Mỹ - Trung nỗ lực suy đoán toan tính của nhau trên Biển Đông

Thứ tư, 26/09/2018, 17:19
Các chiến lược gia tại Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách suy đoán lập trường cũng như bước đi của bên còn lại trong vấn đề Biển Đông dựa trên những diễn biến thực tế.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Theo Mark Valencia, học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu Biển Đông ở Trung Quốc, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Malaysia, Singapore và Indonesia hồi tháng trước là dấu hiệu cho thấy một giai đoạn căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Những người chỉ trích Trung Quốc tại Mỹ thường xuyên đưa ra cảnh báo về những ý đồ nguy hiểm của Bắc Kinh trên Biển Đông cũng như cách nước này có thể làm để đạt được mục tiêu của mình. Họ cho rằng Trung Quốc muốn “chiếm” Biển Đông như một phần trong chủ nghĩa bành trướng đầy tham vọng, theo đó Bắc Kinh sẽ tiếp tục quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông và tiến hành các cuộc tập trận hải quân lớn tại vùng biển này.

Những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể can thiệp quyền tự do hàng hải thương mại trên Biển Đông và về cơ bản kiểm soát các hoạt động diễn ra tại đây, bao gồm đánh bắt cá, khai thác dầu và khí đốt. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc có thể tìm cách dọa nạt các đối thủ, hoặc lôi kéo họ bằng các lợi ích kinh tế, đồng thời thay đổi các quy chuẩn hiện hành.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới được công bố năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nêu đích danh Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và là quốc gia “xét lại” đang mong muốn thay đổi trật tự thế giới và vị trí số một của Mỹ. Các cơ quan hàng đầu của chính quyền Mỹ như Hội đồng An ninh Quốc gia, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao được cho là đang xây dựng và lên kế hoạch cho những kịch bản tồi tệ nhất, bao gồm cả cuộc xung đột với Trung Quốc.

Mỹ liên tục công kích các tuyên bố, hành động và chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí công khai làm “bẽ mặt” khi không mời Bắc Kinh tham gia tập trận Ven Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, năm nay. Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ không được tham gia RIMPAC cho đến khi nước này “dừng tất cả các hoạt động cải tạo trên Biển Đông” và “đưa toàn bộ vũ khí ra khỏi các khu vực cải tạo”.

Trung Quốc phán đoán ý định của Mỹ

Máy bay trinh sát Mỹ phát hiện các tháp radar, nhà chứa máy bay và các tòa nhà cao tầng xuất hiện trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: New York Times)

Trong khi nhiều chuyên gia tại Mỹ có thể phán đoán ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông, song họ thực sự không rõ các chiến lược gia Trung Quốc đang nghĩ gì về kế hoạch của Mỹ tại vùng biển này. Do sự thiếu minh bạch về thông tin nên các nhà phân tích chiến lược Mỹ buộc phải đoán xem Bắc Kinh đánh giá Washington như thế nào.

Một số chiến lược gia tại Trung Quốc nhận định Bắc Kinh và Washington đang tiến gần tới điểm xung đột quân sự do sự khác biệt về tư tưởng, cũng như cạnh tranh nhau trong việc thiết lập tầm ảnh hưởng. Một số người cho rằng Mỹ muốn kiểm soát Biển Đông như một cách để kiềm chế Trung Quốc và Washington sẽ có các động thái để đạt được mục tiêu này.

Theo quan điểm của các chiến lược gia Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách ngăn cản Bắc Kinh kiểm soát “hợp pháp” các “vùng biển gần” như Biển Đông, và để thực hiện mục tiêu này Washington sẽ hỗ trợ một số quốc gia trong khu vực từng là thuộc địa của phương Tây trước đây. Những tiếng nói tại Trung Quốc cho rằng sau khi nhất trí thông qua Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) do Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002, một số nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã hoan nghênh Mỹ và thậm chí cả Nhật Bản để “can thiệp” vào vấn đề Biển Đông.

Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc phỏng đoán Mỹ sẽ đẩy mạnh các hoạt động trên Biển Đông, cũng như các cuộc tập trận và các chuyến viếng thăm tới cảng của các nước đồng minh và bạn bè của Washington trong khu vực, đồng thời tìm cách tiếp cận nhiều vị trí hơn nhằm tăng cường năng lực của quân đội Mỹ. Theo nhận định của Trung Quốc, Mỹ sẽ tăng cường tần suất cũng như quy mô của các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời tìm cách thuyết phục các đồng minh trong khu vực cùng tham gia, hoặc ít nhất tự mình thực hiện các chiến dịch tuần tra như vậy.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ (trước) và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS MIlius tập trận chung với các tàu Nhật Bản trên Biển Đông hồi tháng 8. (Ảnh: US Navy)

Những phán đoán của Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở. Các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông của Mỹ đã được tăng cường dưới thời Tổng thống Donald Trump. Gần đây, tàu sân bay trực thăng Kaga, tàu hải quân lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, đã tập trận với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trên Biển Đông. Hồi đầu tháng, một tàu chiến của Anh cũng thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc khi di chuyển gần các đảo do Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.

Các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN để định hình bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, ngoài ra Washington cũng sẽ tăng cường nỗ lực để lôi kéo các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực vào quỹ đạo viện trợ kinh tế và quân sự của Washington, thậm chí có thể trừng phạt nếu họ ngả về phía Bắc Kinh.

Theo phán đoán của Trung Quốc, trong tình huống xấu nhất, Mỹ sẽ khuyến khích các đối thủ của Trung Quốc thực hiện các hành động đơn phương để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, thậm chí “bật đèn xanh” hậu thuẫn ở phía sau trong trường hợp xảy ra căng thẳng. Trong một tình huống khác, Trung Quốc cho rằng Mỹ có thể tìm cách chặn con đường giao thương huyết mạch của Trung Quốc, đặc biệt là các tuyến vận chuyển dầu và khí đốt đi qua eo biển Malacca và Biển Đông.

Xét trên phạm vi rộng lớn hơn, giới phân tích Trung Quốc phán đoán Mỹ sẽ kích động vấn đề Đài Loan và hối thúc Nhật Bản tăng cường các động thái quân sự trên biển Hoa Đông, nơi Tokyo và Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ, từ đó khiến Trung Quốc xao nhãng hoặc gây sức ép với Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nghi ngờ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do chính quyền Trump đề xuất và sự tồn tại của Bộ Tứ gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ. Trung Quốc cho rằng đây là cách để Washington kiềm chế Bắc Kinh cả trong vấn đề Biển Đông lẫn các vấn đề khác.

Có ý kiến nhận định tất cả những viễn cảnh trên có thể chỉ là những phán đoán xuất phát từ sự ngờ vực của Mỹ và Trung Quốc dành cho nhau. Theo chuyên gia Mark Valencia, điều quan trọng là cả chính quyền Mỹ, Trung Quốc và các nhà phân tích chiến lược của hai nước cần nhìn vào những mặt hợp tác, thay vì chỉ vạch ra những viễn cảnh tồi tệ dựa trên những phán đoán ngờ vực.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn