Theo Phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM lên đến 37 độ C trong ngày 28/3.
Nhiệt độ ở các tình Đông Nam Bộ như Bình Dương, Vũng Tàu cũng tương tự TP.HCM, thậm chí tại Đồng Nai nhiệt độ còn lên đến 37,6 độ C.
Nắng nóng kèm theo tia cực tím (UV) đạt mức 12 (mức cao nhất theo thang của Tổ chức Y tế thế giới - WHO là 11+) khiến nhiều người dân lo ngại về vấn đề sức khoẻ.
Nắng nóng gay gắt, tia cực tím vượt ngưỡng ở TP.HCM khiến nhiều người dân phải bịt kín mít khi ra đường. |
Trước tình hình trên, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Châu, Chuyên khoa Da liễu của Bệnh Viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, trong các nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ UV thì các tác hại phổ biến của tia UV với làn da như: Đen, sạm; gây nám, tàn nhang, lão hóa sớm cho da; tăng độ nhạy cảm trên da, khiến da trở nên mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bỏng rát da; gây ra và thúc đẩy bệnh ung thư da.
“Thực tế, ngay cả khi chỉ số tia UV không quá cao, thì vẫn có khoảng 80% người đã bị lão hóa da trong khoảng 20 năm đầu đời, do không được phòng chống tác hại của tia UV đúng cách”, bác sĩ Châu nói.
Theo BS Châu, có nhiều nguyên nhân gây ung thư da, nhưng nguyên nhân hàng đầu là do tiếp xúc quá nhiều với tia UV khiến cấu trúc da bị phá hủy.
“Những người ra nắng nhiều lần hay trong thời gian dài đều có nguy cơ bị ung thư da, đặc biệt nếu da không được che phủ hay bôi kem chống nắng”, bác sĩ Châu cho biết thêm.
Còn bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết khi tia UV trong nắng quá cao, việc tiếp xúc với ánh nắng có thể gây cả dạng tác hại tức thời và tác hại tích lũy trên da. Tác hại tức thời như tình trạng bỏng da, sạm da… Tác hại lâu dài như lão hóa da, ung thư da…
Tiếp xúc với nắng nóng, tia cực tím cao làn da sẽ bị cháy nắng, tổn thương có thể gây ung thư da. |
Thông tin thêm về nhiệt độ tác động đến con người, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, cơ thể người, nhiệt độ phù hợp từ 20°C đến 30°C. Còn trường hợp nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với nhiệt độ trên sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, tùy theo mức độ tiếp xúc với thời tiết nắng nóng ra sao, nhiệt độ môi trường xung quanh như thế nào, thời gian bao lâu, công việc nặng nhọc không… thì các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Theo bác sĩ Hậu, các loại bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra như: Phù do nhiệt; phát ban do nhiệt; chuột rút do nhiệt; ngất xỉu do nhiệt; kiệt sức do nhiệt; sốc nhiệt; đột quỵ do nhiệt.
Để tránh ảnh hưởng sức khoẻ do nắng nóng gây ra người dân nên tránh đi ra đường vào buổi trưa. |
“Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, người dân cần mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h đến 16h.
Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần /giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc", BS Hậu khuyến cáo.
Theo VTC