Từ kết luận của thanh tra Bộ GTVT: Lộ dấu hiệu thao túng của nhóm lợi ích

Thứ tư, 22/03/2017, 08:37
Có nhiều điều được hé lộ từ kết luận thanh tra của Bộ GTVT cho thấy những dấu hiệu bảo kê, buông lỏng từ Cục Đường thủy nội địa với những dự án nạo vét tận thu cát trên sông.

Dự án nạo vét kết hợp tận thu cát bị buông lỏng từ khâu lập dự án đến khâu kiểm soát thực hiện (Trong ảnh, một tàu cát khai thác cát trái phép bị bắt giữ tại Ba Vì - Hà Nội).

Chỉ lăm le hút cát, qua loa luồng lạch

Theo thông báo kết luận thanh tra do Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký ban hành vào tháng 11/2016 cho thấy: Bộ GTVT công bố tới 257 vị trí cần nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm nhưng có 72 vị trí được doanh nghiệp đăng ký.

Kết luận thanh tra nêu có 71 dự án nạo vét gắn tận thu sản phẩm cát (nhiều hơn con số 66 dự án được Bộ GTVT báo cáo những ngày qua). Trong đó, đáng chú ý có 47 dự án có vị trí do nhà đầu tư tự đề xuất ngoài danh mục được phê duyệt (chiếm tỷ lệ 66,2%).

Đây là một trong những nguyên nhân khiến thanh tra đi đến kết luận: “Các nhà đầu tư luôn tối đa hoá lợi nhuận trong việc tận thu sản phẩm; nên chỉ quan tâm đến nạo vét tại những vị trí có cát, sỏi có thể tận thu; không thực hiện nạo vét luồng theo chuẩn tắc được phê duyệt”.

Kết luận cũng nêu hiện tượng, các nhà đầu tư sau khi dành được hợp đồng chủ yếu cho các tàu của đơn vị khác vào thu phế (như Tiền Phong phản ánh ngày 21/3). Cụ thể, kết luận thanh tra nêu: “Đa số các nhà đầu tư không đủ năng lực, trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa.

Sau khi ký hợp đồng thực hiện dự án với Cục Đường thuỷ nội địa, các nhà đầu tư đã thuê các chủ phương tiện tự bố trí nhân lực, phương tiện để thực hiện nạo vét, sau đó bán sản phẩm tận thu cho tổ chức, cá nhân ngoài thị trường; không thực hiện đúng phương án đổ thải được phê duyệt” – kết luận nêu.

Dự án nạo vét kết hợp tận thu cát bị buông lỏng từ khâu lập dự án đến khâu kiểm soát thực hiện (Trong ảnh, một tàu khai thác cát trái phép bị bắt giữ tại Ba Vì - Hà Nội).

Tự tung tự tác

Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của nhà đầu tư như trên, nhưng công tác quản lý của Cục Đường thuỷ nội địa được kết luận với hàng loạt sơ hở.

Về cơ chế, Cục này không soạn thảo ban hành quy chế quản lý để Bộ GTVT ban hành mà tự ban hành một quy chế tạm thời để vận hành các dự án. Danh mục các dự án được phê duyệt cũng không công khai trên trang điện tử theo quy định.

Về lựa chọn nhà đầu tư, trong 71 dự án, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương 43 dự án, còn 28 dự án được Cục ĐTNĐ chấp thuận. Trong đó, có dự án được Bộ GTVT chấp thuận vị trí một nơi, nhưng Cục quyết định cho thực hiện nơi khác (Dự án của Cty TNHH My Hương). Dự án của Cty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc, Cty TNHH Xây dựng và phát triển hạ tầng Vân Hội được chấp thuận và phê duyệt khi chưa có quyết định của UBND tỉnh.

Công tác giám sát được coi là kẽ hở lớn nhất trong thực hiện dự án. Chẳng hạn, dự án trên luồng đường thuỷ quốc gia trên nhánh Cù Lao Long Khánh được giao cho Cty An Điền Phát, nhưng công ty này lại giao cho Cty Thiên Ân Nam thực hiện, mà chưa được Cục ĐTNĐ chấp thuận.

Nhiều dự án dừng thi công không có tài liệu xác nhận việc di dời phương tiện, thiết bị thi công ra khỏi công trường. Thậm chí kết luận nêu về công tác giám sát: “Không có thiết bị giám sát phục vụ công tác giám sát”.

Kết luận thanh tra cũng phản ánh phần nào nghi vấn các nhà thầu nạo vét chỉ nạo vét, mà không nạo vét bùn. Cụ thể, kết luận nêu: “Sản phẩm tận thu là cát mịn và cát hạt trung, do vậy không có bùn cát như trong báo cáo kinh tế kỹ thuật”.

Trao đổi với Tiền Phong về nội dung kết luận thanh tra này, ông Trần Văn thọ, Phó Cục trưởng ĐTNĐ cho hay hiện Cục đang thực hiện các nội dung kết luận và sẽ báo cáo Bộ GTVT trong tháng 3 này. Trả lời câu hỏi về việc Cục đã phát hiện được những vi phạm nào của nhà thầu, ông Thọ chủ yếu chỉ ra các sai phạm như: Các cán bộ trên tàu không đủ bằng cấp chuyên môn, đăng kiểm tàu gần hết hạn…

“Sản phẩm tận thu là cát mịn và cát hạt trung, do vậy không có bùn cát như trong báo cáo kinh tế kỹ thuật”.

Trích kết luận của Bộ GTVT

Một nguồn tin đáng tin cậy từ Bộ GTVT cho hay, đề nghị cho phép khai thác tại dự án sông Cầu vừa qua được ông Trần Văn Thọ báo lên lãnh đạo Bộ GTVT khi Cục trưởng ĐTNĐ đi công tác nước ngoài với lý do luồng khan cạn. Từ báo cáo của ông Thọ, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa ra chủ trương cho phép Cục ĐTNĐ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thực hiện dự án. Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có các văn gửi Bộ GTVT cho rằng luồng không khan cạn, nguy cơ sạt lở, đề nghị không cho nạo vét, hút cát.               

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn