|
Bà Yingluck Shinawatra đang ở đâu?
Ngay sau khi có thông tin cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bỏ trốn, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi về đích đến của cựu lãnh đạo được lòng dân này.
Tối 25/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon cho biết cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã rời nước này và ít có khả năng đang lưu lại các nước láng giềng trong khu vực.
Trong khi đó trang tin Khaosod của Thái Lan chiều 25/8 cho biết cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và con trai đã trốn sang Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi người anh trai Thaksin Shinawatra được cho là đang cư trú.
Ngày 26/8, một nguồn tin từ giới tướng lĩnh Thái Lan cho biết cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hiện đang ở Dubai, và có thể sẽ tìm cách xin tị nạn tại Anh. Theo nguồn tin này, bà Yingluck đã đi máy bay riêng từ Thái lan tới Singapore, và sau đó tới thẳng Dubai, nơi anh trai bà đang sống.
Hãng tin AFP dẫn lời nguồn tin này nói: “Thaksin đã chuẩn bị kế hoạch chạy trốn cho em gái mình từ rất lâu. Ông ấy sẽ không để em mình phải ở trong tù dù chỉ là 1 ngày. Tuy nhiên, Dubai không phải là điểm đến cuối cùng của bà ấy. Và nhiều khả năng bà ấy sẽ xin tị nạn ở Anh”.
Theo trang mạng asiaone.com, ông Thaksin, từng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Manchester City, có nhiều tài sản ở London và dành khá nhiều thời gian ở thành phố này. Mạng lưới chính trị của gia đình Shinawatra tỏ ra khá kín tiếng và điều này càng làm gia tăng đồn đoán về việc bà Yingluck đã rời khỏi đất nước với một thỏa thuận ngầm cùng giới tướng lĩnh.
Hãng tin AFP dẫn lời một nguồn tin cấp cao trong đảng Pheu Thai cho biết bà Yingluck đã tới Dubai vài ngày trước ngày Tòa án dự kiến ra phán quyết, trong khi một nguồn tin khác nói với CNN rằng bà tới Dubai hôm 23/8.
Một nguồn tin an ninh cũng cho biết bà Yingluck đã ra đảo Koh Chang ở ngoài khơi tỉnh Trat - nằm ở Đông Nam Thái Lan, giáp giới Campuchia - rồi từ đó đáp máy bay trực thăng đến Phnom Penh (Campuchia), nơi bà lên một chiếc máy bay thuê sẵn để đến Singapore. Đi cùng với bà là một quan chức cấp cao chính phủ, người đã giúp bà không phải làm các thủ tục xuất nhập cảnh.
Vào tháng 5/2014, bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cáo buộc vi phạm hiến pháp và lạm quyền. Sau đó cùng tháng, quân đội tuyên bố đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck và chính quyền quân sự lên nắm quyền do cựu Tư lệnh lục quân Prayut Chan-o-chan làm Thủ tướng.
Sau đó, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc bà Yingluck sao nhãng nhiệm vụ điều hành chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại lớn. Tháng 1/2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội bà Yingluck xao nhãng nhiệm vụ trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo và gây thiệt hại lớn cho đất nước. Với lời buộc tội này, bà Yingluck bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong 5 năm. Hiện toàn bộ tài sản của cựu Thủ tướng Yingluck đã bị các cơ quan chức năng Thái Lan phong tỏa để chờ phán quyết của tòa.
Nếu bị phán quyết có tội, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam và tịch thu tài sản lên tới 35 tỷ baht để bồi thường cho những thiệt hại do chương trình trợ giá gạo gây ra.
Động thái có chủ đích của giới quân sự cầm quyền
Theo các chuyên gia phân tích, giới quân sự cầm quyền đã lập chốt theo dõi bà Yingluck kể từ sau khi bà bị lật đổ hồi tháng 5/2014, mọi động thái về Yingluck đều khó lọt khỏi tầm kiểm soát của lực lượng an ninh và tình báo Thái Lan.
Do đó, việc bà Yingluck "chạy chốn" thuận lợi chắc chắn có sự ủng hộ "ngầm" của giới quân sự cầm quyền. Mục đích của giới quân sự cầm quyền là loại bỏ "gia tộc Shinawatra" ra khỏi đời sống chính trị Thái Lan.
Trả lời cho câu hỏi mà nhiều chuyên gia phân tích đặt ra là tại sao bà Yingluck lại “bị” loại bỏ khỏi chính trường Thái Lan vào thời điểm này. Trang mạng fronteranews.com tiết lộ, giới chóp bu chính trị ngày càng lo ngại vị thế quyền lực của mình khi Nhà Vua Bhumibol Adulyadej băng hà hồi tháng 10/2016.
Dưới thời Nhà Vua Bhumibol, các lợi ích chính trị của họ được đảm bảo tương đối vững chắc nhờ hệ thống quân chủ, vốn chi phối chính trường Thái Lan trong nhiều thập kỷ. Sau khi Nhà Vua qua đời, Thái Lan bước vào một giai đoạn bất ổn với sự hiện diện của người kế nhiệm gây nhiều tranh cãi. Giới chóp bu chính trị Thái Lan e ngại rằng "gia tộc Shinawatra" có thể sẽ tìm cách tận dụng cơ hội này để giành lại quyền lực về tay mình.
Giới phân tích cũng cho rằng bà Yingluck, vốn bị giới an ninh Thái Lan giám sát rất chặt chẽ, nhiều khả năng đã có được thỏa thuận để rời khỏi đất nước. Theo nhận định của trang mạng asiaone.com, quyết định chạy trốn giúp bà tránh khỏi việc bị bắt giam bởi Chính quyền quân sự và tránh được nguy cơ bùng phát làn sóng bạo lực ủng hộ "gia tộc Shinawatra". Nếu bà Yingluck bị bắt, những gì bà phải chịu đựng có thể sẽ khiến những người ủng hộ bà tức giận và kích động. Trong khi đó, giới tướng lĩnh quân sự đang tìm mọi cách để tránh gây bất ổn với mong muốn trụ vững trên chính trường Thái Lan.
Trang mạng fronteranews.com cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng nếu bà Yingluck đã thực sự rời khỏi Thái Lan thì đó có thể xem là một chiến thắng đối với giới tướng lĩnh. Không phải trừng phạt bà Yingluck tại tòa án, giới cầm quyền quân sự tránh được việc kích động phe “Áo Đỏ”.
Hơn thế nữa, sự “bỏ trốn” của bà Yingluck cũng tạm trấn an những kẻ thù của "gia tộc Shinawatra" tại tầng lớp thượng lưu và trung lưu, những người coi đó là mối đe dọa hàng đầu đối với vị thế của mình. Bà Yingluck đã ra đi, và giờ là lúc họ có thể “tạm” yên tâm củng cố quyền lực của mình.
Tránh nguy cơ Thái Lan lại rơi vào "chảo lửa chính trị"
Theo các chuyên gia phân tích, bà Yingluck Shinawatra rời khỏi Thái Lan giúp xóa đi viễn cảnh những người ủng hộ vị Thủ tướng bị lật đổ này kéo xuống đường biểu tình trong trường hợp bà bị kết án và bỏ tù.
Đặc biệt, phán quyết của tòa có thể sẽ khơi lại những mâu thuẫn nghiêm trọng từng kích động các vụ đụng độ bạo lực trong suốt thập kỷ qua giữa những người ủng hộ chế độ quân chủ tại thành thị với các tầng lớp nhân dân ở nông thôn ủng hộ cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck.
Nhà nghiên cứu chính trị Thawee Surarittkul cho rằng nhiều khả năng giới chức an ninh và một số nhân vật có quyền đã cùng nhau hợp lực để giúp bà Yingluck rời khỏi Thái Lan, dù Tòa án phát lệnh cấm bà ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng việc bà Yingluck ra đi là một “lựa chọn đôi bên cùng có lợi”, cho cả chính bà và giới tướng lĩnh.
Giám đốc phụ trách nghiên cứu Paul Chambers của Viện các Vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai cho rằng phán quyết đối với bà Yingluck, dù “có tội” hay “vô tội” cũng đều sẽ kích động bên này hay bên khác trong chính trường Thái Lan”. Ông nói: “Xã hội Thái Lan bị chia rẽ nghiêm trọng bởi gia đình Shinawatras, 16 năm suốt từ khi Thaskin lần đầu tiên đắc cử”.
Trong khi đó, ông Win Udomrachtavanich, Chủ tịch Tập đoàn An ninh KTB (Thái Lan), có trụ sở tại Bangkok đánh giá: “Một kết luận trắng án đối với bà Yingluck của tòa án sẽ hóa giải mọi lo ngại về nguy cơ nảy sinh bạo lực. Ngược lại, nếu bà Yingluck bị tuyên là có tội, chắc chắn nguy cơ bất ổn chính trị sẽ gia tăng. Rất khó để dự đoán xem điều gì sẽ xảy ra”.
Theo nhận định của ông Florian Reinold, nhà điều phối khu vực Thái Lan của chương trình học bổng Giảng dạy châu Á thuộc Quỹ Robert Bosch, nếu bà Yingluck bị tuyên có tội, cơ hội dành cho đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử tới sẽ bị thu hẹp đáng kể. Ngược lại, nếu bà Yingluck trắng án, Pheu Thai sẽ có được một lực đẩy mới trong các cuộc bầu cử vào năm tới, điều mà chắc chắn chính phủ quân sự đương nhiệm không hề mong muốn”.
Sau khi lật đổ chính phủ của bà Yingluck vào tháng 5/2014, giới tướng lĩnh đã thao túng các hoạt động chính trị tại Thái Lan trong 3 năm lên nắm quyền sau hàng loạt bất ổn chính trị, với cam kết khôi phục ổn định.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người hoài nghi về “tương lai” dân chủ của Thái Lan. Chính vì vậy, để bà Yingluck ra đi là nằm trong tính toán chiến lược của giới quân sự cầm quyền cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2018.
Theo Tiền Phong