Ca hiến ghép 7 tạng do 500 bác sĩ phẫu thuật 'đi vào lịch sử ngành y Việt Nam'

Thứ năm, 27/12/2018, 12:48
Bộ Y tế đánh giá ca ghép 7 tạng từ một người hiến, với 100% bác sĩ Việt Nam thực hiện, là sự kiện tiêu biểu ngành y trong năm.

Chiều 26/12, Bộ Y tế công bố 9 sự kiện y tế tiêu biểu trong năm 2018. Ca hiến - ghép 7 tạng hôm 12/12 được đánh giá "ghi vào lịch sử ngành y tế Việt Nam".

Người hiến tạng là anh Dương Hồng Quý ở Ninh Bình, chết não do phình động mạch não. 500 bác sĩ tham gia 6 kíp mổ lấy và ghép tạng ngày 12/12. Họ đều là các bác sĩ Việt Nam, trong khi các ca ghép tạng lớn trước đây tiến hành với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài.

Ca hiến ghép tạng này cũng đồng thời lập được nhiều kỷ lục. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đồng thời lấy 6 tạng từ cùng một người cho chết não và tiến hành ghép cùng một thời điểm cho 5 bệnh nhân. Một quả thận được điều phối vào TP.HCM ghép cho bệnh nhi suy thận ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Em bé này trở thành bệnh nhi đầu tiên ghép thận từ người cho chết não.

Đây cũng là ca đầu tiên bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não.

Mô tạng thứ 7 của anh Quý là mạch máu được lưu trữ trong Ngân hàng mô, chiều 26/12 đã được ghép nối dài cho một bệnh nhân đang ghép gan.

Sau hai tuần, tất cả các tạng ghép đều tiến triển thuận lợi trong cơ thể người mới.

Nụ hôn cuối cùng của người vợ từ biệt chồng trước khi thực hiện nguyện vọng hiến tạng cứu người của anh.  Ảnh: Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia.

Nụ hôn vĩnh biệt của vợ anh Quý trước khi bác sĩ đưa anh sang phòng mổ lấy tạng.  Ảnh: Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia.

Ngoài ra, Bộ Y tế đánh giá "vài thay đổi tích cực của ngành y" năm nay. Trong đó có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế vượt chỉ tiêu. Tính đến ngày 31/12, trên 82 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 87,5% dân số.

Bộ Y tế đã cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. 98% lô hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý không thông qua kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu. Nhờ cắt giảm thủ tục hành chính, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được hơn 8,5 triệu ngày công và trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Một thay đổi nữa của ngành y trong năm là đã sản xuất được vắcxin cúm mùa 3 trong 1 gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là các loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí điều trị.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích