'Duyên' bắt tội phạm truy nã của người được vinh danh công dân ưu tú

Thứ hai, 23/10/2017, 09:01
Dấn thân với nghề hàng chục năm, thượng tá Tuấn kể đến nay đã phải đối mặt với nhiều tên tội phạm nguy hiểm như Nguyễn Đức Nghĩa, Khánh "trắng", sát thủ mê chim Đặng Tuấn Thắng...  

Sáng một ngày trung tuần tháng 10, khi phóng viên vừa đặt chân vào căn phòng nhỏ của thượng tá Đào Anh Tuấn, Phó trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC52, Công an Hà Nội), tiếng chuông điện thoại đã inh ỏi vang lên. Sau ít phút nghe, vị lãnh đạo chia sẻ đó là cuộc điện thoại của cấp dưới báo cáo những thông tin ban đầu về dấu vết của một người trốn lệnh truy nã mà đơn vị đang lên phương án truy bắt.

Thượng tá Đào Anh Tuấn. Ảnh: Duy Anh.

Nguyễn Đức Nghĩa và những tên tội phạm còn nối dài

Gần 20 năm làm cảnh sát hình sự đặc nhiệm, sau đó được điều về Phòng cảnh sát truy nã, mới đây vị thượng tá 50 tuổi được UBND Hà Nội vinh danh là một trong những công dân ưu tú của thủ đô.

Với hàng chục năm trong nghề, phó trưởng phòng PC52 chia sẻ đến giờ không còn nhớ chính xác bản thân đã tham gia bắt bao nhiêu tội phạm truy nã. "Vụ án nào cấp trên giao, mình phải quyết tâm phá án cho bằng được", anh Tuấn quả quyết.

Sau ít phút còn ngại khi đề cập đến những chiến công, thượng tá Tuấn say sưa khi nhắc đến việc phá thành công nhiều ổ nhóm tội phạm như băng nhóm của Dương Văn Khánh (tức Khánh "trắng") cầm đầu tại khu vực chợ Đồng Xuân; xóa sổ băng cướp liên tỉnh của Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “con”) và đồng bọn; hành trình truy bắt "sát thủ mê chim yến" Đặng Tuấn Thắng hay 6 giờ đồng hồ lăn lộn truy tìm hung thủ giết người, chặt xác phi tang Nguyễn Đức Nghĩa...

Theo lời kể, khi còn là lính đặc nhiệm của Phòng cảnh sát hình sự (PC45 Công an Hà Nội), anh Tuấn nhận thấy địa bàn xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động gây nhức nhối dư luận. Trong đó, đầu những năm 90, nổi lên băng nhóm tội phạm do Khánh trắng tổ chức.

Muốn tìm hiểu vì sao băng tội phạm này gồm các thành phần bất hảo, tự do lộng hành, cưỡng đoạt số tiền lớn của tiểu thương trong nhiều năm, thượng tá bảo đã chủ động đề xuất lãnh đạo phòng và Bộ Công an cho tham gia triệt xóa băng nhóm giang hồ này. Suốt thời gian dài âm thầm điều tra, tìm hiểu cặn kẽ và thu thập chứng cứ, đến năm 1996, anh Tuấn cùng đồng đội đã bắt giữ Dương Văn Khánh và hàng chục đồng phạm.

Viên sĩ quan cảnh sát có mái tóc hoa râm thổ lộ, việc phá một vụ án hay truy tìm kẻ mang lệnh truy nã, cũng giống như giải một bài toán khó. Người lính điều tra phải luôn sáng tạo, mò mẫm để tìm ra nhiều cách giải khác nhau.

Tâm sự về nghề, anh bảo rằng mỗi một vụ án đều thôi thúc bản thân phải tìm ra lời giải cuối cùng, nếu không sẽ "ăn không ngon, ngủ không yên".

Chuỗi ngày sinh tử lần theo dấu vết tội phạm

Thượng tá cảnh sát tâm sự, lính truy nã thường nhận nhiệm vụ truy tìm tội phạm bỏ trốn sau khi gây án. Họ thường xuyên phải giáp mặt những kẻ vướng lao lý, lâm bước đường cùng.

Phó phòng PC52 hóm hỉnh bảo bản thân anh "có duyên" với những tên tội phạm khét tiếng, từng gây các vụ án xôn xao dư luận. Không ít lần anh phải đối mặt hiểm nguy.

Phó trưởng phòng PC52 (đứng) cùng đồng đội trong một lần họp án. Ảnh: CTV.

Đó là quãng thời gian hơn một tháng ròng rã truy bắt Nguyễn Vinh Long (tức Long "ma"), gã giang hồ liên tiếp gây ra 3 vụ nổ súng trên địa bàn thủ đô. Trong đó phải kể đến vụ dùng súng AK giết người tại đường Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy). Vụ việc gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.

Trong phút chốc, ánh mắt thượng tá cảnh sát trở nên sắc lạnh, gai góc khi nhớ lại hành trình truy bắt sát thủ Long. Vị phó trưởng phòng kể, sau khi Long gây án, nguồn tin xác định hắn đã trốn sang Trung Quốc. Trinh sát sử dụng nghiệp vụ đã tìm ra nơi ẩn náu của tên sát thủ ở khu vực bên kia biên giới.

“Ban chuyên án quyết tâm phải bắt được Long ở biên giới, nếu để hắn lọt được về xuôi, Long có thể gây thêm nhiều tội ác", thượng tá Tuấn nói.

Lần theo dấu vết, cảnh sát truy nã phát hiện Long vượt biên để về nước và xuất hiện ở biên giới Lạng Sơn. Từ Hà Nội, thượng tá Tuấn phải gác lại mọi công việc, tức tốc vượt hàng trăm km để lên khu vực cửa khẩu Cốc Nam.

Chiếc xe chở tổ công tác lăn bánh xuyên màn đêm lao đi vun vút trên quốc lộ 1A. Ngồi trên ôtô, thượng tá Tuấn gấp gáp gọi điện đề nghị công an và bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ kiểm soát các điểm trọng yếu quanh khu vực cửa khẩu.

Dọc tuyến quốc lộ 1A trên cung đường Lạng Sơn về Hà Nội, vị lãnh đạo có dày dạn kinh nghiệm đã chủ động, nhạy bén đề xuất cấp trên điều động các tổ công tác 141 Công an Hà Nội kiểm tra gắt gao mọi phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.

Cuộc đua thời gian với tên tội phạm nguy hiểm trôi theo từng phút. Trong cuộc săn lùng kẻ mang lệnh truy nã từng xả súng AK vào nhà nghỉ, thượng tá Tuấn bảo mỗi thành viên ban chuyên án luôn phải chủ động, linh hoạt và trong tư thế sẵn sàng di chuyển đến bất kỳ khu vực nào.

Từng nhiều lần giáp mặt tội phạm nguy hiểm, nhưng thượng tá Tuấn cho rằng truy bắt Long thực sự là một bài toán khó. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình cùng các đồng đội, Long đã sa lưới.

Tang vật Công an Hà Nội thu giữ trong vụ án Long ma. Ảnh: Hoàng Lam.

Vết thương giữa đời thường

Với những cán bộ và chiến sĩ PC52 Công an Hà Nội, tuy thượng tá Tuấn có gương mặt lạnh, giọng nói đanh thép nhưng ẩn sâu trong con người anh là một lãnh đạo có tính cách gần gũi, thân thiện và tận tâm.

Họ chia sẻ, thượng tá Tuấn là một chỉ huy quyết đoán và sát sao trong công tác. Trong cuộc sống thường ngày, họ coi nhau như những người anh em.

Một cán bộ PC52 chia sẻ, nhân cách sống và cá tính của vị phó phòng khiến những người xung quanh, kể cả tội phạm sau thoát khỏi vòng lao lý vẫn luôn tôn trọng anh.

Trong nghề, thượng tá Tuấn không ít lần bị thương khi giáp mặt tội phạm trốn nã. Đó là lần truy bắt Nguyễn Văn Sơn (ở huyện Đông Anh, Hà Nội). Sơn mang lệnh truy nã vì tội Chống người thi hành công vụ và Gây rối trật tự.

Theo lời kể, giữa năm 2004, trong cuộc vây ráp căn nhà Sơn ẩn náu ở huyện Đông Anh, thượng tá Tuấn bị Sơn và con gái dùng dao, xà beng tấn công. Dù bị cảnh sát bắn bị thương, tên tội phạm và người thân hắn vẫn hung hãn chống trả.

Nhớ lại khoảnh khắc sinh tử, vị phó trưởng phòng PC52 bảo sau khi kết thúc cuộc vây bắt, anh nhớ mình và gã tội phạm đã nằm trên 2 giường bệnh cạnh nhau, mặt đối mặt trong bệnh viện.

Sau lần đó, thượng tá Tuấn được Bộ Công an cấp chứng nhận thương binh do chấn thương vùng sọ với tỷ lệ thương tật là 24%. Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời, anh lại phải xoa vết đau do vết thương cũ tái phát.

Luôn quan niệm là lính truy nã phải luôn gai góc và quyết đoán, thế nhưng thượng tá Tuấn kể có những lần đối mặt với kẻ gây trọng án, người mang sắc phục phải ngậm ngùi, thậm chí rơi nước mắt khi bắt nã khi chứng kiến hoàn cảnh éo le của họ.

Trở về cuộc sống thường ngày, nam sĩ quan bảo vợ và con dường như đã quen với công việc của anh, quen với việc chồng đi công tác dài ngày, có khi cả tháng không về nhà.

Anh kể có hôm về nhà chưa được bao lâu, đã phải khoác vội chiếc áo, bỏ dở bữa cơm để lên đường làm nhiệm vụ. Điện thoại và kem đánh răng là vật "bất ly thân" của lính truy nã.

Vị phó trưởng phòng bảo anh may mắn có người vợ hiểu được nghề của mình. Do biết vợ thiệt thòi nên sau mỗi chuyên án, anh lại tranh thủ thời gian nhất định để đi chợ, nấu ăn cùng. Đó là những phút bình dị đời thường hiếm hoi của một người lính truy nã.

Ngày 8/10, Thành ủy, HĐND,UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu; vinh danh công dân thủ đô ưu tú năm 2017.

Những người được vinh danh gồm: Nhiếp ảnh gia Lê Vượng; vận động viên Dương Thúy Vi; PGS.TS Phạm Xuân Bách; PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy; ông Nguyễn Hữu Lộc; ông Đặng Cát; nghệ nhân Lê Bá Chung; ông Tạ Đình Huy; thượng tá Đào Anh Tuấn; thầy thuốc Nguyễn Hồng Siêm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn