Vụ Su-25 bị bắn hạ: Thổ bắt Nga làm con tin?

Thứ tư, 07/02/2018, 13:47
Vì dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, Nga tiếp tục cư xử mềm mỏng ngay cả khi biết rõ ai đứng sau vụ bắn hạ chiếc Su-25.

Tờ Độc lập của Nga mới đây có bài viết phân tích vụ việc chiếc Su-25 của Nga bị bắn rơi tại Syria hôm 3/2. Giới phân tích Nga cho rằng việc Moscow tiến hành ném bom trả đũa song lại không trực tiếp lên án Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy có những góc khuất, thậm chí không liên quan yếu tố quân sự.

Chuyên gia quân sự, Đại tá quân đội Vladimir Popov cho biết: “Các chuyên gia Nga hiện đang tích cực thảo luận việc ai đã đưa hệ thống phòng không di động đến đó (Thổ Nhĩ Kỳ hay Mỹ?) hay đây là những hệ thống phòng không này được thu giữ từ quân đội Syria? Tuy nhiên, hoàn toàn rõ ràng là máy bay Nga đã bị nhóm chiến binh ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn hạ".

Những mảnh vỡ của chiếc Su-25 của Nga bị bắn hạ ở Idlib hôm 3/2

Theo Đại tá Vladimir Popov, Nga "không mấy quan tâm" đến vấn đề này. Ông nói: "Moscow hiện đang phụ thuộc vào Tổng thống Erdogan. Đây là sự phụ thuộc về vấn đề kinh tế, có liên quan đến dự án xây dựng 'Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ'".

Điều này lý giải tại sao Nga không còn chỉ trích các hành động của Tổng thống Erdogan ở cấp độ chính trị. Ông Popov lưu ý thêm rằng, ngay trước khi nhóm chiến binh ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-25 của Nga thì Ankara đã triển khai những ưu đãi về thuế đối với các công ty, xí nghiệp và các phương tiện vận tải biển tham gia quá trình xây dựng dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Và dư luận đều biết rõ phần lớn những công ty này đều là của Nga.

Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn là “Jaish al-Nasr” đã bắn hạ chiếc Su-25. Nhóm này cũng là một phần thuộc quân đội Tự do Syria (SSA), một “đồng minh” của người Thổ trên chiến trường Syria.

Ngay khi những bức ảnh và đoạn video ghi lại chi tiết vụ bắn hạ máy bay Su-25 xuất hiện trên mạng xã hội thì người phát ngôn của “Jaish al-Nasr” Mohammad Rashed cũng xác nhận điều này.

Máy bay Su-25 của Nga tại Syria

Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, ông Mohammad Rashed đã nói rằng chiếc Su-25 bị bắn rơi bởi hệ thống tên lửa phòng không di động vào thời điểm chiếc máy bay này đang diễn tập "chuẩn bị tấn công vào vùng Sarakib ở phía Đông của Iblib". Do các chiến binh “Jaish al-Nasr” đã cho rằng chiếc máy bay này thuộc lực lượng không quân Syria nên mới quyết định bắn hạ.

Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia Nga cho rằng lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ mới được hình thành đã chủ đích bắn rơi máy bay của Nga như là một hành động trả đũa việc lực lượng không quân Nga đã tiến hành chiến dịch tại Idlib. Các chuyên gia khẳng định, máy bay Su-25 của Nga có dấu hiệu nhận biết riêng biệt và bay ở độ cao thấp nên để nhận biết những dấu hiệu này không phải là điều khó khăn.

Một dấu hiệu khác cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ biết trước về vụ Su-25 có thể bị bắn hạ bởi hãng thông tấn Anadolu trong tuần trước đã vài lần thông báo rằng đại diện chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự quan ngại về các cuộc không kích của quân đội Syria và lực lượng không quân của Nga với cáo buộc “tấn công vào dân thường Iblib”.

Trong khi đó, Damacus cũng thông báo rằng họ đang tiến hành các hoạt động quân sự chống các lực lượng khủng bố với sự hỗ trợ của không quân Nga tại khu vực Sarakiba và các vùng định cư khác.

Nhiều nhóm phiến quân tại Syria sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không vác vai tiên tiến

Đáng lưu ý là nhóm người nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ “Jaish al-Nasr”, cũng giống như nhiều cơ cấu khác của SSA, không được liệt kê trong danh sách các tổ chức khủng bố của Nga. Các đại diện của “Jaish al-Nasr” đã được mời tới Đại hội đối thoại dân tộc ở Sochi.

Hồi cuối tháng trước, sau khi tới sân bay ở Sochi và nhìn thấy tại đây chỉ có cờ của chính phủ Syria thì các đại diện này đã từ chối tham gia. Điều này cho thấy rõ quyết tâm của “Jaish al-Nasr” và tất nhiên là thế lực hỗ trợ đứng sau.

Như vậy, có thể nói Nga biết rõ nhóm nào đứng sau vụ bắn hạ Su-25 cũng như quốc gia bảo trợ chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Moscow vẫn tiếp tục tỏ ra “mềm mỏng” đối với Ankara.

Nga không những “rút lui” khỏi Afrin để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tự do hành động mà còn đưa ra một số tuyên bố giải thích lý lẽ cho Ankara. Tuy nhiên, việc Nga tiến hành các vụ không kích trả đũa cũng phát đi thông điệp cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm phiến quân không nên “đùa với lửa”.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn