Là người tâm huyết với “đời sống văn hóa vỉa hè”, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phước Đại (Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM) chia sẻ với PV Dân trí về việc sử dụng vỉa hè sao cho hợp lý, hiệu quả và nhân văn.
Ths Đại cho rằng, “chiến dịch” lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè đã tạo sự thông thoáng, văn minh đô thị mà nhiều năm nay không giải quyết được. Một làn sóng lớn đã cuốn đi sự nhếch nhác, mất trật tự nơi hè phố... Nhưng nó cũng cuốn đi những mảnh đời, những gia đình bám víu vào hè phố ấy.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phước Đại (Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM) |
Đầu tiên, theo ông Đại, để có cách ứng xử phù hợp thì phải hiểu được bản chất vỉa hè. Ông đã “ôm ấp” vỉa hè từ nhiều năm nay và cảm nhận được hơi thở đời sống vỉa hè từ những người mẹ, người chị buôn gánh bán bưng; những người lắm của nhiều tiền thích nhậu bên lề đường…
Theo ông, vỉa hè nơi thành thị không thể được hiểu khô khan một cách “kỹ thuật” để rồi trở thành lề đường thông thường. “Mình phải hiểu đúng bản chất vỉa hè là gì? Vỉa hè theo các Nghị định về giao thông thì chỉ là phần lề đường, dành cho khách bộ hành, trồng cây xanh, đèn chiếu sáng… Nếu vỉa hè đơn thuần như thế thì chỉ là lề đường chứ không phải là vỉa hè đô thị - không gian có sinh hoạt cộng đồng rất lớn”, ông Đại phân tích.
Theo ông, tất cả những TP khác trên thế giới đều xảy ra sinh hoạt cộng đồng, giao tiếp cộng đồng trên vỉa hè. Trên vỉa hè có những công trình, hoạt động con người, vật bài trí kiến trúc và được quản lý sao cho tốt. Ở TP trước đây cũng không ngoại lệ nhưng không quản lý tốt nên để tràn lan, nhếch nhác.
“Giờ dọn dẹp sạch rồi thì làm gì? Sinh hoạt vỉa hè, kinh tế vỉa hè sẽ như thế nào?” – ông Đại cho rằng phải làm lại công tác tổ chức, thiết kế lại vỉa hè để quản lý, khai thác sao cho hiệu quả kinh tế.
Đối với nhiều gia đình sống bám vào vỉa hè thì những gánh hàng rong chính là "nồi cơm" của gia đình họ |
Ths Đại cho rằng công tác tổ chức phải đảm bảo ưu tiên hàng đầu là khách bộ hành, sau đó là dịch vụ và kèm theo thiết kế cây xanh; chiếu sáng nghệ thuật trên vỉa hè để tăng cường cảnh quan và tạo nét hấp dẫn.
“Người đô thị có sinh hoạt, vui chơi trên vỉa hè, có những gặp gỡ bất ngờ, quyết định mua sắm trên vỉa hè… Những điều này tạo nên một không gian sinh hoạt cộng đồng bất chợt rất cần thiết cho đô thị”, ông Đại cho rằng những sinh hoạt, giao tiếp đều xảy ra ngẫu nhiên trên vỉa hè.
Vấn đền quan trọng hàng đầu của công tác tổ chức lại vỉa hè là tìm nguồn tài chính. Tất nhiên, việc khai thác vỉa hè phải hợp lý, đúng mực và phù hợp để đáp ứng thực tế. Theo ông Đại, Nhà nước phải “cho” đi trước khi “nhận” lại. Nhà nước cho cơ chế, chính sách, cách thực hiện còn làm thế nào thì sẽ xã hội hóa.
Theo ông Đại, vỉa hè được sắp xếp đảm bảo an toàn cho người đi bộ, có vị trí cho người bán hàng rong. Còn đối với nhà mặt phố thì sử dụng vỉa hè để kinh doanh ăn uống, giải trí, mua sắm, giữ xe… Tất nhiên, các dịch vụ sử dụng vỉa hè đều phải trả phí.
Để làm được đều này, ông Đại cho rằng, phải có một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm, có thể là một đơn vị sự nghiệp Nhà nước. Theo ông, công ty này quản lý sẽ đảm nhận tất cả mọi việc về tổ chức, quản lý và khai thác không gian vỉa hè. Đồng thời, quản lý thay Nhà nước phần diện tích vỉa hè theo các thiết kế về không gian vỉa hè đô thị sau khi thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Đại diện Nhà nước để kết nối các đơn vị liên quan khi thực hiện việc duy tu, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật bên dưới vỉa hè.
“Đơn vị này đứng ra cho tổ chức thi thiết kế, kêu gọi đầu tư tổ chức vỉa hè sau đó cho thuê lại. Một phần chi phí này sẽ được sử dụng để duy tu thường xuyên như lát gạch, tổ chức cây xanh, chiếu sáng nghệ thuật, nhà vệ sinh công cộng… Tiền dư thì nộp ngân sách Nhà nước”, ông Đại nói.
Một quán cà phê vỉa hè tại Pháp |
Theo ông, để đảm bảo minh bạch, trật tự thì công tác quản lý phải chặt chẽ có sự giám sát, theo dõi, đồng thời có chế tài mạnh đối với trường hợp vi phạm lấn chiếm. Theo tính toán sơ bộ, với 1,2 triệu mét vuông vỉa hè hiện có, nếu Nhà nước dành 1/3 diện tích cho thuê kinh doanh, giá 500.000 đồng/m2/tháng thì mỗi tháng thu về cũng gần 200 tỷ đồng.
“Tất nhiên, mỗi khu vực có tiêu chí riêng, thiết kế riêng đảm bảo phù hợp. Vì mình có nhiều loại vỉa hè như trước nhà dân, bệnh viện, trường học, trước công trình lịch sử… Tôi cũng đã tính toán tới bước thiết kế, tổ chức khai thác ở một số tuyến đường… Có thể thí điểm ở đường Lý Tự Trọng, Bùi Viện…”, ông Đại chia sẻ.
Ông Đại cho biết, đề tài nghiên cứu nảy sinh từ một chuyến đi Pháp. Trong một lần ghé quán cà phê trên đường phố Paris, ông chọn vị trí ngoài vỉa hè để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi nhận hóa đơn thì đúng là “tính già hóa non”, vì cộng luôn chi phí đặt bàn ngoài vỉa hè, ngắm phong cảnh thì tiền ly cà phê anh uống đắt hơn 3 lần so với giá ngồi uống trong phòng máy lạnh.
Theo Dân Trí