Chia tài sản theo tỷ lệ 6/4, giao Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý: Vì sao bà Thảo thất vọng?

Thứ năm, 28/03/2019, 14:45
Theo phán quyết của Tòa án Nhân dân TP.HCM, bà Thảo sẽ mất toàn quyền điều hành và kiểm soát tại Tập đoàn Trung Nguyên, nơi bà đã gắn bó 20 năm.

Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên bản án sơ thẩm vụ ly hôn và tranh chấp tài sản ở Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo đó, trừ các bất động sản, tài sản còn lại của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên là hơn 7.500 tỷ đồng bao gồm vàng, tiền, ngoại tệ, cổ phần tại các công ty,... Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được hưởng 60% số tài sản, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được 40%.

Như vậy, bà Thảo chỉ còn được hưởng hơn 1.200 tỷ đồng sau khi đã trừ đi hơn 1.760 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng mà bà đứng tên.

Trong khi các phiên Tòa trước, phía bà Thảo liên tục khẳng định nếu xác định số tiền để chia thì phải xác định hiện tại còn hay không chứ không thể chọn thời điểm trong quá khứ. Hiện số tiền trong các tài khoản ngân hàng không còn trong tài khoản nên không thể đưa vào giải quyết trong vụ án này được.

Ngoài ra, đối với việc tranh chấp cổ phần tại 7 công ty, bà Thảo đề nghị cho bà sở hữu 51%, ông Vũ nắm 39% trong Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment); 15% tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và mỗi người 7,5% cổ phần trong Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Riêng 4 công ty còn lại, nguyên đơn đồng ý cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Phiên Tòa ly hôn ngày 27/3 đã phán quyết bà Thảo được hưởng 40% tài sản, ông Vũ được 60% tài sản.

Nếu Tòa chia theo phương án của bà Thảo, sau ly hôn, bà Thảo sẽ nắm 51% còn ông Vũ chỉ còn giữ 40,66% số cổ phần tại Trung Nguyên.

Hiện tại,Trung Nguyên có số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, tương ứng 150 triệu cổ phiếu phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cp), nếu làm phép định giá so sánh sẽ cho ra những con số tương đối.

Với mức lợi nhuận bình quân khoảng 650 tỷ đồng/năm như trong bản phán quyết của Tòa án, lợi nhuận trên mỗi cổ phần của Trung Nguyên là 4.000 đồng. Giả sử với mức định giá thông thường cho các doanh nghiệp cùng ngành với phương pháp giá trên thu nhập (PE) khoảng 20 lần thì mỗi cổ phần Trung Nguyên sẽ có giá 80.000 đồng/cp.

Với giả định như vậy, giá trị của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ được định giá ở mức khoảng 12.000 tỷ đồng. Hơn gấp đôi tổng tài sản của Tập đoàn này. Tuy nhiên, trên đây chỉ là đánh giá sơ bộ khi còn thiếu nhiều dữ liệu để có thể đánh giá toàn diện về giá trị của Tập đoàn này. Đặc biệt là định giá một thương hiệu có tuổi đời hơn 20 năm.

Theo phán quyết này, bà Thảo sẽ mất hoàn toàn quyền điều hành và kiểm soát Trung Nguyên.

Ngoài ra, theo HĐXX, việc chia tài sản trong hôn nhân phải đảm bảo lợi ích bên đang hoạt động sản xuất kinh doanh cần tiếp tục được sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, từ nhiều năm nay, ông Vũ và bà Thảo phát sinh nhiều tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên, gây ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của công ty nên HĐXX đã chấp nhận nguyện vọng của ông Vũ, giao toàn bộ cổ phần chung của vợ chồng tại tập đoàn cho ông Vũ sở hữu.

Đổi lại, ông Vũ sẽ thanh toán giá trị chênh lệch (hơn 1.200 tỷ đồng) cho bà Thảo, nhằm giải quyết dứt điểm tranh chấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Như vậy, sau phán quyết của Tòa và sau khi ông Vũ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, bà Thảo mất hoàn toàn quyền điều hành và kiểm soát tại Tập đoàn Trung Nguyên sau 20 năm gắn bó.

Sau phần phán quyết của Tòa, bà Thảo đã bật khóc và nói: "Bản án quá bất công với mẹ con tôi".

Theo VTC

Các tin cũ hơn