Giải pháp nào cho vụ Thủ Thiêm? 6 "công thức" sai phạm trong vụ Thủ Thiêm

Thứ tư, 05/12/2018, 08:13
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đến nay Ban Thường vụ thành ủy đã họp 10 phiên, thông qua các định hướng, giải pháp do UBND TP.HCM trình. Dự án Thủ Thiêm đã trải qua 22 năm kể từ khi Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 1996. Khi Thanh tra chính phủ đã có kết luận thì đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng. Việc gì thành phố làm đúng thì tiếp tục làm. Việc gì sai thì phải sửa.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhiều lần gặp gỡ bà con Thủ Thiêm

“Trong kết luận của thanh tra yêu cầu thành phố làm rõ trách nhiệm các cán bộ liên quan các thời kỳ. Thực hiện vấn đề này, trong tháng 11, Ban thường vụ và Ban thường trực thành ủy đã có 3 cuộc làm việc với các chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP.HCM 5 nhiệm kỳ liên tiếp. Các đồng chí đó nghe kết luận của thanh tra chính phủ và kiểm điểm làm rõ cái gì làm đúng, cái gì mình làm sai và phải khắc phục. Cuộc làm việc liên quan đến Thủ Thiêm gần đây nhất là vào sáng chủ nhật vừa qua. Trên cơ sở đó Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM tiếp tục hoàn thiện các kiến nghị và giải pháp giải quyết khiếu kiện của người dân sau đó báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Cái gì thuộc trách nhiệm thành phố thì thành phố triển khai, cái gì giải quyết gắn với Trung ương thì báo cáo Trung ương”, ông Nhân nêu rõ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết tháng 9 vừa qua, khảo sát thấy bà con Thủ Thiêm tạm cư nhiều năm, cuộc sống khó khăn, thành phố thống nhất chủ trương mời bà con từ nơi tạm cư tạm bợ lên chung cư tái định cư điều kiện sống tốt hơn để ở trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại. Nhiều hộ đã chuyển lên chung cư tái định cư nhưng vẫn còn một số hộ ở lại vì nhiều lý do.

Ông Nhân cũng thẳng thắn nêu ra vừa qua có nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đến làm việc với thành phố và cũng phát hiện ra nhiều sai phạm và có trường hợp cán bộ sai phạm đã bị xử lý kỷ luật.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, các sai phạm nói trên rất dễ nhận ra. Có 6 “công thức” dẫn đến sai phạm. Thứ nhất, khi giao đất cho nhà đầu tư thì không đấu thầu mà chỉ định, trong khi luật pháp quy định là phải đấu thầu.

Thứ hai,  giao đất nhưng giá đất tính quá rẻ, trong khi theo quy định giá đất phải do hội đồng thẩm định giá. Đã có một số dự án giao đất giá rẻ, có vi phạm bị xử lý.

Thứ ba, khi doanh nghiệp làm dự án và thành phố thanh toán lại thì việc xác định tổng mức đầu tư không đúng, cụ thể là cao quá, gây thiệt hại nhà nước.

Thứ tư,  khi doanh nghiệp cần tăng vốn đầu tư phải bán cổ phần thì bán với giá bèo. Bán cổ phần quy định là phải công khai, theo giá cạnh tranh. Giá khởi điểm phải do cơ quan chức năng xác định nhưng tư vấn lại xác định giá thấp quá. Thứ năm, dự án vẫn triển khai nhưng máy móc thiết bị không đúng như cam kết ban đầu nên giảm chi phí và chất lượng sản phẩm giảm.

Sai phạm này phát hiện không quá phức tạp nhưng vẫn để xảy ra. Thứ sáu là quy trình triển khai dự án không đúng quy định. Chưa có dự án được phê duyệt vẫn giao đất thì điều đó là sai.

“Nếu có ý thức tránh 6 công thức này thì công chức yên tâm làm việc. Bài học các dự án BT bị dừng, thành phố có sai phạm bị xử lý thì cán bộ công chức phải tránh xa 6 công thức này, nếu không tránh được thì tốt nhất chuyển sang khu vực khác vì làm cán bộ công chức phải trên tinh thần tự nguyện”, ông Nhân nói.

Giải quyết oan sai phải đúng luật

“Mình làm ngược đi sẽ càng làm vụ việc phức tạp thêm. Chính quyền thành phố cam kết làm đúng pháp luật nhưng cần thời gian xác nhận hiện trạng, nhất là chính sách. Quá trình làm, những chính sách áp dụng là chưa từng có. Trong khi làm phải hỏi ý kiến các bộ, ngành và trình HĐND TP.HCM vì phải dùng ngân sách. Làm chậm mà đúng pháp luật vẫn hơn là làm vội vàng rồi sau đó phải tiếp tục sửa sai. Mình giải quyết đúng luật pháp, đúng lợi ích của người dân và không để người dân khổ thêm. TP.HCM sẽ cố gắng hết sức để yên dân Thủ Thiêm”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn