Từ gần 20 năm nay, cô Lan, 37 tuổi, đều về nhà để sum họp bên gia đình vào dip Tết Nguyên đán. Trước đây cô thường đi tàu, nhiều khi mua vé đứng. Sáu năm trước, để tránh những lo lắng và vấn đề phát sinh do đặt vé tàu, cô đi xe về quê.
Tàu cao tốc trở thành lựa chọn hàng đầu cho cô từ hai năm trở lại đây. "Đã có nhiều thay đổi suốt thời gian qua trong cách mà tôi di chuyển. Chỉ có việc về quê vào thời gian này là không đổi".
Cùng với hàng trăm triệu người khắp Trung Quốc, cô Lan sẽ trở về quê, trong hành trình khổng lồ của một phần sáu dân số thế giới, vẫn được biết đến dưới tên gọi xuân vận.
Giai đoạn nhộn nhịp nhất bắt đầu vài ngày trước 16/2, ngày đầu năm mới âm lịch. Người dân đổ về các thành phố nhỏ hơn từ những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Ngày 22/2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần, người dân Trung Quốc lại ồ ạt quay trở lại thành phố nơi họ sinh sống và làm việc.
Đám đông tại ga Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tàu cao tốc, ôtô (tự lái hoặc chia sẻ với những người về quê khác) và máy bay đã trở nên phổ biến hơn. Điều này được lý giải phần lớn bởi người Trung Quốc ngày một giàu có, theo chuyên gia Zhao Jian của Đại học Giao thông Bắc Kinh.
Zhao lưu ý rằng điều này phần lớn là do sự giàu có ngày càng tăng của người Trung Quốc. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc năm 2016 tăng 62,6% so với năm 2010 và đạt hơn 23.800 Nhân dân tệ (tương đương 3.780 USD).
Theo Tân Hoa Xã, giai đoạn xuân vận những năm 1980 chứng kiến khoảng 100 triệu lượt di chuyển. Năm nay, người Trung Quốc sẽ thực hiện khoảng 2,98 tỷ lượt di chuyển trong suốt thời gian 40 ngày, không thay đổi so với năm ngoái, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia nói.
"Số lượng những chuyến đi tăng mạnh bắt nguồn từ việc cử người đi làm việc hoặc học tập tại một thành phố hoặc tỉnh khác trong những năm kinh tế kế hoạch", Liu Simin, phụ trách bộ phận du lịch của Viện Nghiên cứu Tương lai Trung Quốc, cho biết. "Sau đó là những lượt di chuyển của công nhân di cư từ các thị trấn và làng mạc ở nông thôn".
Năm 2016, khoảng 282 triệu người lao động Trung Quốc từ nông thôn di chuyển lên các thành phố lớn hơn.
Zoey Zheng, 29 tuổi, cũng là hành khách tàu cao tốc. Kể từ khi tuyến tàu nối Bắc Kinh và tỉnh Giang Tây phía Đông Nam đất nước đi vào hoạt động cách đây hai năm, thời gian đi lại của cô chỉ còn một nửa, từ 11 giờ trên tàu hỏa thường xuống còn 6 giờ với tàu cao tốc.
"Tôi đã tải trước vài bộ phim, khi nào xem xong thì cũng là lúc tôi về tới nhà", người phụ nữ làm trong ngành truyền thông marketing nói.
"Và tôi thậm chí có thể đặt đồ ăn trực tuyến, giao tới ga", cô nói thêm, đề cập dịch vụ cung cấp thực phẩm theo yêu cầu mới hiện có tại 27 nhà ga lớn trên khắp Trung Quốc. Trước đây, hành khách trên tàu thường chỉ ăn mỳ cốc trong suốt chuyến đi dài.
Nhiều người khác lại chuyển từ sử dụng phương tiện công cộng sang cá nhân.
Wu Guotao, 39 tuổi, sẵn sàng bỏ những chuyến tàu sau khi mua một chiếc xe 8 năm trước. Để về được quê ở Ứng Thành, một thành phố nhỏ ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc, anh cần lái xe liên tục trong 14 giờ trên quãng đường dài 1.100km.
Dù có thể bị mắc kẹt trong tắc đường lên đến 34 giờ, anh vẫn thích lái xe.
"Điều này thuận tiện hơn nhiều... Tôi sẽ không bị giới hạn bởi thời gian cố định của tàu", Wu nói. Anh sẽ cùng về quê với mẹ, vợ và hai con trai ngày 12/2.
Giám đốc truyền thông tiếp thị Zhang Xiao, 27 tuổi, có thể sẽ bay về nhà trong năm nay, vì đường sắt cao tốc vẫn chưa được mở rộng tới thị trấn quê nhà anh ở phía Tây tỉnh Thanh Hải, nằm trên cao nguyên Thanh Tạng.
Chuyến bay dài 2 giờ từ Bắc Kinh sẽ tốn kém khoảng 2.000 Nhân dân tệ (320 USD), so với 500 Nhân dân tệ (79 USD) cho chuyến tàu mất 30 giờ. "Tôi cảm thấy mình đủ khả năng chi tiêu sau 5 năm làm việc", anh nói.
Hành khách trên chuyến tàu tới Trùng Khánh tại ga Nam Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đối với những người không có vé tàu hoặc vé máy bay, đi nhờ những người về quê cùng đường là một giải pháp. Năm 2016, nhà cung cấp dịch vụ Didi Chuxing đã cho ra mắt dịch vụ chia sẻ xe trong thành phố với tên gọi Hitch.
Công ty ước tính sẽ có khoảng 33 triệu chuyến xe chia sẻ trong năm nay, tăng gấp ba lần so với hai năm trước do công nghệ tốt hơn và sự mở rộng từ các thành phố đến các thị trấn nhỏ hơn.
Người sử dụng dịch vụ nói với Straits Times rằng đây là lựa chọn mà họ sẽ chỉ cân nhắc trong những lúc tuyệt vọng.
"Chúng tôi có rất nhiều hành lý, vì thế việc chia sẻ chiếc xe rất khó khăn và khó chịu", Tao Chunxiang, 48 tuổi, làm giúp việc tại Thượng Hải, cho biết.
Theo báo cáo của công ty lữ hành trực tuyến Tongcheng và China Communications News vào tháng 12 năm ngoái, 72% số người được khảo sát cho biết họ sẽ trở về nhà để đoàn tụ gia đình trong thời gian xuân vận, khoảng 13% nói rằng thay vào đó họ sẽ đi du lịch.
Các chuyên gia nhận thấy nhiều người có xu hướng tận dụng các kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán để du lịch với gia đình ở trong nước hoặc ở nước ngoài.
"Điều này phổ biến hơn đối với những người có chỗ ở lâu dài tại Bắc Kinh và Thượng Hải, đặc biệt là giới cổ cồn trắng", Zhao nói.
Xu hướng mới khác cũng được ghi nhận là các bậc phụ huynh đến các thành phố lớn để thăm con cái. Cha mẹ nhà văn Zhang Shuang năm ngoái đã tới Bắc Kinh để thăm cô. "Vé ngược chiều dễ mua hơn rất nhiều", cô nói.
Mua vé tàu về quê vẫn là một thách thức đối với các lao động nhập cư. Giờ đây họ có thể đặt vẽ trực tuyến thay vì xếp hàng dài chờ đợi tại các ga tàu.
Tuy nhiên, do thường ít hiểu biết về Internet, họ có khuynh hướng bị đẩy ra khỏi cuộc đua toàn quốc khi mọi người sử dụng các ứng dụng đặt chỗ di động của bên thứ ba để có được vé.
Một nữ cảnh sát đường sắt hướng dẫn hành khách vào ga tàu với sự trợ giúp của máy nhận dạng khuôn mặt. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Với mạng lưới đường sắt cao tốc ngày một mở rộng, số lượng các chuyến tàu thông thường với giá vé phải chăng hơn đã bị giảm. Điều này khiến lao động di cư có ít phương án về nhà hơn trong thời gian xuân vận. Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua vé tàu cao tốc đắt đỏ.
Những chuyến tàu truyền thống vẫn là phương thức di chuyển phổ biến giúp người Trung Quốc về quê ăn Tết.
Zeng Ning, 48 tuổi, nhân viên xoa bóp làm việc ở Bắc Kinh, sẽ chi khoảng 450 Nhân dân tệ (72 USD) để về nhà bằng việc đi tàu hỏa thường, sử dụng ôtô chia sẻ và nhảy lên một chiếc tuk tuk.
Nếu chuyển sang tàu cao tốc, bà sẽ phải chi thêm 1.000 Nhân dân tệ (160 USD) nữa. Thu nhập hàng tháng của bà vào khoảng 3.000 đến 4.000 Nhân dân tệ (479-639 USD).
"Tôi vẫn cần mua quần áo mới, gia đình tôi thì muốn có cá và thịt cho dịp Tết", bà giãi bày.