Cuộc sống lẩn trốn giữa sa mạc của thủ lĩnh IS

Thứ ba, 13/06/2017, 18:11
Thủ lĩnh IS có thể đang lẩn trốn giữa những vùng sa mạc hoang vu ở Iraq và Syria nên việc truy lùng y gặp nhiều khó khăn.

Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: AP

Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gần đây hứng chịu thất bại liên tiếp trên chiến trường. Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của tổ chức này, đang sống trong cảnh luôn phải tìm mọi cách để ẩn nấp, che giấu tung tích, không dám lộ diện. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định còn mất nhiều năm nữa người ta mới có thể bắt giữ hay tiêu diệt y, theo Reuters.

Các tay súng IS sắp đánh mất hai trung tâm đầu não quan trọng tại Mosul, Iraq, và Raqqa, Syria, trước hàng loạt cuộc vây hãm, không kích từ quân đội chính phủ và liên quân do Mỹ dẫn đầu. Một số quan chức cho hay al-Baghdadi hiện không có mặt ở các địa điểm trên. Thay vào đó, y lẩn trốn giữa hàng nghìn km2 sa mạc nằm ngăn cách hai thành phố.

"Cuối cùng, hắn ta cũng sẽ bị bắt hoặc tiêu diệt, hắn không thể mãi lẩn trốn được", Lahur Talabany, người đứng đầu lực lượng chống khủng bố thuộc Chính quyền Khu vực Người Kurd, một khu tự trị tại miền Bắc Iraq, nói. "Song phải mất vài năm nữa".

Một trong những mối lo lắng lớn nhất của al-Baghdadi lúc này là làm sao đảm bảo các thân tín, thuộc hạ không phản bội y vì món tiền 25 triệu USD mà chính phủ Mỹ treo thưởng cho bất kỳ ai giúp đưa y "ra trước công lý", Hisham al-Hashimi, chuyên gia cố vấn cho các chính phủ Trung Đông về vấn đề IS, khẳng định.

"Không có đất đai để cai trị, al-Baghdadi không thể duy trì cái gọi là nhà nước Hồi giáo", ông al-Hashimi nói. "Hắn ta phải trốn chui trốn lủi và những thành phần ủng hộ hắn cũng đang suy giảm nhanh chóng".

Các lực lượng Iraq đã giành lại phần lớn lãnh thổ Mosul từ tay phiến quân. IS chiếm giữ thành phố này từ tháng 6/2014. Bên cạnh đó, thành trì Raqqa, Syria, hiện gần như bị bao vây bởi lực lượng liên minh giữa người Kurd và các nhóm Arab.

Sinh ra ở Ibrahim al-Samarrai, al-Baghdadi, 46 tuổi, tách khỏi al-Qaeda vào năm 2013, hai năm sau khi Osama bin Laden, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này, bị tiêu diệt.

Al-Baghdadi lớn lên trong một gia đình sùng đạo, nghiên cứu Thần học Hồi giáo ở Baghdad và gia nhập phong trào nổi dậy Salaafi năm 2003, thời điểm Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq. Al-Baghdadi từng bị Mỹ bắt giữ nhưng sau đó được thả ra vì lúc bấy giờ họ xác định y là dân thường, không phải phiến quân.

Cẩn thận và dè dặt

Theo ông al-Hashimi, al-Baghdadi là một kẻ cẩn thận và dè dặt. Y gần đây dường như trú chân tại khu vực biên giới Iraq - Syria dân cư thưa thớt, nơi rất dễ để phát hiện các vật thể lạ hay máy bay không người lái.

Mỹ treo thưởng 25 triệu USD cho cái đầu của al-Baghdadi, bằng với mức thưởng đối với trùm khủng bố Osama bin Laden.

"Số tiền truy nã khiến y lo lắng và căng thẳng, góp phần giới hạn khả năng di chuyển cũng như hạn chế những kẻ bảo vệ xung quanh al-Baghdadi", Fadhel Abu Ragheef, chuyên gia về các nhóm cực đoan ở Baghdad, Iraq, nhận xét. "Y không bao giờ ở một chỗ quá 72 tiếng".

Baghdadi "trở nên lo âu và vô cùng thận trọng trong từng bước đi", ông Talabany cho biết. "Vòng tròn thân tín quanh y ngày càng thu hẹp".

Đoạn ghi âm gần đây nhất mà al-Baghdadi tung ra là vào đầu tháng 11 năm ngoái, hai tuần sau khi chiến dịch tái chiếm Mosul được phát động. Y kêu gọi các thành phần ủng hộ IS chiến đấu chống lại "những kẻ bội tín" và "khiến máu chúng chảy thành sông".

Giới chức Mỹ và Iraq tin rằng al-Baghdadi đã rời các trung tâm chỉ huy ở Mosul và Raqqa nhằm bảo toàn mạng sống. Truyền thông Syria hôm 11/6 đưa tin al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở Raqqa. Tuy nhiên, thông tin trên chưa được xác nhận.

Al-Baghdadi không sử dụng điện thoại. Y có một số tay sai thân cận thay mặt mình liên lạc với hai trợ lý chính là "bộ trưởng quốc phòng" Iyad al-Obaidi và Ayad al-Jumaili, phụ trách về an ninh. Al-Jumaili có thể đã bị tiêu diệt, kênh truyền hình nhà nước Iraq ngày 1/4 đưa tin.

Mặt khác, khi di chuyển giữa những nơi trú ẩn an toàn ở khu vực biên giới Syria - Iraq, al-Baghdadi chỉ mang theo một lái xe, hai cận vệ, và sử dụng những chiếc xe bình thường, ông al-Hashimi cho hay.

Ngày 13/2, theo báo cáo từ quân đội Iraq, các chiến đấu cơ F-16 nước này không kích một ngôi nhà ở phía Tây Iraq, gần biên giới Syria, mà họ nghi là nơi al-Baghdadi gặp mặt các chỉ huy khác. Từ đó đến nay, nhà chức trách không phát hiện thêm bất cứ thông tin nào về al-Baghdadi.

Chính phủ Mỹ hiện duy trì một lực lượng hỗn hợp, gồm các đơn vị đặc nhiệm, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) cùng những cơ quan tình báo khác, kết hợp với vệ tinh do thám từ Cơ quan Tình báo Không gian - Địa Lý Quốc gia, nhằm săn lùng al-Baghdadi.

Song theo ông Talabany, các cơ quan chức năng cần làm nhiều hơn thế nếu muốn xỏa bỏ ảnh hưởng của al-Baghdadi.

"Al-Baghdadi vẫn được coi là thủ lĩnh IS và còn rất nhiều kẻ vẫn tình nguyện chiến đấu cho hắn ta. Điều này không thể thay đổi trong một sớm một chiều", ông Talabany đánh giá và thêm rằng ngay cả nếu al-Baghdadi bị bắt giữ hay tiêu diệt, "những gì hắn tạo dựng nên vẫn còn đó và chúng ta chỉ có thể giải quyết tận gốc vấn đề khi chủ nghĩa cực đoan được xóa bỏ".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích