Trong một thông báo khẩn cấp cho Hạ viện, Thủ tướng Theresa May thừa nhận thỏa thuận mà bà đạt được với các lãnh đạo EU vào tháng trước nhiều khả năng sẽ bị từ chối thông qua nếu nó được trình lên Quốc hội Anh vào ngày 11/12 theo kế hoạch.
Bà May cho biết bà sẽ hoãn việc đưa thỏa thuận này ra Quốc hội để tìm kiếm "những sự bảo đảm" từ phía EU và sau đó sẽ đem nó quay trở lại điện Westminster, nơi lưỡng viện Quốc hội Anh nhóm họp. Mặc dù vậy Thủ tướng Anh không hề nêu một mốc thời gian cụ thể nào, trong khi nước Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Quốc hội sau khi đạt được thỏa thuận Brexit với các lãnh đạo EU vào tháng trước. Bà May đã từng tuyên bố: "Hoặc là thỏa thuận của tôi, hoặc là không có thỏa thuận nào cả" để gây sức ép với các thành viên Quốc hội. Ảnh: AP. |
Quyết định này của bà May đã gây nên phản ứng dữ dội từ các thành viên Công đảng đối lập, thậm chí ngay cả các thành viên đảng Bảo thủ cũng không thể tin nổi điều này. Nhiều ý kiến cho rằng bà May đã giẫm đạp lên nền dân chủ nghị viện.
Lãnh đạo Công đảng ông Jeremy Corbyn tuyên bố: "Chính phủ đã mất kiểm soát với những sự kiện diễn ra và nó đang bị xáo trộn hoàn toàn".
Ông Jacob Rees-Mogg, một thành viên đảng Bảo thủ phản đối bà May, cũng thể hiện sự thất vọng trước đống hỗn loạn mang tên Brexit.
"Đây không phải là một chính phủ làm việc, đây là một đống bùn lầy xấu xí", ông Rees-Mogg nhận xét.
Đây được coi là một thất bại mới với Thủ tướng Theresa May, người đến nhà số 10 phố Downing (Dinh Thủ tướng Anh) sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vào năm 2016. Từ đó đến nay, bà May đã hết sức chật vật trong việc chèo lái nước Anh rời khỏi EU, đầu tiên là quá trình dai dẳng để đàm phán một thỏa thuận với Brussels, và bây giờ là làm sao để thỏa thuận này được Quốc hội Anh thông qua.
Bà May cho rằng thỏa thuận mà bà đạt được với các lãnh đạo EU sau 1 năm rưỡi đàm phán là "thỏa thuận tốt nhất có thể đạt được", nhưng nó đã nhận nhiều ý kiến chỉ trích dữ dội trong nước.
Trong lần phát biểu gần đây nhất của bà May trước Quốc hội, cả khán phòng đã cười vang khi thủ tướng Anh tuyên bố có nhiều phần trong thỏa thuận Brexit của bà "nhận được sự ủng hộ rộng lớn".
Tòa án Công lý châu Âu ở Luxembourg ngày 10/12 đã tuyên bố nước Anh có thể thay đổi ý định về Brexit, khiến những Anh muốn ở lại với EU có thêm hy vọng và kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Ảnh: AP. |
Phe ủng hộ Brexit cho rằng thỏa thuận của bà May khiến nước Anh bị ràng buộc quá nhiều vào EU, trong khi những người ủng hộ ở lại cho rằng thỏa thuận này đã dựng lên những rào chắn giữa nước Anh với đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Nếu thỏa thuận của bà May bị Quốc hội Anh từ chối, Thủ tướng May nhiều khả năng sẽ từ chức, quá trình đàm phán với EU sẽ bắt đầu lại từ con số 0 và chính phủ mới sẽ có khoảng 20 ngày để đạt được một thỏa thuận Brexit mới với Brussels.
Theo Zing