Núi nix thải được 'giải cứu'?

Thứ bảy, 08/07/2017, 09:52
“Món nợ” nix thải lưu tồn nhiều năm trước đây với núi nix thải hơn triệu tấn của Hyundai Vinashin tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa hiện đã được xử lý, gần một nửa nix thải được chuyển đến các địa phương khác…

Một góc bãi thải hạt nix tại Ninh Hòa (Khánh Hòa)

Từ tháng 5-1999, Công ty TNHH nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) đã sử dụng xỉ đồng được HVS gọi là “hạt nix” để phun làm sạch vỏ tàu biển sửa chữa tại nhà máy này.

Bụi nix thải của HVS khi phun làm sạch vỏ tàu từng gây ô nhiễm môi trường kinh hoàng đối với hàng ngàn cư dân hai thôn Mỹ Giang, Ninh Yển ở xung quanh nhà máy suốt nhiều năm.

"Tính chất vật lý của hạt nix là rất cứng, thành phần silic cao nên đưa vào để nghiền mịn là rất khó, thậm chí có thể làm hao mòn các bộ phận trục, bi của máy móc dây chuyền. Ngoài ra, bản chất của hạt nix là phế thải, nếu gia công thành phụ liệu chắc chắn là trải qua nhiều công đoạn và khá tốn kém".

Ông PHẠM VĂN BẮC (Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng)

Nix thải thành phụ liệu sản xuất ximăng

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện HVS đã ký kết hợp đồng với ba công ty ở ngoài tỉnh, gồm Công ty TNHH Mascon (Hà Nội), Công ty TNHH TM&DL Đông Đô (Ninh Bình) và Công ty TNHH Ximăng Holcim Việt Nam (TP.HCM), để vận chuyển hạt nix thải ra khỏi tỉnh, cung cấp cho các nhà máy làm phụ liệu sản xuất ximăng.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa Võ Tấn Thái cho biết phương án xử lý nix thải của HVS, kể cả việc vận chuyển chất thải này khỏi Khánh Hòa, cung cấp cho các nhà máy sử dụng, đều đã được Sở TN-MT xem xét, thẩm định, kiến nghị và đã được Tổng cục Môi trường của Bộ TN-MT có văn bản chấp thuận cho thực hiện. Quá trình xử lý, vận chuyển hạt nix thải đều được theo dõi, giám sát.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết hằng tháng HVS đều có báo cáo đầy đủ với Sở TN-MT, cảng vụ, các đồn, trạm biên phòng số lượng nix thải và cả số tàu biển, xe tải vận chuyển nix thải khỏi Khánh Hòa để đưa đến các nhà máy sản xuất ximăng ở các nơi.

Theo HVS báo cáo, tính đến nay lượng nix thải được xử lý, vận chuyển khỏi Khánh Hòa để cung cấp cho các nhà máy sản xuất ximăng đã được gần 48% tổng khối lượng nix thải tồn đọng. Bình quân mỗi tháng lượng nix thải được xử lý, chuyển đi khoảng 10.000 tấn.

Ba công ty đã nhận, sử dụng nix thải của HVS để xử lý, làm phụ liệu sản xuất ximăng là Tập đoàn ximăng Hoàng Phát - Vissai (Ninh Bình), nhà máy sản xuất ximăng tại Kiên Giang của Công ty TNHH Ximăng Holcim Việt Nam và Công ty TNHH Ximăng Cosevo Sông Gianh (Quảng Bình).

Trong đó, Công ty TNHH Ximăng Holcim Việt Nam đã trực tiếp hợp đồng nhận nix thải của HVS để đưa về cho nhà máy sử dụng. Hai công ty sản xuất ximăng còn lại nhận nix thải của HVS thông qua các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xử lý nix thải với HVS để cung cấp lại.

HVS phải hỗ trợ cho phía các doanh nghiệp nhận nix thải để xử lý, sử dụng sản xuất ximăng theo mức 5 USD/tấn nix thải được tiếp nhận. Trong đó, bao gồm cả hỗ trợ chi phí vận chuyển nix thải khỏi Khánh Hòa và xử lý nix thải tại các nhà máy.

Hiện tại, HVS đang tìm kiếm thêm các đối tác có khả năng xử lý và tiếp nhận nix thải để tăng tiến độ xử lý nửa núi nix thải còn lại trong thời gian tới.

Bãi thải hạt nix tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cao như núi

Sợ tai tiếng!

Trao đổi với PV, bà Võ Thị Vân - phó giám đốc Sở 
TN-MT tỉnh Kiên Giang - xác nhận tại nhà máy của Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam với thương hiệu ximăng INSEE (trước đây là nhà máy Holcim) ở xã Bình An, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) có xử lý hạt nix.

Theo giấy phép của Bộ 
TN-MT, nhà máy xử lý rác tận dụng nhiệt thải bên trong Nhà máy ximăng INSEE được phép xử lý khoảng 10 loại hóa chất độc hại.

Lò đốt rác thải nguy hại tại đây là lò nung nhiệt độ cao, nhiệt thải thu được từ quá trình đốt rác sẽ được tận thu để phát điện và cung cấp nhiệt bổ sung cho lò nung clinker. Chất thải được vận chuyển bằng đường biển cập vào cảng riêng của nhà máy ximăng.

Bà Vân cho biết kết quả kiểm tra của Bộ TN-MT vào cuối năm 2016 cho thấy không phát hiện dấu hiệu nhà máy đốt rác ở Công ty ximăng INSEE gây ô nhiễm môi trường. Hiện Bộ 
TN-MT đang tiến hành hậu kiểm, sau khi có kết quả sẽ thông báo cho địa phương.

Còn đại diện phòng hành chính Tập đoàn Hoàng Phát xác nhận có việc đơn vị này nhập hạt nix thải về để làm phụ liệu sản xuất. Tuy nhiên số liệu cụ thể về khối lượng nhập khẩu phụ liệu này, vị đại diện nói là thông tin nội bộ của công ty nên chưa cung cấp ra ngoài được.

“Cái này chúng tôi chưa triển khai rộng rãi, chỉ mới làm thử nghiệm và hiện cũng chỉ mới nhập về chứ chưa sản xuất” - vị này nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty TNHH Ximăng Cosevco Sông Gianh (Quảng Bình), xác nhận đúng là công ty này có nhập một lượng khoảng vài chục ngàn tấn chất thải loại này về để sử dụng làm phụ liệu thay thế quặng sắt trong nung luyện clinker để sản xuất ximăng.

Tuy nhiên, ông Thành khẳng định việc này diễn ra từ những năm 2011-2012 và đã kết thúc ngay tại thời điểm đó.

Khi sử dụng những loại này làm phụ liệu, chưa nói đến hiệu quả, chỉ những tai tiếng thôi cũng đã có những tác động lớn rồi. Vậy nên công ty không sử dụng nữa” - ông Thành nói.

HVS phải chịu trách nhiệm 
đến cùng

Văn bản của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) về việc xử lý hạt nix thải của HVS nêu rõ: Về nguyên tắc, Tổng cục Môi trường ủng hộ phương án xử lý hạt nix thải của Công ty HVS mà Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa đã trình cho Tổng cục.

Tuy nhiên, “theo quy định pháp luật, Công ty HVS phải chịu trách nhiệm đến cùng với việc xử lý hạt nix thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của mình, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường”.

Vì vậy, Tổng cục Môi trường đề nghị Sở 
TN-MT tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty HVS phải quy định rõ mục đích chuyển giao hạt nix thải, phương án công nghệ xử lý, tiến độ xử lý hạt nix thải trong hợp đồng với các đối tác; kiểm tra năng lực của các đối tác để đảm bảo các đối tác này đủ năng lực thực hiện vận chuyển, xử lý hạt nix thải theo đúng những cam kết sẽ ký trong hợp đồng...

Theo TTO

Các tin cũ hơn