Cách nào hạn chế TNGT đặc biệt nghiêm trọng?

Thứ hai, 23/10/2017, 09:05
Tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương trong 9 tháng đầu năm. Thế nhưng, trên địa bàn cả nước đã xảy ra gần 70 vụ TNGT nghiêm trọng.    

Từ thực tế các vụ TNGT thảm khốc liên quan đến xe khách xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là vụ tai nạn nghiêm trọng tại huyện Chư Sê giữa hai xe tải và một khách làm 13 người chết, 32 người bị thương, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế nhận định các vụ tai nạn thảm khốc đều liên quan đến điều kiện kinh doanh xe khách.

9 tháng, 68 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

“Bộ GTVT cần sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải theo hướng siết chặt hoạt động của loại hình này, tránh những vụ tai nạn nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra. Quy định hiện nay xe khách sẽ bị thu hồi phù hiệu sau 5 lần vi phạm chạy quá tốc độ 1.000 km. Mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe, nên để mức là trong 1 tháng nếu vi phạm tốc độ 5 lần thì đình chỉ ngay phương tiện”, ông Quế đề xuất.

Cũng theo ông Quế, tai nạn xảy ra phần lớn do ý thức của người lái xe nhưng xử lý được họ không dễ. Thực tế, lái xe vi phạm, bị xử lý ở doanh nghiệp này dễ dàng chuyển sang đơn vị khác làm việc. “Bên cạnh việc đình chỉ hoạt động của phương tiện gây tai nạn, nên chăng cần có chế tài với lái xe vi phạm để họ không thể tuỳ tiện hoạt động khắp nơi”, ông Quế nói.

Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, TNGT từ đầu năm đến nay vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra 68 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ôtô kinh doanh vận tải, phương tiện đường sắt, đường thuỷ nội địa làm hơn 210 người chết, hơn 200 người bị thương và thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân của thực trạng này theo ông Hùng là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo trong đảm bảo trật tự ATGT.

Bên cạnh đó, một bộ phận người thực thi công vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt là trong xử lý xe quá tải, kinh doanh chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thuỷ nội địa, hành lang ATGT đường bộ, đường sắt.

Trước tình trạng trên, Phó thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đặt vấn đề yêu cầu xem xét ý thức chấp hành của người lái xe đồng thời sửa Nghị định 86 sao cho chặt chẽ.

Bộ Công an cần nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT (Trong ảnh: Công an Hà Nội lập biên bản tạm giữ phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện bị phát hiện mang giấy đăng ký xe môtô giả).

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đang cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp kéo giảm số người chết vì TNGT từ 5-10% theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT là những điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT và hệ thống biển báo hiệu. Các vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vừa qua có nguyên nhân từ đây.

Trong quý IV, Bộ GTVT sẽ tập trung rà soát lại toàn bộ các điểm đen, lên kế hoạch xử lý cụ thể theo thứ tự ưu tiên. Kế hoạch năm 2018, Bộ GTVT sẽ ưu tiên số 1 là tập trung xóa điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với đề nghị sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ trong tháng 12 này. Những gì còn bất cập sẽ được khắc phục trong Nghị định 86 mới. Cũng theo Thứ trưởng, việc sửa Nghị định bắt nguồn từ Luật GTĐB.

“Luật GTĐB đã thực hiện gần 10 năm, quá trình phát triển đã xuất hiện thêm nhiều loại hình vận tải mới. Bộ cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ sửa đổi luật GTĐB, trong đó sẽ có nhìn nhận, đánh giá dự báo xu thế phát triển và sẽ được cụ thể hóa bằng các nghị định”, Thứ trưởng nói thêm.

Đề cập đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, Phó thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, một số nơi còn tình trạng cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương thờ ơ, buông lỏng quản lý và đặc biệt còn có tình trạng bảo kê, bao che, dung túng cho các vi phạm. Một số địa phương vẫn chưa cương quyết xử lý lối đi tự mở qua đường sắt, để người dân phá dỡ cọc thu hẹp lối đi tự mở, dẫn đến tai nạn.

“Thời gian tới, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, nơi nào để xảy ra tai nạn nhiều, người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT trên hệ thống đường quốc lộ. Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đường gom, dứt điểm xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt; khắc phục triệt để những ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự ATGT của công tác quản lý, vận hành, thu phí và tổ chức giao thông của các dự án BOT.

Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý ATGT của các đơn vị kinh doanh vận tải và xử lý nghiêm vi phạm, tước giấy phép những đơn vị vi phạm gây TNGT nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định nâng tiêu chuẩn được nâng hạng giấy phép và siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép cho lái xe khách, xe tải, xe chở container.

Bộ Công an cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT.

Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biển số xe ôtô, xe môtô và công tác quản lý giấy phép lái xe bị tạm giữ, tước quyền sử dụng.Các địa phương chỉ đạo duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện, sớm chấm dứt xe quá tải hoạt động; xử lý nghiêm, ngăn chặn và chấm dứt việc khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông.

"Thủ trưởng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5 - 10% của năm nay so với năm 2016”, Phó Thủ tướng Thường trực,Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nói.

Theo Giao Thông

Các tin cũ hơn