Khu đất "vàng" ở địa chỉ 419 Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10, TP.HCM) được Công ty CP Giày Sài Gòn (GSG) thuê lại của nhà nước. Dù không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng đơn vị này lại sử dụng một phần diện tích để cho Công ty TNHH Thành Bưởi (Thành Bưởi) và Công ty CP Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam thuê lại để làm nhà kho, bến bãi.
Tư nhân thôn tính?
Năm 2000, GSG thuê 13.000m2 đất tại số 419 đường Lê Hồng Phong, sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh. Đến năm 2007, công ty này được UBND TP chấp thuận cho tiếp tục sử dụng gần 11.000m2 tại khu đất nêu trên để làm văn phòng, nhà kho, xưởng sản xuất giày, túi xách; thời hạn thuê đến cuối năm 2020. Trong đó, hơn 400m2 đất thuộc phạm vi lộ giới, GSG được tạm thời thuê nhưng phải giữ nguyên hiện trạng.
Phía trước địa chỉ 419 đường Lê Hồng Phong (quận 10, TP.HCM) của Thành Bưởi (ảnh chụp ngày 26-9-2018) |
GSG vốn là doanh nghiệp nhà nước từ năm 2004, đến năm 2015 không còn vốn nhà nước và bắt đầu xuất hiện nhiều thay đổi ở khu đất nói trên. Theo đó, năm 2015, GSG ký 2 hợp đồng cho Thành Bưởi thuê một phần nhà xưởng, sân bãi và cho Công ty CP Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam thuê làm kho chứa hàng. Hợp đồng với Công ty CP Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam chỉ kéo dài tới cuối năm 2015, còn Thành Bưởi đến cuối năm 2020.
Khoảng tháng 2-2016, GSG bất ngờ thông báo tạm ngưng một số mảng kinh doanh theo chức năng để tái cấu trúc hoạt động. Đến tháng 6-2016, GSG đột ngột thanh lý hợp đồng nói trên với Thành Bưởi rồi chuyển qua ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty này; cho Thành Bưởi quyền quản lý, sử dụng, khai thác văn phòng, nhà xưởng tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong. Thời gian hợp tác kinh doanh bắt đầu từ tháng 7-2016 đến tháng 6-2021.
Về phía Thành Bưởi, theo hợp đồng ký kết, công ty này hợp tác kinh doanh với GSG để cùng khai thác và sử dụng có hiệu quả văn phòng, nhà xưởng, phương tiện vận tải tại địa chỉ số 419 Lê Hồng Phong. Tại đây, Thành Bưởi tổ chức các hoạt động kinh doanh như bán vé hành khách theo tuyến cố định TP.HCM - Cần Thơ; phục vụ đón - trả khách trung chuyển theo tuyến cố định; đón - trả khách theo hợp đồng, du lịch; nhận vận chuyển hàng hóa; bãi đỗ xe; bãi giữ xe máy của khách…
Nhiều lần bị phạt
Từ năm 2015, việc sử dụng đất và các hoạt động tại địa chỉ số 419 Lê Hồng Phong xuất hiện nhiều sai phạm khi GSG tiến hành cải tạo, sửa chữa công trình không phép và vi phạm trong việc cho thuê tài sản gắn liền với đất khi ký các hợp đồng cho thuê (đã kể trên). UBND quận 10 cho biết trong quá trình hoạt động tại 419 Lê Hồng Phong, Thành Bưởi có nhiều vi phạm như giữ xe quá giá quy định, công tác PCCC không bảo đảm...
Theo tài liệu của phóng viên, năm 2016, cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cùng một số đơn vị thuộc UBND quận 10 để kiểm tra hoạt động tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong. Qua kiểm tra cho thấy có nhiều vi phạm khác. Cụ thể: có dấu hiệu vi phạm trong việc xây dựng và thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ không theo quy hoạch.
Thanh tra Sở GTVT cho biết vào thời điểm đó, Thành Bưởi đã tổ chức hoạt động và xây dựng các hạng mục công trình có đầy đủ chức năng như một bến xe với chức năng phục vụ đón - trả khách trung chuyển theo tuyến cố định; đón - trả khách theo hợp đồng, du lịch; tổ chức quầy bán vé hành khách theo tuyến cố định TP HCM - Cần Thơ, giao nhận hàng hóa; nhà chờ và ghế ngồi cho hành khách… Mặt khác, cũng tại đây, đoàn kiểm tra kết luận Thành Bưởi nhận đặt chỗ qua điện thoại và xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách từ TP HCM đi Đà Lạt. Việc này có dấu hiệu vi phạm trong quy định về xác nhận đặt chỗ cho hành khách đối với loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng.
Tháng 4-2017, UBND quận 10 có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét việc chấm dứt cho GSG thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong, giao về quận để quản lý và sử dụng. Sau đó, UBND TP đã có văn bản yêu cầu GSG chấp hành việc nộp phạt cũng như bị truy thu thêm tiền cho thuê đất trái quy định. Theo UBND quận 10, khu đất này được quy hoạch là "đất công nghiệp sạch".
Chây ì giải quyết chế độ cho người lao động GSG đột ngột dừng hoạt động từ tháng 12-2015 khiến nhiều người lao động (NLĐ) bỗng nhiên mất việc, chịu nhiều thiệt hại. Đặc biệt, với những công nhân (CN) đã làm việc lâu năm tại đây, họ bị công ty nợ trợ cấp và lương lên đến hơn 7 tỉ đồng, trong suốt hơn 1 năm rưỡi. Theo các CN chúng tôi đã tiếp xúc, từ sau khi cổ phần hóa, GSG không khởi sắc thêm, đời sống - thu nhập của NLĐ không được nâng lên mà đi xuống theo; các khoản trợ cấp, phúc lợi trước đây cũng bị cắt dần đến sau cùng chỉ còn đồng lương còm! Đến tháng 12-2015, CN đang còn làm việc thì GSG bắt đầu sử dụng khu đất 419 Lê Hồng Phong làm bãi đậu xe. Khi đơn hàng vừa làm xong thì công ty cho CN nghỉ việc hàng loạt ngay trước Tết âm lịch, không báo trước, đa số CN chới với, thưởng Tết hầu như không có gì. Những CN thâm niên mòn mỏi chờ nhận chế độ nghỉ việc. Công ty cứ hứa trả lần lữa mãi nhưng chẳng thấy đâu. Tài sản công ty đã bán hết, chẳng còn gì ngoài mấy dãy nhà trống không, NLĐ sốt ruột. Mặt bằng công ty đem kinh doanh thu lợi rất rõ nhưng lại không chịu giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Chủ sở hữu doanh nghiệp này miệng than thiếu tiền trả cho NLĐ nhưng tay thì làm thủ tục nộp đầy đủ số tiền thuê khu đất là 6,3 tỉ đồng (với hơn 10.000 m2) để chuyển đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản đăng ký tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP.HCM, cho biết: "LĐLĐ TP HCM đánh giá thực chất GSG cố tình trốn tránh trách nhiệm chứ không phải là khó khăn về kinh tế. Do vậy, LĐLĐ TP ra văn bản kiến nghị UBND TP phong tỏa tài sản, không cho GSG chuyển nhượng, đăng ký tài sản bất động sản, cổ phần của công ty trong thời gian chờ tòa án giải quyết dứt điểm vụ án đòi lương, trợ cấp mất việc và thôi việc của NLĐ". Trước động thái kiên quyết này, GSG đành phải thanh toán toàn bộ chế độ cho 263 NLĐ vào tháng 10-2017. |
Theo NLĐ