Tàu đứng một chỗ nhưng vòi hút chui chỗ khác

Thứ tư, 22/03/2017, 09:48
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng nói như trên về tình trạng khai thác cát tại cuộc làm việc với Bộ GTVT ngày 21-3.

Cát khai thác trên sông Cầu, Bắc Ninh được tập kết trên bờ

Với chỉ đạo dừng cấp phép nạo vét luồng sông và khai thác cát của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng nhất trí giao quyền cấp phép và giám sát việc nạo vét luồng cho các địa phương.

"Với việc nạo vét luồng ở Bắc Ninh, Bộ GTVT mong muốn Bộ Công an vào cuộc làm rõ có hay không tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước là Cục Đường thủy nội địa và làm rõ cả việc tin nhắn đe dọa từ xã hội đen".

Bộ trưởng Bộ GTVT TRƯƠNG QUANG NGHĨA

Chồng lấn quản lý

Tại cuộc làm việc sáng 21-3 về kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo mà Thủ tướng giao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT dừng cấp phép nạo vét luồng sông và khai thác cát.

Ông Dũng nhận định việc nạo vét các luồng đường thủy nội địa đang là vấn đề gây bức xúc dư luận, các địa phương rất phản ứng. Không chỉ Bắc Ninh, toàn bộ các tỉnh dọc tuyến sông Hồng như Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình đều lên tiếng.

Có tình trạng doanh nghiệp thực hiện nạo vét luồng lợi dụng khai thác cát, không thực hiện đúng quy định thi công gây sạt lở, thay đổi dòng chảy.

Giải thích về chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng, tận thu sản phẩm, ông Hoàng Hồng Giang, cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT), cho biết cơ quan này quản lý 7.000km luồng sông.

Nhưng trước đây, ngân sách nhà nước chỉ bố trí được 50 tỉ đồng nạo vét luồng mỗi năm, tương ứng 40km cần nạo vét. Vì thiếu kinh phí, từ năm 2008 Chính phủ khuyến khích xã hội hóa, cho nhà đầu tư nạo vét, họ tận thu sản phẩm.

Theo ông Giang, ngành giao thông chỉ quản lý chiều rộng luồng tối đa 80m giữa sông và 25m hai bên hành lang. Từ hành lang vào bờ các địa phương quản lý. Sự chồng lấn này là bất cập mà các đối tượng lợi dụng để khai thác cát trái phép.

Thống kê đến nay bên cạnh 14 dự án do Bộ GTVT cấp phép còn có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông. Trong đó có 166 dự án do địa phương cấp phép nằm song song với luồng đường thủy. Còn lại là cát tặc khai thác trái phép.

“Dự án nạo vét luồng thời hạn chỉ 1-2 năm nhưng với các mỏ vật liệu thì khai thác từ 20-25 năm. Công tác quản lý phương tiện ra vào mỏ không tốt. Số bến bãi không phép ở các địa phương để trung chuyển cát từ cát tặc có khoảng 2.000 bãi” - ông Giang cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (trái) và Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc

Tàu đứng một chỗ nhưng vòi hút chui chỗ khác

Ngắt lời ông Giang, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng ngành giao thông vẫn chưa quản lý được 80m chiều rộng khi vòi hút cát trong luồng thò lung tung.

"Nhân dân ven sông Hồng đều bức xúc việc khai thác cát chứ không chỉ riêng Bắc Ninh. Vì đằng sau việc khai thác cát là nguồn lợi ích kinh khủng, không tưởng tượng được đâu. Cát xây dựng, san lấp, sỏi đá đều có tiền cả".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG

“Vừa rồi tôi về quê thấy dân ven sông Hồng mang cuốc xẻng đánh nhau với tàu khai thác cát. Năm 2004 đã đánh nhau đổ máu ở đây rồi. Quy định chỉ nạo vét luồng ban ngày nhưng cát tặc ban ngày ngủ, ban đêm hoạt động”, ông Dũng kể.

Theo ông Dũng, hiện nay có chuyện khai thác mỏ vật liệu thì địa phương thu được tiền, nhưng nạo vét trong phạm vi 80m luồng thì địa phương không được gì.

Vấn đề là liên quan đến quyền lợi của địa phương, chưa nói việc “ông nạo chỗ này lại thò vòi hút vào phạm vi địa phương quản lý”.

Nếu không quản lý tốt, để người nạo vét luồng thò vòi hút lung tung thì cũng sẽ gây bức xúc ở các địa phương dọc sông Hồng, không khác gì ở Bắc Ninh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói: “Tôi đi công tác từ Nam ra Bắc thấy các tỉnh đều có ý rằng họ bị nhiều thiệt hại nhưng chả được quyền lợi gì ở nạo vét luồng cả. Địa phương nói chỗ cần nạo không làm, toàn nạo vào bờ cũng đúng vì có khi tàu đứng một chỗ nhưng vòi hút chui vào chỗ khác.

Vì vậy, quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ địa phương, Cục Đường thủy nội địa phải dừng hết dự án để kiểm tra, đánh giá lại. Dự án vẫn phải tiếp tục nạo vét, tận thu lấy nguồn nạo vét thì xem xét giao địa phương quản lý”.

Trước ý kiến trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đồng ý nên phân cấp quản lý, trao quyền cấp phép nạo vét luồng đường thủy cho địa phương. Địa phương sẽ chịu trách nhiệm quản lý giám sát và hưởng quyền lợi từ dự án như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Khai thác cát trên sông Hậu, đoạn qua huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long

Mỗi Bộ GTVT thì không dẹp được xe quá tải

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong chuyến đi công tác của Thủ tướng tại Tuyên Quang gần đây, thấy xe tải lớn như xe “hổ vồ” (xe Howo do Trung Quốc sản xuất), xe cơi nới thùng chạy nườm nượp.

Thủ tướng đã nói đi nói lại là để mỗi địa phương không kiểm soát được xe quá tải, hạ tầng giao thông đã thiếu đầu tư, không quản lý tốt lại bị xe quá tải phá hủy hết trong một vài năm nữa là rất nguy hiểm.

Ông Dũng cho rằng vấn đề chính trong xử lý xe quá tải vẫn là do con người. Bộ GTVT nên quyết liệt.

“Hồi còn làm ở Hà Nam (ông Dũng làm bí thư tỉnh ủy) có đối tượng lao xe vào trạm cân. Tỉnh yêu cầu khởi tố nhưng công an tỉnh gạt ra không khởi tố. Tôi ra lệnh chủ tịch UBND tỉnh ký văn bản yêu cầu công an khởi tố. Ông không khởi tố đi thì sẽ biết thế nào”, ông Dũng dẫn chứng về sự quyết liệt.

Ông Dũng cũng khẳng định nếu không có công an vào cuộc thì không trị được xe quá tải. “Bộ GTVT có quyết tâm mà đơn độc thì không làm được. Vậy phải chủ động, báo cáo lãnh đạo Chính phủ xử lý vướng mắc”, ông nói.

Đáp lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đặt câu hỏi: Chúng ta nói còn khoảng 10% xe quá tải nhưng vì sao 10% đó vẫn tồn tại? Cần phải xem lại các lực lượng thực thi công vụ.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nêu cái khó là thanh tra giao thông xử lý xe quá tải ở cảng nhưng qua cửa cảng thì hàng từ 3 xe lại dồn lên 1 xe.

“Cũng có một vụ Bộ GTVT định bắt, thông báo địa phương phối hợp. Nhưng khi cùng địa phương ra quân lại sạch sẽ, không có xe quá tải ở đấy. Đâm ra rất khó nếu địa phương không quyết liệt. Chúng tôi đánh giá vai trò địa phương rất quan trọng, có tính chất quyết định” - ông Nghĩa kể lại.

Theo TTO

Các tin cũ hơn