Xác ướp trong băng - những di vật hé lộ giữa hiểm họa băng tan Bắc Cực

Thứ hai, 04/03/2019, 11:43
Băng tan là dấu hiệu đáng lo ngại của sự ấm lên toàn cầu, nhưng ở Bắc Cực, đây cũng là cơ hội quý giá cho các nhà khảo cổ tìm thêm những cổ vật.

Kể từ mùa hè năm 2006, gần 3.000 bằng chứng khảo cổ đã xuất hiện do băng tan ở tỉnh Oppland, phía Bắc Na Uy, bao gồm áo choàng từ thời kỳ đồ sắt, mũi tên 1.500 tuổi và chiếc giày 3.400 tuổi, theo CNN.

Tại đây, một chương trình khảo cổ có tên “Bí mật của băng” đang ghi lại những phát hiện về các cổ vật đã được băng tuyết chôn vùi và bảo vệ.

Mũi tên 1.500 tuổi được tìm thấy năm 2018 gần tảng băng đang tan tại nơi từng là khu vực săn tuần lộc. (Ảnh: Chương trình Khảo cổ Sông băng Oppland.)

Thay vì phải đào bới như các nhà khảo cổ truyền thống khác, các nhà khảo cổ ở Oppland chỉ khảo sát các cánh đồng băng xem cổ vật nào hiện lên sau khi băng tan chảy.

Các sông băng ở Na Uy đã tan chảy nhanh hơn trong thế kỷ 21 do nhiệt độ tăng. Sự thay đổi khí hậu này giúp các nhà khảo cổ có những phát hiện thú vị, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ phá hủy các di tích cổ trước khi họ có cơ hội tìm hiểu chúng.

Xương sọ một con ngựa thồ, từ cách đây 300 năm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của ngựa thồ nơi từng có con đường đi từ núi xuyên qua băng. (Ảnh: Chương trình Khảo cổ Sông băng Oppland.)

Bí mật của băng

“Các dòng sông băng đang tan chảy một cách báo động do thời tiết ngày càng ấm, ít tuyết và nhiều mưa hơn, và qua đó làm lộ ra những di tích khảo cổ nằm sâu trong băng trong nhiều thế kỷ, thậm chí thiên nhiên kỷ”, Vibeke Vandrup Martens, nhà khảo cổ ở Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Na Uy, nói với CNN.

Bà nói một khi các di tích tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và khí oxy, chúng sẽ bắt đầu xuống cấp.

“Ở các điểm nghiên cứu của chúng tôi, băng tan rất nhanh, và từng bằng chứng về lịch sử loài người được hé lộ, quay ngược thời gian”, Lars Pilø, giám đốc chương trình “Bí mật của băng”, nói với CNN.

Chương trình đã tìm ra hàng nghìn di tích, bao gồm nhiều di tích cho chúng ta thấy người sinh sống trong khu vực này mặc áo choàng, săn tuần lộc và trượt tuyết trên dốc.

Một số địa điểm khảo cổ lớn đến mức các chuyên gia phải khảo sát nhiều tuần. Họ cắm trại gần đó. (Ảnh: Chương trình Khảo cổ Sông băng Oppland.)

Hé lộ xác ướp

Pilø nói phát hiện lý tưởng nhất sẽ là xác ướp trong băng, tương tự như xác ướp tự nhiên cổ nhất Châu Âu được đặt tên “Ötzi người Băng”. Xác ướp này khoảng 5.300 tuổi, được tìm ra năm 1991 trên dãy Alps tại biên giới giữa Áo và Italy. Nhiều nhà khoa học cho rằng xác ướp này được hé lộ do sự biến đổi khí hậu.

Mặc dù Pilø cho rằng khả năng phát hiện ra xác ướp trong băng là thấp, nhưng “bộ dụng cụ” chuyên dùng để đào và vận chuyển xác ướp vẫn được chuẩn bị dự phòng tại nơi làm việc của các nhà khoa học.

Xác ướp “Ötzi người Băng” được trưng bày trong Bảo tàng Khảo cổ Bolzano ở Italy. (Ảnh: AFP.)

Khó có thể dự đoán các di tích quý giá như xác ướp trong băng sẽ còn được “bảo quản” bao lâu nữa trong băng. Giáo sư Atle Nesje từ Đại học Bergen tin rằng khoảng 90% sông băng ở Na Uy sẽ tan chảy đến cuối thế kỷ này.

“Các nghiên cứu thực địa sẽ tiếp tục chừng nào vẫn còn băng trên núi”, Pilø nói với CNN. “Làm công việc này, tôi thường cảm thấy không yên lòng”.

“Chắc chắn luôn có sự khẩn trương”, Martens nói với CNN. “Nếu các nhà khảo cổ không làm gì, các di tích, di chỉ khảo cổ là tài sản của cả cộng đồng có thể sẽ bị mất vĩnh viễn, mà không được ghi chép lại”.

“Chúng ta có lẽ đang mất đi một vài địa điểm khảo cổ và ít nhất 100 bằng chứng khảo cổ ở Na Uy mỗi năm”, bà nói. “Chúng ta không thể để mất những phần quan trọng của lịch sử như vậy”.

Ván trượt tuyết tiền sử và trung cổ đã được hé lộ nhờ băng tan. Chiếc ván này được xác định thuộc về khoảng năm 700 sau Công nguyên. (Ảnh: Chương trình Khảo cổ Sông băng Oppland.)

Bắc Cực ấm lên đe dọa di sản bên dưới

Ngoài việc làm tan băng và đe dọa các di tích khảo cổ nằm trong các cánh đồng băng, biến đổi khí hậu đang gây ra những vấn đề khác cho Vòng Bắc Cực.

“Bắc Cực từng là nơi bảo tồn tuyệt vời cho các di tích khảo cổ, do khí hậu lạnh”, Jørgen Hollesen, nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch. “Nhưng trong những thập kỷ gần đây, Bắc Cực đã ấm lên nhanh gấp đôi trung bình toàn cầu”.

Hollesen là một trong những tác giả của nghiên cứu năm 2018 cho biết có khoảng 180.000 địa điểm khảo cổ được đăng ký ở Bắc Cực. Những địa điểm này từ thời kỳ đồ đá đến thời Trung cổ và thời kỳ gần đây hơn, bao gồm các khu định cư, nghĩa trang, nhà thờ và các làng chài của các tộc người Bắc Âu, Châu Âu, Inuit và Sami.

Tuần lộc thường chạy lên vùng tuyết và băng vào những ngày hè để tránh sự làm phiền của côn trùng. Thợ săn thời xa xưa biết điều đó và đi theo để săn tuần lộc, vì vậy nhiều dụng cụ săn bị chôn vùi trong tuyết. (Ảnh: Chương trình Khảo cổ Sông băng Oppland.)

Nhưng nghiên cứu này cảnh báo các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu đang phá hủy một loạt các di tích văn hóa ở đây.

Theo bà Martens, đồng tác giả nghiên cứu trên, đe dọa chính từ biến đổi khí hậu ở Bắc Cực là xói mòn bờ biển và lở đất. “Lớp băng vĩnh cửu đang tan, băng trên biển cũng đang tan chảy, cho phép sóng và bão tiếp xúc trực tiếp với bờ biển”, bà nói.

Một vài địa điểm khảo cổ dọc bờ biển ở Bắc Alaska đã bị cuốn ra biển vì hiện tượng xói mòn bờ biển. Nước biển dâng cao và bão thường xuyên hơn được dự báo sẽ khiến vấn đề này trầm trọng hơn.

Mũi tên thời kỳ Viking được tìm thấy ở vùng núi Jotuheimen ở phía Đông Na Uy. Gần 70 mũi tên đã được tìm thấy ở địa điểm này, chiếc cổ nhất tận 6.000 năm tuổi. (Ảnh: Chương trình Khảo cổ Sông băng Oppland.)

“Mỗi hiện tượng sẽ có những ảnh hưởng khác nhau, và thời gian tác động có thể nhiều ngày hay nhiều thập kỷ, thậm chí là thế kỷ”, Hollesan nói. “Vì vậy, một số di chỉ đang bị đe dọa trực tiếp, và một số khác lại an toàn”.

Trong nghiên cứu của mình, Hollesan và Martens nói chúng ta nên tìm cách nhận dạng và theo dõi những địa điểm có nguy cơ cao nhất, và cần có thêm quỹ cho các chương trình bảo tồn khảo cổ.

“Các di chỉ khảo cổ lưu giữ những tri thức không thể thay thế về con người và môi trường trong quá khứ, bao gồm cả hiện vật lẫn bằng chứng về môi trường”, Hollesan nói. “Vì vậy mà đây là vấn đề khẩn cấp”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn