Vỏ bọc "đúng quy trình"

Thứ hai, 18/12/2017, 09:42
Cuối tuần qua, theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vị giám đốc Sở trẻ nhất nước, khi đề bạt vừa mới tròn 30 tuổi, là con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo sẽ bị “xóa tên trong danh sách đảng viên” và “hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng”.


Ảnh minh họa

Còn nhớ cách đây 2 năm, vụ “giám đốc Sở 30 tuổi” từng gây xôn xao dư luận và tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Khi đó, chính các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh này và ông Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh đều khẳng định việc đề bạt hoàn toàn “đúng quy trình”, thậm chí ông Thanh còn nói trên báo chí rằng: “Con tôi xứng đáng làm giám đốc Sở”.

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ của Bộ Nội Vụ về làm việc tại tỉnh khi đó cũng kết luận “đúng quy trình”. Dư luận đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm của Bộ Nội Vụ ở đâu trong việc thanh kiểm tra quy trình bổ nhiệm, giờ đây được kết luận là sai trái, phải thu hồi này?

Đây chỉ là một trong vô vàn các ví dụ liên quan tới 3 từ “đúng quy trình” mà lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm từ địa phương tới trung ương rất ưa dùng khi phát ngôn về một vụ việc gây sự chú ý của công luận. Trước đây, Sở Xây dựng Thanh Hóa khi giải trình về việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh cũng khẳng định “đúng quy trình”, hay mới đây Bộ GTVT cũng nói “đúng quy trình” trong việc phê duyệt các dự án BOT.

Gần đây, cùng với “lỗi đánh máy”, cụm từ “đúng quy trình”, rất tiếc đã trở nên phản cảm đối với dư luận trong nhiều phát ngôn, giải trình về các vụ việc nổi cộm. Cụm từ này, dưới con mắt của bạn đọc, phần nào đã bị mang hàm nghĩa của sự bao biện, lảng tránh hơn là phản ánh đúng bản chất của sự việc, hiện tượng.

Mới đây, cho ý kiến về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm uy nghiêm. Nhưng tại sao vừa qua có dư luận: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai...”.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng, “Tại sao người ta nói quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? thân quen “cánh hẩu”, thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ... đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh”.

Như vậy, người đứng đầu của Đảng đã lắng nghe và thẳng thắn chỉ ra những “lỗ hổng” của công tác đánh giá, đề bạt cán bộ hiện nay. Việc hàng loạt cán bộ từ trung ương cho tới địa phương, trong đó có cả cấp cao, vướng vòng lao lý, bị cách chức, bị kỷ luật… thời gian vừa qua, cho thấy quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong việc làm trong sạch đội ngũ công bộc của dân, không có vùng cấm trong xử lý cán bộ. Việc làm này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân, củng cố thêm niềm tin về một nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn