Kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất: Mở đường chậm do ảnh hưởng đến an ninh hàng không

Thứ ba, 11/07/2017, 18:03
Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vào ngày 10/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã nêu ra kiến nghị sớm thống nhất phương án và quy mô đầu tư đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.

Không chỉ đường giao thông, nhà dân đã lấn sát vào hàng rào sân bay.

Quá sát lề bảo hiểm đường lăn

Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là công trình có ý nghĩa đặc biệt trong việc giảm ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).

Theo dự kiến, tuyến đường này dài 4,3km, rộng 22m với 6 làn xe và có tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng. Tuyến bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn, chạy song song và nối với đường Cộng Hòa tại vị trí giao với đường Trường Chinh.

Toàn tuyến được chia làm 3 đoạn, trong đó đoạn đầu từ đường Trần Quốc Hoàn đến Hoàng Hoa Thám (khoảng 2,1km). Đoạn hai từ đường Hoàng Hoa Thám đến chỗ giao với khu đất do C.T Land quản lý (dài khoảng 850m). Đoạn ba dài khoảng 620m và đi sát hàng rào của sân bay.

Theo TP, tổng diện tích đất quốc phòng cần thu hồi để thực hiện dự án khoảng 6,65ha.

Ông Lê Văn Khoa cho biết, dù trước đây TP và Bộ Quốc phòng đã thống nhất phương án thực hiện đoạn thứ 3 của tuyến đường nhưng trên thực tế chuyển động còn quá chậm. Vì vậy ông Khoa đề nghị Bộ GTVT phối hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ngoài ra Phó Chủ tịch TP còn đề nghị Bộ GTVT phối hợp thêm ở dự án làm hồ điều tiết trong sân bay Tân Sơn Nhất.

“Dù đã thống nhất chủ trương nhưng vẫn nằm ngoài tầm của TP. Vì khu vực này nằm hoàn toàn trong đất quốc phòng nên TP chỉ có thể đề nghị. Họ không chỉ điều tiết cho sân bay mà còn cả cho khu vực lân cận” – ông Khoa nói.

Đường Cộng Hòa luôn đông đúc ngay cả lúc không phải giờ cao điểm.

Trả lời đề nghị của TP, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin rằng, tuyến đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa đã thống nhất được 2 đoạn đầu. Tuy nhiên do đoạn 3 đi sát vào hàng rào sân bay nên cần nghiên cứu thêm.

“Hiện nay tuyến đường rất sát lề bảo hiểm của đường lăn, nhưng là đường giao thông hạn chế vì có sự kiểm soát của không quân. Theo hướng tuyến mới sẽ cách xa lề bảo hiểm nhưng lại thành đường công cộng nên cần nghiên cứu các ảnh hưởng đến an ninh” – ông Thanh cho hay.

Ông Thanh khẳng định, Bộ Quốc phòng đã hoàn toàn đồng ý về quy mô và hướng tuyến, vấn đề là thời gian xem xét cho cẩn trọng.

Riêng về hồ điều tiết, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, công trình này đã được Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đưa vào hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên phải chờ phê duyệt mới có thể triển khai.

“Bản thân khu 21ha vốn là sân đỗ nên mới triển khai ngay (thành khu đậu máy bay rộng hơn - PV), còn tất cả những công trình khác đều phải chờ quy hoạch chung mới được tiến hành” – ông Thanh nói.

“Ngay trong đề nghị với Thủ tướng, Bộ GTVT cũng nói rằng hồ điều tiết là công trình nên để TP.HCM đầu tư vì cần đồng bộ với các công trình (chống ngập) chung của khu vực” – Chủ tịch ACV cho hay.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong một lần kiểm tra kênh A41

4 công trình giảm ngập cho sân bay

Theo báo cáo của Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường, UBND TP.HCM hiện đang triển khai các giải pháp giảm ngập nước khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với 4 công trình.

Kênh A41: Con kênh dẫn nước từ sân bay ra phía đường Cộng Hòa nhưng hiện đang bị lấn chiếm, xâm phạm nghiêm trọng. Công trình có tổng mức đầu tư 139,6 tỷ đồng. TP đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến cuối năm 2017 khởi công dự án, hoàn thành năm 2018.

Mương Nhật Bản: Dự án cải tạo mương Nhật Bản (từ tường rào Sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm) do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước làm chủ đầu tư, khởi công ngày 7/5/2016 và đã hoàn thành vào cuối năm 2016.

Kênh Hy Vọng: Đây là một phần của dự án đầu tư Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án dự kiến khởi công năm 2017.

Xây dựng Hồ điều tiết khoảng 1,3ha (gần khu vực Công ty Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn - SCSC). Với công trình này, Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương tạm giao đất để Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích