|
Ông Lại Hồng Thanh. |
Thưa ông trách nhiệm trong cấp phép, quản lý khai thác cát sỏi của các cơ quan chức năng hiện nay ra sao?
Về phân cấp trong quản lý, theo quy định tại khoản 2, điều 82 của Luật khoáng sản, từ việc lập quy hoạch, cấp phép, thăm dò, khai thác, thanh tra kiểm tra đến xử lý vi phạm trong khai thác vật liệu xây dựng thông thường, bao gồm cát sỏi thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án danh nghĩa là nạo vét, khơi thông luồng lạch lòng sông nhưng mục đích là tận thu cát sỏi, do Bộ Giao thông Vận tải cấp phép chứ không phải UBND cấp tỉnh. Đây có phải khe hở trong quản lý khai thác cát sỏi hiện nay?
Việc duy tu luồng lạch, nạo vét cửa sông, cửa biển là công việc mang tính chất chuyên môn cần làm của Bộ Giao thông Vận tải. Trong quá trình đó, nếu gặp cát sỏi thì được phép thu hồi. Tuy nhiên, việc thu hồi cát ở các dự án nạo vét, theo quy định của khoản 1, điều 2 Luật Khoáng sản là hoạt động khai thác khoáng sản. Vì thế, hoạt động này bị điều chỉnh ít nhất bởi 2 quy định trong lĩnh vực giao thông và khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, thực tế việc duy tu, nạo vét luồng lạch lòng sông không đơn giản chỉ là vấn đề giữa Bộ Giao thông (đơn vị quản lý việc duy tu, nạo vét lòng sông, luồng lạch) và UBND cấp tỉnh (đơn vị có chức năng quản lý khai thác cát sỏi) mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác như Bộ Tài nguyên và Môi trường (liên quan đến quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, hoạt động khoáng sản), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (liên quan đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi), Bộ Công an, cụ thể là công an đường thủy.
Để giải quyết các mối quan hệ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, sẽ ban hành một thông tư riêng về quản lý cát sỏi lòng sông. Thông tư này sẽ làm rõ mối liên quan giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý khai thác cát sỏi. Qua đó làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý loại khoáng sản này.
Thông tư này cũng sẽ làm rõ mối liên quan của các địa phương giáp ranh trên cùng một dòng sông trong vấn đề quy hoạch, cấp phép, thăm dò khai thác đến thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi. Hiện nay có tình trạng địa phương này cấp phép, địa phương kia không cấp phép nhưng địa phương không cấp phép vẫn có thể bị ảnh hưởng vì đặc thù khai thác cát hoạt động nhiều vào ban đêm, có thể di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác theo dòng chảy của sông.
Thông tư này đang trong quá trình xây dựng đề cương. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư. Dự kiến sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 8 và ban hành trong năm nay.
Bên cạnh việc xây dựng chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch thanh tra, kiểm tra về khai thác cát, sỏi trong thời gian tới không, thưa ông?
Theo kế hoạch thanh tra của ngành tài nguyên và môi trường năm 2017, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra các hoạt động khai thác cát sỏi ở 6 tỉnh gồm cả ba miền bắc, trung, nam, bao gồm các hoạt động khai thác cát được cấp phép cũng như các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, lòng sông có tận thu cát. Nội dung thanh tra sẽ gồm việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản. Với các dự án nạo vét có tận thu cát, sẽ phối hợp với bên ngành giao thông, chính quyền địa phương và lực lượng công an môi trường, đường thủy để phối hợp và thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Xin cảm ơn ông!
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, sẽ ban hành một thông tư riêng về quản lý cát sỏi lòng sông. Thông tư này sẽ làm rõ mối liên quan giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý khai thác cát sỏi. Qua đó làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý loại khoáng sản này”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lại Hồng Thanh |
Theo Tiền Phong