Thủ tướng: "Việt Nam đã là công xưởng lớn của thế giới'"

Thứ ba, 04/12/2018, 16:13
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự hiện diện của những tập đoàn FDI lớn là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư Việt Nam.

Tham dự tới phút cuối Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ngày 4/12, ông Phúc cho biết đã ghi chép không sót một ý nào những tham vấn, góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, đối tác và giao Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp, báo cáo. Ông coi việc lắng nghe ý kiến doanh nghiệp cũng là một biện pháp cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp.

"Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào trong các chương trình nghị sự của mình. Phải đưa vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông nhấn mạnh, Việt Nam giờ đã là một "công xưởng lớn" của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike, Vinacapital và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác, theo Thủ tướng, là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới với hơn 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự VBF 2018 sáng 4/12.

Trước sự dịch chuyển của thương mại toàn cầu đang diễn ra, Thủ tướng cho rằng, cần xem đây là sự chuyển động tự nhiên của những dòng hải lưu và tận dụng nó để "tới đích nhanh hơn".

Trong xu thế này, mỗi doanh nghiệp không nhất thiết phải mạnh tuyệt đối mới có thể chiến thắng mà chỉ cần biết phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối của mình, phát huy sức mạnh riêng có, tạo nên những giá trị khác biệt thì hoàn toàn có thể thành công.

Nhắc tới Nghị quyết 139 về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp Chính phủ vừa ban hành, ông Phúc ước tính10% chi phí có thể cắt giảm nhờ chương trình này. Không dừng lại ở đó, Chính phủ sẽ ưu tiên hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.

Nhắc tới sự chênh lệch lớn giữa các lĩnh vực, địa phương trong kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, có rất nhiều cải thiện nhưng không gian cải cách vẫn còn rất lớn.

Ông đơn cử, đa số bộ ngành hoàn thành yêu cầu cắt giảm và đơn giản hoá tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh tính đến 31/10. Tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy, vẫn có 58% doanh nghiệp đang phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó gặp khó khăn khi xin phép.

Việc nộp thuế của doanh nghiệp đã thuận lợi hơn rất nhiều, chủ yếu do ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng tình trạng quy định pháp luật thuế thiếu rõ ràng, gây ra cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế vẫn còn nhiều;

Đồng chủ tịch VBF cho rằng, cần nghiên cứu để có cơ chế giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Cụ thể là cần có một cơ quan, tổ chức độc lập khách quan giám sát quá trình giải quyết, đồng thời cần có đánh giá công khai kết quả giải quyết vướng mắc từ các doanh nghiệp.

Tiếp lời sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ tiếp tục quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy. Nhưng nỗ lực từ một phía là chưa đủ, mà cần sự chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích