Thủ tướng Anh thuyết phục được nội các ủng hộ thỏa thuận Brexit

Thứ năm, 15/11/2018, 10:46
Thủ tướng Anh Theresa May ngày 14/11 đã thuyết phục thành công nội các ủng hộ bản dự thảo thỏa thuận "chia tay" với Liên minh châu Âu (EU) dù còn nhiều ý kiến phản đối.

Thủ tướng May ca ngợi sự ủng hộ là "bước đi mang tính quyết định" hướng đến việc hoàn thành thỏa thuận rời EU một cách có trật tự, theo AP.

"Tôi tin tưởng, với tất cả khối óc và trái tim, đây là quyết định tốt nhất cho lợi ích của nước Anh", bà thông báo sau cuộc họp kéo dài gần 5 tiếng với nội các tại tòa nhà số 10 Phố Downing.

Bà May không tiết lộ dự thảo có được toàn bộ các thành viên chính phủ ủng hộ hay vẫn còn các thành viên phản đối.

Thủ tướng Anh Theresa May đêm 14/11 thông báo dự thảo thỏa thuận Brexit đã nhận được sự ủng hộ của nội các. Ảnh: AP.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit phía EU, ông Michel Barnier, cũng khẳng định quá trình thương lượng đã đạt được tiến triển rõ rệt. Điều này báo hiệu các lãnh đạo EU giờ đã có thể triệu tập thượng đỉnh vào cuối tháng để thông qua thỏa thuận Brexit.

"Chúng ta đã cùng nước Anh tìm ra một giải pháp để tránh biên giới cứng trên đảo Ireland", ông Barnier cho biết.

Vật cản lớn nhất trong đàm phán Brexit gần 17 tháng qua chính là bài toàn thiết lập chốt hải quan hoặc các loại chốt kiểm soát dọc theo biên giới lãnh thổ Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU hay không.

Anh và EU đều đồng ý sẽ không lập nên các rào cản tại khu vực biên giới, tránh gây rối loạn hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân ở hai phía. Việc không thiết lập biên giới cứng cũng nhằm bảo vệ thành quả của tiến trình đàm phán hòa bình đầy khó nhọc, chấm dứt bạo lực tại Bắc Ireland với thỏa thuận Belfast năm 1998.

Đàm phán Brexit sau 17 tháng cam go đã tìm ra giải pháp để tránh thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland. Ảnh: AP.

Hiện dự thảo thỏa thuận Brexit của nữ thủ tướng Anh vẫn vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt từ các đối thủ chính trị. Nhiều nghị sĩ ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ của bà Theresa May cho rằng thỏa thuận sẽ biến Anh thành quốc gia lệ thuộc, chịu những luật lệ của EU nhưng lại không có tiếng nói để điều chỉnh.

Sau khi được EU chấp thuận, thỏa thuận của bà May sẽ cần có thêm sự phê chuẩn của Quốc hội Anh để có thể đi vào hiệu lực. Nhiều nghị sĩ ủng hộ Brexit lẫn những người ủng hộ ở lại EU đã cảnh báo sẽ bỏ phiếu phản đối.

Những người ủng hộ Brexit công kích thỏa thuận, không muốn nước Anh tiếp tục bị ràng buộc bởi EU và không thể xây dựng một chính sách thương mại độc lập. Trong khi đó, những người ủng hộ EU lại cho rằng người dân Anh cần được bỏ phiếu thêm lần nữa để quyết định lại về Brexit.

Các lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ tổ chức thượng đỉnh vào cuối tháng 11 hoặc tháng 12 để xem xét các tiến triển mới của đàm phán, hy vọng tránh kịch bản nước Anh rời EU "tay trắng" vào ngày 29/3/2019, gây nên hỗn loạn về kinh tế và hải quan tại châu Âu.

Sau đó, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng để tái đàm phán thương mại với EU.

Theo Zing

Các tin cũ hơn