Không phải bồi thường sân golf
Ông Trần Văn Tĩnh, phó Chủ tịch HĐQT Lobico, ông chủ của sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khẳng định với báo chí sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất tuy nhiên nhà nước phải đền bù xứng đáng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên tại điểm 4 trong công văn số 567/TTg-NN ngày 10/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc “cho phép triển khai dự án đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất” lại có quy định: “Chủ đầu tư phải thuê đất và nộp tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 142 ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Trong trường hợp Nhà nước cần thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, Chủ đầu tư phải trả lại diện tích đất quốc phòng mà không được yêu cầu bồi hoàn”.
Công văn của Thủ tướng hồi năm 2007 về việc xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất |
LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định với Đất Việt đã đọc kỹ công văn của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc triển khai dự án đầu tư sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất năm 2007.
Theo LS Tám, đất xây dựng sân golf vốn là đất nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Đến thời điểm này nhà nước có quyền yêu cầu Bộ Quốc phòng thu hồi.
"Khi Bộ Quốc phòng thu hồi thì sẽ không phải bồi hoàn. Sau đó Bộ Quốc phòng trả lại để nhà nước sử dụng vào mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là hoàn toàn đúng luật", LS Tám nói.
Mặt khác, theo vị LS, tại công văn số 567 ngày 10/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ có đưa ra yêu cầu chủ đấu tư phải thuê đất. Nếu là thuê đất trả tiền hàng năm, thì căn cứ Điều 82 Luật đất đai năm 2013 cũng là trường hợp không được bồi thường về đất.
“Ở đây, chưa thấy Bộ Quốc phòng cũng như chủ đầu tư công khai, minh bạch trước công luận là đất xây dựng sân golf được thuê với thời hạn bao lâu? Trả tiền thuê đất hàng năm hay nhiều năm một lần? Mà chủ đầu tư chỉ nói việc được chính phủ, Bộ, ngành phê duyệt nên nhà nước phải bồi thường khi thu hồi, là không chuẩn xác”, LS Tám nhấn mạnh.
Đủ thẩm quyền cấp phép hay không?
Trong khi đó, ông Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị, các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại thẩm quyền của người cấp giấy phép và tư cách của người tham gia vào làm sân golf.
“Cần làm rõ xem dự án trên Bộ, ngành nào có thẩm quyền ký? Người ký hợp đồng hoặc giấy phép cho doanh nghiệp làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có đủ thẩm quyền hay không? Người đó có quyền sử dụng đất đó không hay nhân danh cơ quan nào ký. Đó là cốt lõi của vấn đề.
Ngoài ra, doanh nghiệp xây dựng bản thiết kế, thi công thì cơ quan có thẩm quyền đã duyệt chưa? Bản thiết kế có kiểm soát không và khi xây dựng có đúng như vậy không?”, ông Thuận đặt nghi vấn.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải và yêu cầu cấp thiết phải mở rộng |
Theo ông Thuận, nếu người ký cho doanh nghiệp triển khai dự án không có thẩm quyền thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu. Khi đó người ký giấy phép phải chịu trách nhiệm bồi thường chứ không thể lấy tiền nhà nước để chi trả vào việc này.
“Không phải chuyện gì chúng ta cũng lấy thuế của dân ra để đền bù. Tôi cho rằng những bức xúc của người dân về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là rất chính đáng”, ông Thuận nhấn mạnh.
Ông Lê Việt Trường – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cũng đề nghị kiểm tra lại dự án trên một cách kỹ lưỡng và cụ thể.
Ông Trường cho hay, hiến pháp có quy định cụ thể, trong trường hợp các vấn đề liên quan đến quốc phòng an ninh hoặc mục đích công cộng, nhà nước có thể tiến hành thu hồi đất của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Tùy vào trường hợp và thỏa thuận trong hợp đồng, nhà nước sẽ tiến hành bồi thường các cá nhân, tổ chức liên quan theo giá thị trường.
“Nếu doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư, xây dựng mà khi đối chiếu đúng quy định của pháp luật, không có vấn đề gì thì sẽ được đền bù theo quy định của pháp luật.
Nếu như Bộ, ngành nào đó tự ý quyết định ký giấy phép cho doanh nghiệp đầu tư là sai quy định của pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường”, ông Trường khẳng định.
Theo Đất Việt