|
Đối lập lại ý kiến của nhiều chuyên gia khi cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất cần thêm đường băng, Bộ Giao thông vận tải khẳng định hiện sây bay này đang tắc do thiếu sân đỗ, đường lăn. |
Ông Nguyễn Thành Phong đã nhận định như trên trong cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vào chiều ngày 10/7. Theo ông vấn đề này sẽ chỉ được xử lý khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ.
Dù đến nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chính thức về tạm dừng tất cả các công trình xây dựng trong sân bay Tân Sơn Nhất để xem xét các phương án quy hoạch.
Tuy nhiên nội dung này vẫn luôn được đề cập trong các buổi làm việc của TP.HCM với những bộ ngành liên quan thời gian gần đây, với “sức nóng” không hề giảm.
Trong phần phát biểu vào ngày 10/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng TP sẵn sàng phối hợp với Bộ GTVT trong các vấn đề liên quan đến sân bay để tìm giải pháp khả thi.
Chủ tịch TP thừa nhận rằng Tân Sơn Nhất hiện nay đã quá tải, thậm chí “quá tải quá dữ”. Nhưng ông cũng cho rằng, việc mở thêm một đường băng thứ 3 “chưa chắc giải quyết được vấn đề của Tân Sơn Nhất”.
“Tôi được nghe nhiều chuyên gia và thông tin thì thấy rằng vấn đề hiện nay phải giải quyết là bến đỗ, chứ chưa chắc làm một đường băng nữa là giải quyết được vấn đề của Tân Sơn Nhất. Vậy nên phải triển khai đồng bộ các giải pháp chứ không phải mở thêm đường băng” – ông Nguyễn Thành Phong nói.
Cùng phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch TP Lê Văn Khoa cho rằng với khu vực bên trong sân bay, sẽ thực hiện nghiêm theo kết luận của Thủ tướng nên TP.
“Trách nhiệm của TP ở đây là huy động các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm cho ý kiến để góp với Bộ nhằm đưa ra phương án tốt nhất” – ông Khoa nói, đồng thời cho biết TP đã rất nỗ lực để hoàn thành hệ thống giao thông kết nối khu vực ngoài sân bay.
|
Cây cầu vượt mới được khánh thành trên đường Trường Sơn, với hai lối vào nhà ga trong nước và quốc tế |
Đến phần phát biểu của mình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận rằng “Tân Sơn Nhất là vấn đề được dư luận nêu nhiều, chuyên môn nêu nhiều”.
Ông tiếp tục khẳng định, các báo cáo cho thấy Tân Sơn Nhất khai thác ở mức độ “trên dưới 40 triệu hành khách/năm là phù hợp với quy mô, cơ sở hiện có”.
Theo ông ở mức độ cao hơn tiếng ồn sẽ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân khu vực. Điều này được rút ra từ kinh nghiệm của nhiều sân bay trên thế giới.
“Chắc chắn khi tư vấn nước ngoài vào làm việc khách quan sẽ có nhìn nhận phần đó, chưa kể đến phần giải phóng mặt bằng” – ông nói.
Vị Thứ trưởng nhấn mạnh rằng: “Tân Sơn Nhất không tắc đường băng mà là tắc giao thông kết nối, bãi đỗ và đường lăn”, do đó Bộ đang có những giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng này".
Đề cập đến sân bay Long Thành, ông nhận định đây là công trình phục vụ cho trung hạn, dài hạn và “không thể không làm” vì chủ trương đã được thông qua. Ngoài ra tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng.
“Nếu đặt vấn đề không đúng tương quan (giữa Tân Sơn Nhất và Long Thành) thì sẽ ảnh hưởng đến trước mắt và chậm trễ trong tương lai. Bộ GTVT rất quyết liệt và mong muốn cùng TP đẩy nhanh dự án này. Nói là dự án của ngành nhưng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung” – ông Đông cho hay.
Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định: Với 2 đường băng như hiện nay Tân Sơn Nhất vẫn có thể đảm bảo khai thác được 50 triệu hành khách/năm.
Cũng theo ông, nếu vượt qua con số này thì TP.HCM sẽ phải chịu “những hệ lụy rất lớn”.
“Song song với việc nâng công suất tại Tân Sơn Nhất vẫn cần khẩn trương đầu tư xây dựng Long Thành” – Bộ trưởng Nghĩa cho hay.
Theo Infonet