Mỹ không còn cớ xâm lược Syria

Thứ năm, 31/08/2017, 10:53
Theo luật pháp quốc tế, thách thức của Mỹ là biện minh cho những cuộc đối đầu giữa lực lượng của mình với quân đội Syria và các đồng minh của Syria.

Tham vọng lập căn cứ tại Syria

Hồi tháng 7 vừa qua, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã đề xuất Quốc hội cho phép thành lập các khu vực quá cảnh mới tại Syria với cớ nhằm đấu tranh một cách có hiệu quả hơn với Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngay sau đó, Anadolu - cơ quan thông tấn chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ những chi tiết và địa điểm 10 căn cứ và tiền đồn của Mỹ ở miền Bắc Syria vốn chưa từng được biết đến, một vài trong số đó có sân bay. Ngoài ra, còn có 2 tiền đồn khác của Mỹ được xác định nằm ở miền Nam Syria, tại khu vực biên giới giáp với Iraq.

Lực lượng người Kurd ở Syria (YPG) đứng cạnh những chiếc xe quân sự của Mỹ ở Darbasiya, Syria

Bộ Chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) đã ngay lập tức phủ nhận và cho biết: “Chúng tôi không có các căn cứ tại Syria. Chúng tôi chỉ có khoảng 1200 binh lính ở trên khắp đất nước, giúp huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng dân chủ Syria, chủ yếu là Quân đội Dân chủ Kurd của Syria, ở phía Bắc của đất nước”.

Người phát ngôn của CENTCOM đã không thể trả lời câu hỏi đâu là cơ sở pháp lý quốc tế của sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria. Tại văn phòng Thư ký Bộ trưởng Quốc phòng, cũng liên quan đến câu hỏi trên, người phát ngôn của văn phòng đã khăng khăng viện dẫn luật quốc gia của Mỹ - vốn không đề cập đến vấn đề Syria. Tiếp đến, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh quốc gia, văn phòng Bộ Tư pháp, tất cả đều không đưa ra được câu trả lời.

Bản đồ các căn cứ mà Mỹ thiết lập ở Syria cho thấy mục tiêu thực sự không hẳn là cuộc chiến chống IS. Một số tiền đồn hoặc căn cứ vận chuyển không được đặt ở bất cứ vị trí nào gần với khu vực do IS kiểm soát.

Mỹ chỉ thừa nhận có đặc nhiệm tại Syria để hỗ trợ người Kurd

Điều này đã đặt ra một câu hỏi về những mục tiêu của Mỹ tại Syria, đặc biệt kể từ khi quân đội Mỹ bắt đầu tấn công các mục tiêu quân sự của Syria. Mùa Hè này, trong khoảng thời gian vài tuần, các lực lượng của Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào quân đội Syria và triển khai các máy bay không người lái và một máy bay tiêm kích.

Đáng chú hơn, vào tháng 9/2016, các chiến binh của liên quân đã khiến hơn 100 binh lính của quân đội Arab Syria (SAA) đang trong quá trình chiến đấu với IS tại Deir-ez-Zor thiệt mạng, mở ra cho IS cơ hội nắm quyền kiểm soát những địa điểm chiến lược trong khu vực nhiều dầu mỏ này.

Dường như những dự định của Chính phủ Mỹ đã vượt quá mục tiêu đề ra là đấu tranh chống lại khủng bố tại Syria. Nhà Trắng cũng đã xác định ở đấy những mục tiêu về lãnh thổ cũng như chính trị, và đang thử duy trì những khu vực ảnh hưởng cho thời kỳ hậu xung đột, ở miền Nam, miền Bắc và dọc theo biên giới với Iraq.

Brian Egan, quan chức cao cấp của Nhà Trắng và Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng thách thức tới đây mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải đối mặt - theo luật quốc tế - sẽ là biện minh cho những cuộc đối đầu giữa Mỹ với quân đội Syria và các đồng minh của nước này.

Egan dự đoán rằng vấn đề luật quốc tế khó khăn nhất cần bảo vệ, đó là sử dụng vũ lực để chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Nhất là những cuộc không kích của Mỹ để trả đũa những cáo buộc tấn công bằng khí độc hóa học, không thể biện minh rằng đó là hành động tự vệ, cũng không là giải pháp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Nga có đủ căn cứ pháp lý để hiện diện quân sự tại Syria

Nhưng không chỉ quân đội Syria và những mục tiêu quân sự phải hứng chịu hỏa lực của Mỹ. Chính phủ Syria khẳng định rằng từ nhiều tháng gần đây, quân đội Mỹ đã phá huỷ một cách có hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng và các nguồn lực kinh tế trên khắp cả nước, đồng thời tố cáo sự vi phạm pháp luật quốc tế của các vụ tấn công trên.

Trong số những mục tiêu khác, Chính phủ Syria đã chỉ ra đó là khu liên hợp lọc dầu Galban, mỏ dầu Umar bao gồm giếng dầu, hệ thống cơ sở hạ tầng và các nhà máy điện, kho chứa và thiết bị khai thác dầu mỏ tại Tanak và Izbah, tất cả đều nằm tại thành phố Deir-ez-Zor, một nhà máy khí đốt, các cầu và đập dọc theo kênh đào Balikh tại Raqqa, các tòa nhà và cơ sở hạ tầng trực thuộc Cơ quan Địa chất và Khoáng sản Homs, các đập nước Al-Furat và Al-Baath, đập trên sông Euphrates và sông Tigris cùng với các đập chứa, công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu và sản xuất điện cùng nhiều địa điểm quan trọng khác trải rộng khắp Syria.

Những lập luận biện minh cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria ngày càng trở nên hiếm. Trong một hội nghị tại Aspen mới đây, Tướng Raymond Thomas, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt của quân đội Mỹ cho rằng đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đối với câu hỏi liệu quân đội Mỹ có ở lại Syria sau khi IS bị đánh bại, tướng Thomas đã trả lời rằng: “Chúng tôi hoạt động ở Syria, một quốc gia có chủ quyền. Nga, các đồng minh và những lực lượng ủng hộ họ đã tuyên bố với Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ không được chào đón ở Syria. Chúng tôi là một trong số những đối tượng mà Nga đề cập đến: Tại sao lại muốn ở lại Syria?”.

Nga, Iran, Hezbollah và những lực lượng đồng minh khác của nhà nước Syria, đang ở Syria một cách hợp pháp, dựa trên lời mời của một quốc gia được Liên hợp quốc công nhận. Đây không phải là trường hợp của Mỹ và các đối tác.

Máy bay Nga ném bom mục tiêu của khủng bố tại Syria

Khi liên minh do Mỹ lãnh đạo thực hiện những hoạt động quân sự đầu tiên tại Syria vào tháng 9/2014, một số chính phủ các quốc gia phương Tây đã viện dẫn cơ sở pháp lý là Nghị quyết số 2249 mới được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và Điều 51 (lời mời của Iraq tham gia hoạt động bảo vệ tập thể hợp pháp).

Tuy nhiên, không một căn cứ nào trong số hai viện dẫn trên được sử dụng là cơ sở pháp lý cho sự can thiệp quân sự tại Syria.

Trong luật quốc tế, tồn tại một cách rõ ràng ba căn cứ hợp pháp cho việc sử dụng vũ lực: (1) Có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) dưới sự cho phép của chương 7 (Hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại); (2) Một quyền hạn hợp pháp chống lại hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền; (3) Khả năng của cơ quan có thẩm quyền hợp pháp của quốc gia có chủ quyền mời quân đội nước ngoài hành động trong phạm vi lãnh thổ.

Bằng cách kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để chống lại IS tại Syria và Iraq, Nghị quyết số 2249 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng tất cả các biện pháp được sử dụng phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc. Điều đó đòi hỏi sự đồng ý của một quốc gia có chủ quyền, trong trường hợp này là Syria.

Nếu Iraq đã thực sự mời liên quân cam kết sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại IS tại một số vùng nhất định trong lãnh thổ, lập luận “bảo vệ hợp pháp” được một số nước viện dẫn không thể biện minh cho việc sử dụng sức mạnh quân sự trong lãnh thổ Syria, vì Syria không tấn công Iraq.

Để lấp đầy các khoảng trống trong lập luận pháp lý của mình, liên minh đã thực hiện một số thủ thuật. Như là lý thuyết “không muốn và không thể”, đã thúc đẩy ý tưởng liên minh có thể thực hiện các hoạt động quân sự tại Syria do chính phủ hợp pháp của Syria hoặc không thể, hoặc không muốn (hoặc cả hai) chống lại IS.

Một loạt bài báo và bài tường thuật không rõ ràng đã được sử dụng để củng cố các cơ sở cho lý thuyết này. Báo chí phương Tây đưa tin rằng IS đã kiểm soát 50% diện tích lãnh thổ Syria - các khu vực ngoài phạm vi ảnh hưởng của nhà nước Syria - đã dẫn đến kết luận rằng Chính phủ Syria không có khả năng chống lại IS.

Binh sĩ quân đội Syria (SAA)

Báo chí phương Tây thậm chí còn cáo buộc SAA hỗ trợ IS (các bằng chứng sau này cho thấy điều ngược lại là Mỹ và đồng minh đã hậu thuẫn IS) hay nhấn mạnh rằng Chính phủ Syria chưa chống lại IS trên lãnh thổ của mình, mà chỉ nhằm vào mục tiêu là các phiến quân. Các thông tin được phương Tây được đưa nhằm thuyết phục mọi người tin rằng “Syria đã không muốn chiến đấu chống lại IS”.

Trên thực tế, SAA và các đồng minh đã chiến đấu với IS ngay từ khi cuộc xung đột bắt đầu, nhưng họ thường xuyên bị đánh lạc hướng bởi các cuộc chiến cấp bách hơn chống lại các chiến binh hồi giáo được nuôi dưỡng bởi Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar - tại hành lang phía Tây của đất nước, nơi mà đa số người dân Syria sinh sống và tập trung hệ thống cơ sở hạ tầng chủ chốt của đất nước.

Có một thực tế là các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát đa số đều khô cằn, thưa thớt dân cư và nằm ở vùng Đông Bắc và Đông Syria.

Lính đặc nhiệm Nga tại Palmyra, Syria

Chiến lược của Hội đồng hợp tác NATO và các quốc gia vùng Vịnh đã đẩy quân đội Syria từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, cho đến khi kiệt sức, khéo léo đưa SAA ra khỏi một số trận chiến mà tại đó liên quân có được những lợi ích nhất định. Chiến lược này đã vận hành có hiệu quả cho đến khi Nga tham gia cuộc chiến vào tháng 9/2015 và làm thất bại lý thuyết “không muốn và không thể”.

Trong một báo cáo phát hành tháng 4/2017, Văn phòng phân tích về an ninh và quốc phòng hàng đầu tại Anh (IHS Markit), đã chỉ ra rằng trong suốt giai đoạn mà IS phải chịu những thất bại nặng nề nhất, các lực lượng liên minh với Syria đã phải đối đầu với liên quân do Mỹ cầm đầu nhiều gấp 2,5 lần so với các nhóm khủng bố. Sự hỗ trợ về không quân Nga đối với quân đội Syria đã thay đổi tình hình theo hướng có lợi cho Syria.

Khi IS và al-Qeada bị mất dần các phần lãnh thổ chiếm đóng ở Syria, Mỹ sẽ mất đi cái cớ để can thiệp vào Syria. Về mặt luật pháp quốc tế, Mỹ đã trở thành một quốc gia hiếu chiến.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn