến nguồn nước này suy giảm.
Trong khi đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, mức độ gia tăng mực nước biển tuyệt đối từ 3 - 4mm/năm khiến ĐBSCL lại càng chìm nhanh trong nước.
Phải cấm khai thác nước ngầm và trữ nước
Theo ông Kỷ Quang Vinh - Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu TP.Cần Thơ, tiến trình hồi phục nước ngầm đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nhật Bản bắt đầu không cho phép khai thác nước ngầm, dầu khí vào khoảng năm 1985 nhưng phải đến năm 2000 mực nước ngầm mới chững lại và từ đó đến nay mới bắt đầu dâng lên.
“Chúng ta muốn được như vậy thì phải làm ngay từ bây giờ, nếu không thì độ chậm trễ sẽ thêm vài chục năm nữa”- ông Vinh nói, đồng thời cho biết, hiện nay Cần Thơ đã có cấm khai thác nước ngầm, nhưng một số nơi khác thì chưa. Trong khi đó, địa tầng chúng ta thông nhau nên nếu chỉ Cần Thơ cấm thì không có tác dụng nhiều…
Trao đổi với PV về bài toán nước cho sinh hoạt, sản xuất, ông Vinh cho biết, hiện ĐBSCL luôn bị hạn, mặn, lũ lụt nên phải có biện pháp vừa chống lũ lụt vừa chống hạn, mặn. Trước tiên chúng ta phải trữ nước. Với tầng nước mặt, có 2 cách, thứ nhất là trữ tại những khu dự trữ ở vùng đất ngập nước như vùng Đồng Tháp Mười; thứ hai là từng nông dân, từng địa phương thực hiện nạo sâu kênh rạch (không đào thêm), trữ nhiều nước nhất trong mùa mưa để dùng trong mùa khô. Tiếp đó, phải vận dụng tái bổ cấp nước ngầm, điều này phải Trung ương làm chứ từng địa phương không thể làm được, đòi hỏi công nghệ, tiền bạc, thời gian…
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, phần lớn các tỉnh, thành trong cả nước khai thác nước ngầm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất với tổng số lên đến gần 5 triệu m3/ngày và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao thời gian tới. Tại các tỉnh, thành như TP.HCM, Hải Phòng, Nam Định, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu..., mực nước ngầm hạ xuống mức báo động, như ở huyện Hải Hậu (Nam Định) nước ngầm đã hạ xuống gần 10m trong vòng một thập kỷ qua, còn tại TP.HCM nước ngầm cũng đã hạ thấp gần 18m kể từ năm 1995. |
Theo Tiền Phong