|
Người dân khu vực ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề do các đập thủy điện phía thượng nguồn. |
Ông Naruepon Sukumasavin (Ban thư ký Ủy ban Sông Mekong Quốc tế) cho biết kết quả nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính đưa ra thông điệp rằng: Sự suy giảm phù sa và chất dinh dưỡng về phía hạ lưu do ảnh hưởng của các dự án thủy điện bao gồm cả các thủy điện của Trung Quốc sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất, giảm sản lượng lúa gạo cũng như sản lượng cá. Các vùng có nguy cơ gồm vùng ngập lụt Biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam, trong đó lượng phù sa về ĐBSCL giảm đến 97% theo kịch bản phát triển năm 2040.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các dự án thủy điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở ĐBSCL của Việt Nam và dọc theo sông Mekong từ Viêng Chăn (Lào) đến Stung Treng (Campuchia). Các hồ chứa sẽ biến phần lớn sông Mekong thành các môi trường sống kiểu các hồ nhỏ và sâu, không phù hợp cho các loài sinh sống ở sông Mekong mà chỉ phù hợp với các loài như sò, ốc, ếch nhái. Các dự án phát triển cũng gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đói nghèo, thu nhập cho hộ gia đình sẽ giảm…
Theo Tiến sĩ Lê Việt Phú (Đại học Fullbright Việt Nam), Lào là quốc gia đóng góp 40% dòng chảy của sông Mekong, nhưng là đất nước kém phát triển nhất tại hạ vùng Mekong. Nước này đang muốn tận dụng lợi thế tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước để phát triển kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 8 - 8,5%/năm, trong đó thủy điện được xem là giải pháp duy nhất hiện nay.
Theo Tiền Phong