Khi Shan Junhua mua chiếc Tesla Model X màu trắng, anh biết đây là một mẫu xe rất nhanh, và rất đẹp. Điều anh không biết là Tesla liên tục gửi thông tin về vị trí chính xác của chiếc xe này tới chính phủ Trung Quốc.
Trong bức ảnh chụp ngày 22/6, Shan Junhua nói về quyền riêng tư cạnh chiếc Tesla đang sạc pin ở Thượng Hải. Ảnh: AP. |
Nhưng Tesla không phải duy nhất. Tất cả các hãng sản xuất ôtô điện ở Trung Quốc được yêu cầu làm điều tương tự - cung cấp thông tin định vị từ chiếc xe tới chính phủ nước này. Đây chỉ là một phần của xã hội số không góc khuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới khi khắp cả nước có hàng trăm triệu camera kiểm soát hơn 1,4 tỷ dân.
"Tôi không biết điều này", Shan nói. "Tesla có thể có thông tin đó, nhưng tại sao họ lại chuyển tới chính phủ? Đó là quyền riêng tư".
Hơn 200 hãng sản xuất, gồm Tesla, Volkswagen, BMW, Daimler, Ford, GM, Nissan, Mitsubishi và kể cả một startup là NIO, cũng gửi thông tin định vị và cả chục điểm dữ liệu khác tới các trung tâm giám sát của chính phủ, theo AP. Thường thì việc này được thực hiện mà các chủ xe không hề hay biết.
Ding Xiaohua, giám đốc Trung tâm giám sát, đang trả lời phỏng vấn trước màn hình hiển thị dữ liệu ở Thượng Hải. Ảnh: AP. |
Thực tế, nhân viên tại các trung tâm giám sát có một bản đồ thời gian thực của tất cả xe dùng loại nhiên liệu mới trên khắp Trung Quốc. Chỉ cần nhấn nút, họ có thể chọn một chiếc xe nào đó và nhận được thông tin như thương hiệu và mẫu mã, quãng đường đã đi hay thậm chí tình trạng pin.
Thông tin từ xe ban đầu được gửi lại cho hãng sản xuất. Các hãng sau đó gửi ít nhất 61 điểm dữ liệu tới các bộ phận giám sát địa phương trên khắp Trung Quốc.
Nhưng thông tin không được chia sẻ cho cảnh sát hay các công tố viên, theo nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu, Giám sát, Thu thập dữ liệu công cộng xe điện Thượng Hải. Tuy nhiên, những dữ liệu đó lại có thể được cung cấp cho các công ty an ninh chính phủ nếu được yêu cầu.
Các hãng xe nói rằng họ chỉ đơn thuần tuân theo quy định của nước sở tại - và chỉ áp dụng với dòng xe dùng nhiên liệu thay thế. Giới chức Trung Quốc cho biết dữ liệu được sử dụng để phân tích nhằm cải thiện sự an toàn công cộng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp và quy hoạch hạ tầng, đồng thời ngăn chặn việc gian lận của những chương trình trợ cấp.
Nhưng các quốc gia khác, những thị trường chính của xe điện - như Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Âu - không thu thập dạng dữ liệu thời gian thực này.
Một người đàn ông đang đứng gọi điện cạnh mẫu ôtô điện thuộc thương hiệu Mỹ Tesla. Thường thì các chủ xe không biết gì về việc gửi thông tin cá nhân từ chiếc xe tới chính phủ Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Các nhà phê bình nói rằng thông tin được thu thập ở Trung Quốc nằm ngoài sự cần thiết mà mục tiêu của chính phủ đặt ra. Thông tin có thể được sử dụng không chỉ để xác định vị trí cạnh tranh của các hãng xe nước ngoài, mà còn để giám sát.
Ngoài ra là lo lắng rằng những quy định này sẽ đặt ra tiền lệ về việc chia sẻ dữ liệu của những mẫu xe kết nối thế hệ tiếp theo, khi thông tin cá nhân quá riêng tư cũng sớm bị chia sẻ.
"Bạn đang biết rất nhiều về hoạt động hàng ngày của người khác và nó trở thành một phần của thứ mà tôi gọi là sự giám sát khắp nơi. Rất nhiều việc bạn làm đang được ghi lại và lưu giữ với khả năng có thể được sử dụng nhằm tác động lên chính cuộc sống và sự tự do của bạn", Michael Chertoff, cựu bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ của chính quyền Bush nêu rõ.
Theo VNE