Vụ phá sào huyệt ma túy: "Ðã chặn đứng các toán vũ trang nước ngoài"

Thứ tư, 04/07/2018, 11:38
Công an xác định, trên địa bàn có sự xuất hiện của các toán vũ trang người nước ngoài tham gia vận chuyển ma túy. Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên tại địa phương có người nhà liên quan ma túy cũng không ủng hộ việc “đánh án”.

Các chiến sĩ cảnh sát lập chốt kiểm soát đường vào bản Tà Dê.

Tách 10 tay súng trước tấn công

Ngày 3/7, đại tá Phùng Tiến Triển - Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La chủ trì họp báo về việc triệt phá sào huyệt của trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân (SN 1983) và Nguyễn Văn Thuận (SN 1984) ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La). Cụ thể, từ ngày 27 - 30/6, lực lượng công an tiến đánh, tiêu diệt tại chỗ Tuân và Thuận cùng 2 đàn em, bức hàng 3 đối tượng; thu giữ 49 khẩu súng, hơn 7.000 viên đạn, 17 quả lựu đạn, 2 ô tô…

Ngược lại, không cán bộ, chiến sĩ nào bị thương vong, tài sản của người dân được đảm bảo toàn vẹn. Ngày 2/7, CQĐT khởi tố vụ án “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” và “Chống người thi hành công vụ” để điều tra theo quy định.

Ðại tá Phùng Tiến Triển - Phó GÐ Công an tỉnh Sơn La trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Theo đại tá Triển, xã Lóng Luông có 31 đối tượng bị truy nã do liên quan ma túy. Trong đó, các ông trùm Tuân và Thuận từng bị Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra từ năm 2012 và bỏ trốn tới bản Tà Dê. Tại đây, chúng xây dựng nhà gồm hầm ngầm, boong ke với nhiều súng đạn, bình gas kẹp xăng để cố thủ. Có 14 đối tượng thường xuyên ở nhà Tuân, 3 đối tượng ở nhà Thuận để bảo vệ các ông trùm.

Năm 2015, ban chuyên án đấu tranh với Tuân và Thuận được thành lập, do giám đốc công an tỉnh làm trưởng ban. Trước khi tấn công, lực lượng chức năng đã phối hợp với gia đình các đối tượng nhằm vận động, đề nghị nộp vũ khí nhưng không được. Công an cũng tách 10 đàn em của chúng đi trại cải tạo. Đại tá Triển đánh giá: “Đã giảm bớt được 10 tay súng… Nếu không, chúng vào đó sẽ chết, có thể chết vì ngạt, vì đạn và vì bị chính đồng bọn giết. Ngay cả 3 đối tượng ra đầu hàng, chúng tôi cũng rất lo nếu chúng ra hàng sẽ bị đồng bọn bên trong bắn chết”.

Việc công an đe dọa tấn công cũng khiến các bên bán ma túy tại Lào, bên mua tại một số tỉnh của ta và chính bản thân các ông trùm phải tạm dừng “giao dịch”. Tuy nhiên, đại tá Triển cho rằng, vì thấy dấu hiệu có thể bị tấn công nên Tuân và Thuận đã tẩu tán tài sản, gửi một lượng tiền rất lớn về quê. Do đó, khi kết thúc trận đánh, công an chỉ thu giữ được vài nghìn USD, không thu được ma túy.

Tội phạm ma túy kết hợp với nhóm vũ trang nước ngoài

Trước câu hỏi tại sao bây giờ mới tấn công tiêu diệt các đối tượng, đại tá Phùng Tiến Triển cho biết, trước đó công an phải tập trung xử lý các đối tượng nguy hiểm khác trước Tuân và Thuận. “Trong 4 năm, dù sinh sống ở Vân Hồ nhưng các đối tượng đều không hề có tên tại đây” - ông Triển nói. Vì vậy, trước đó công an và biên phòng tỉnh phải đấu tranh truy bắt đối tượng Tráng A Tàng tức Tàng Keangnam.

Kết thúc chuyên án Tráng A Tàng, lực lượng chức năng phát hiện các toán vũ trang xâm nhập từ bên kia biên giới, chủ yếu là người nước ngoài. Theo ông Triển: “Có những toán có 28 tên trang bị vũ khí và có những đêm, chúng kết hợp nhiều toán để đưa ma túy vào”. Trong khi đó, lực lượng biên phòng rất mỏng và ở tuyến đầu nên nếu tấn công sẽ rất nguy hiểm. Thậm chí, nếu công an phục kích, chúng sẽ cho rằng biên phòng báo tin nên tấn công các trạm biên phòng.

Vì vậy, lực lượng công an khi đánh án ma túy cũng phải tính phương án an toàn. Chính bộ đội biên phòng cũng đề nghị khi các nhóm đối tượng vũ trang đã qua biên giới, phải để chúng qua vùng đệm rồi tiến đánh. Đặc biệt, đại tá Triển cho biết các toán vũ trang đã hoạt động tại khu vực được hơn 2 năm trước khi bị chặn đứng.

Ngoài ra, việc phục kích, chặn bắt các nhóm này cần phải đảm bảo nhiều yếu tố như người nước ngoài, dân tộc thiểu số… nhất là khi tác chiến ban đêm bởi có thể bắn nhầm những nhóm đồng bào đi săn. Do đó, công tác trinh sát ban đêm, phân biệt người dân với các đối tượng vũ trang phải tiến hành rất cẩn trọng.

Đáng chú ý, đại diện Công an tỉnh Sơn La cho biết, để tấn công, lực lượng chức năng cần được sự đồng ý của chính quyền. Trong khi đó, tại Lóng Luông, Vân Hồ, nhiều cán bộ, đảng viên cũng có con cháu, người nhà liên quan tội phạm ma túy. “Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp, họ chỉ gật đầu nhưng tay không đánh dấu vào phiếu ủng hộ… Do vậy, khi dân chưa phải của ta thì chưa tác chiến” - lời đại tá Triển.

Ðưa hai bà mẹ đến vận động không được

Ðại tá Phùng Tiến Triển nói: “Bố mẹ của các đối tượng hoàn toàn không hợp tác, xóa số điện thoại của con trai, con dâu trong máy... Tuy vậy, chúng tôi kiên trì đưa 2 bà mẹ vào ôtô an toàn, cách hầm trú ngụ của chúng vài mét rồi dùng loa công suất lớn cho 2 bà mẹ vận động con ra đầu thú. Tôi nghe rất rõ: “Con ơi ra đi, con không ra thì con chết mẹ cũng như cái xác không hồn rồi mẹ cũng bệnh mà chết”. Nghe lời ấy mình sởn gai ốc nhưng vẫn không đủ sức thuyết phục chúng”.

Trước khi tấn công, công an đã lập 3 tổ tuần tra, kiểm soát trên 2 tuyến đường vào các bản Tà Dê, Lũng Xá. Kết quả, lực lượng đã phát hiện 19 vụ, bắt giữ 28 đối tượng; thu về gần 32kg ma túy, 1 ô tô, 3 khẩu súng, 1 lựu đạn, 400.000 USD và hơn 635 triệu đồng… Việc này góp phần chặn việc tiếp tế cho Tuân và Thuận.

Công an vào uống rượu cũng không sao nhưng nếu vào bắt bớ, khám xét thì các đối tượng sẽ tiếp ta bằng đạn đồng. Ðến thời điểm hiện tại, các phóng viên có thể vào bình thường, người dân rất ủng hộ công an bắt ma túy”.

         Ðại diện Công an tỉnh Sơn La

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn