Hãng thông tấn TASS cho hay, ngày 1/6, khi trả lời truyền thông quốc tế về khả năng tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng lúc này hãy còn quá sớm để nói vể điều đó.
"Thời gian chưa chín muồi. Khi chiến dịch tranh cử Tổng thống hay bất cứ chiến dịch tranh cử nào khác diễn ra, mọi người sẽ quên làm việc mà chỉ chú tâm vào chuyện đó.
Tranh luận diễn ra ở khắp đất nước và cả trên không gian mạng, không còn ai muốn làm việc nghiêm túc nữa. Vì vậy, việc đó hãy cứ để sau sẽ tốt hơn", ông Putin lý giải vấn đề.
Tổng thống Putin lừng khừng khiến cho các đối thủ hết kiên nhẫn |
Còn Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov thì cho biết, những vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 7 của nước Nga thời hậu Xô viết không nằm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Putin ở thời điểm hiện nay.
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến chỉ còn chưa đầy 10 tháng nữa sẽ diễn ra, trong khi ông Putin chưa cho biết ý định của mình nên các đối thủ không thể xuất hiện chính thức. Thời gian càng trôi đi thì càng bất lợi cho các đối thủ khiến họ rất sốt ruột.
Các đối thủ gia tăng các hoạt động gây nhiễu nhằm buộc ông Putin phải cứng rắn
Khi Tổng thống Putin không cho biết ý định tranh cử nhiệm kỳ 4 khiến đời sống chính trị tại nước Nga trở nên yên ắng. Hiện nay, người ta không thể hình dung tại xứ sở bạch dương chuẩn bị diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng đặc biệt trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20.
Điều đó rất nguy hại cho các đối thủ của Putin, bởi họ không có cách nào tạo ấn tượng, qua đó lấy điểm của cử tri Nga trong sự kiện chính trị sắp tới, mà hy vọng từ đó có bước chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia vào bàn cờ chính trị Nga trong tương lai.
Dường như các đối thủ cho thấy đã hết kiến nhẫn với sự lừng khừng của người đứng đầu Điện Kremlin nên họ đã chủ động kéo Tổng thống Putin vào cuộc.
Bất cứ sự kiện gì có ý nghĩa đối với nước Nga, có thể khiến cho người dân dễ biểu hiện cảm xúc là họ khai thác để tạo dấu ấn.
Ngày 12/6 vửa qua là kỷ niệm 27 năm Ngày nước Nga, có ý nghĩa như ngày độc lập của nước Nga sau hơn 70 năm bị nhạt nhoà trong cơ chế của Liên bang Xô viết, thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny đã kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình ở hơn 180 thành phố trên toàn nước Nga, theo CNN.
Khẩu hiệu của cuộc biển tình vẫn là chống tham nhũng và vẫn nhắm vào Thủ tướng Medvedev, với cáo buộc vị Thủ tướng làm giàu bất chính khi tích tụ được nhiều động sản và bất động sản như trang trại, du thuyền sang trọng, những biệt thự xa hoa, với tổng trị giá hơn 1 tỉ USD.
Theo giới phân tích, vấn đề tham nhũng của người đứng đầu chính phủ Nga không phải là mục đích của các đối thủ khi tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn nước Nga trong thời điểm hiện nay, mà mũi tên vẫn là chĩa vào quyền lực của người đứng đầu Điện Kremlin.
Bởi trước hành động này buộc các cơ quan thực thi pháp luật của nhà nước Nga phải ra tay với cả phía tố cáo và phía bị tố cáo.
Nếu xử lý không khéo rất dễ xảy ra hiện tượng không bình đẳng trước pháp luật – “nhất bên trọng, nhất bên khinh” – từ đó có thể khiến luật pháp bị vô hiệu hoá.
Bắt giữ người biểu tình quá khích tại Nga |
Đây được cho là tính toán rất khôn ngoan của các đối thủ và là kế hiểm đối với Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, Nga là quốc gia đã công nhận biểu tình là quyền hợp pháp của mọi công dân nên các cuộc biểu tình dù có rầm rộ đến mấy, thông điệp của cuộc biểu tình có nóng sốt đến mấy thì hiệu ứng của nó cũng khó có thể gây bất ổn cho đời sống xã hội.
Chính quyền Nga có thể ghi nhận thông điệp của những người biểu tình và chủ động xử lý vấn đề. Tất cả sẽ diễn ra theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi biểu tình diễn ra hợp pháp thì lực lượng đối lập không tạo được dấu ấn nào và nếu đất nước Nga không có những biến động có thể gây nguy cơ xung đột xã hội thì việc tổ chức các cuộc biểu tình tiếp theo sẽ rất khó khăn.
Tình thế đó buộc các đối thủ phải tổ chức biểu tình bất hợp pháp để buộc chính quyền Nga phải sử dụng các biện pháp cứng rắn, từ đó có thể đưa Tổng thống Putin rơi vào bẫy của họ.
Và đúng như vậy, khi CNN cho biết, thủ lĩnh đối lập Navalny đã bị cảnh sát Nga bắt với cáo buộc tổ chức biểu tình bất hợp pháp.
Đối thủ phải trả giá với hành động khi hết kiên nhẫn với Putin
Theo CNN, ông Alexei Navalny có thể bị kết án 15 ngày tù vì vai trò của mình trong việc tổ chức các cuộc biểu tình bất hợp pháp ngày 12/6.
Trước đó, ông Navalny cũng bị kết án tù 15 ngày sau khi bị bắt trong cuộc biểu tình ngày 26/3.
Ngoài thủ lĩnh đối lập Navalny, truyền thông còn cho biết cảnh sát Nga đã bắt giữ khoảng 400 người ở Moscow và nhiều người khác tại một cuộc biểu tình ở St Petersburg được tổ chức bất hợp pháp.
Thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny bị bắt |
Theo giới phân tích, đây là một nước đi sai của các đối thủ, khi người tổ chức biểu tình đã đưa những người tham gia trở thành người vi phạm pháp luật. Điều đó khiến cho các cơ quan thực thi pháp luật của nước Nga sẽ mạnh tay mà không phải dè chừng.
CNN cho biết, cuộc biểu tình ngày 12/6 là bài test với uy tín của Navalny, song kết quả không được như thủ lĩnh đối lập Nga mong đợi. Bởi có rất nhiều người vốn ủng hộ ông Navalny đã trở nên lưỡng lự khi ông ta kêu gọi biểu tình bất hợp pháp.
“Navalny đã ra lệnh cho những người ủng hộ ông biểu tình trên đường Tverskaya – nơi đang bị cấm lưu thông để tái hiện các sự kiện lịch sử của nước Nga…nhiều người cho biết họ đang cân nhắc xem có tham gia biểu tình ở đó hay không”, CNN tường thuật.
Đã có ý kiến cho rằng, dường như thủ lĩnh đối lập tại Nga hiện nay đang theo gương “người tù thế kỷ” Nelson Mandela muốn tạo dựng sự nghiệp từ chốn ngục tù. Song nước Nga hiện nay không như Nam Phi dưới chế độ apartheid, còn Navalny thì không thể so với Mandela được.
Và Navalny đã phải trả giá cho nước đi thiếu chuẩn xác nhằm hiện thức hoá tham vọng của mình.
Kêu gọi biểu tình bất hợp pháp là nước đi sai lầm của các đối thủ trong cuộc đối đầu với Tổng thống Putin |
Alexei Navalny từng giành được 27% phiếu bầu trong cuộc bầu cử thị trưởng Moscow năm 2013, song hiện nay ông ta đã không thể giành nổi 10% phiếu bầu, nếu cuộc bầu cử thị trưởng Moscow diễn ra, khảo sát của Trung tâm thăm dò dư luận xã hội độc lập Levada.
Theo quan điểm của ông Denis Volkov, một nhà phân tích độc lập, việc ông Navalny tham gia tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 7 được báo trước sẽ gặp thất bại thảm hại, mà nguyên nhân là hậu quả của những nước đi được thực hiện trong bối cảnh bức xúc vì không thể kiên nhẫn với Putin.
Khi thủ lĩnh đối lập Nga – át chủ bài quan trong nhất - bị mất uy tín vì khuyến khích biểu tình bất hợp pháp, các đối thủ của Putin ở trong và ngoài nước Nga chắc chắn sẽ phải tính bài khác trong việc đối phó với nhà lãnh đạo đương thời của nước Nga, vốn đang có sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của người dân Nga.
Theo Đất Việt