Số người chết vì đánh bom khủng bố lễ Phục Sinh ở Sri Lanka tiếp tục tăng lên

Thứ ba, 23/04/2019, 15:56
Người phát ngôn cảnh sát Sri Lanka ngày 23.4 thông báo số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom hàng loạt nhà thờ, khách sạn ở nước này tăng lên 321 người, trong đó nhiều người chết do bị thương quá nặng.

Lễ an táng các nạn nhân thiệt mạng tại nghĩa trang gần nhà thờ Thánh Sebastian (một trong số 3 nhà thờ bị đánh bom) tại thị trấn Negombo

Hiện có khoảng 500 người bị thương trong 8 vụ đánh bom liên hoàn tại 4 khách sạn và 3 nhà thờ đang tổ chức thánh lễ vào ngày Phục Sinh tại Colombo và bên ngoài thủ đô, cũng như ở Batticaloa, phía Đông Sri Lanka trong ngày 21.4, theo ông Gunasekera.

Người phát ngôn cho biết thêm có 40 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ tấn công, theo AFP. Hiện vẫn chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Sri Lanka Rajitha Senaratne ngày 22.4 cáo buộc nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước National Thowheeth Jama'ath (NTJ) ít có tiếng tăm được “mạng lưới quốc tế” hỗ trợ đã tiến hành đánh bom hàng loạt này.
Sau đó, một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội với nội dung cho thấy tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm vụ đánh bom hàng loạt nhà thờ, nhưng vẫn chưa được xác thực.
Lực lượng an ninh chốt chặn tại nhà thờ Thánh Anthony (một trong số 3 nhà thờ bị đánh bom) tại thủ đô Colombo, tiến hành nghi lễ 3 phút mặc niệm nạn nhân thiệt mạng
Trong ngày 23.4, Sri Lanka tổ chức quốc tang, với 3 phút mặc niệm dành cho các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom giữa lúc cuộc điều tra tiếp diễn. Lễ an táng các nạn nhân thiệt mạng được tiến hành tại nghĩa trang gần nhà thờ Thánh Sebastian (một trong số 3 nhà thờ bị đánh bom) tại thị trấn Negombo.
Cùng ngày, đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo cảnh báo công dân không nên đến Sri Lanka. “Nếu công dân Trung Quốc nhất quyết đến Sri Lanka, thì điều này sẽ gây khó khăn cho đại sứ quán trong việc hỗ trợ hiệu quả, đảm bảo an toàn do có mối đe dọa an ninh nghiêm trọng”, theo thông báo. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn ở Sri Lanka. Trước đó, Đại sứ quán Mỹ cũng cảnh báo nguy cơ các nhóm khủng bố có thể tiếp tục tiến hành những vụ tấn công ở Sri Lanka.
Trước sự bức xúc của dư luận trong nước, chính phủ Sri Lanka ngày 22.4 gửi lời xin lỗi đến quốc dân và gia đình các nạn nhân vì sự chủ quan trong xử lý thông tin tình báo.
Theo phát ngôn viên Senaratne, nước này đã nhận được cảnh báo từ “một quốc gia” bằng hữu về nguy cơ tấn công hồi đầu tháng 4, sau đó liên tiếp có thêm 2 cảnh báo vào ngày 20.4 và 10 phút trước khi quả bom đầu tiên phát nổ. Các cơ quan tình báo của Ấn Độ và Mỹ thậm chí còn cung cấp một danh sách các nghi phạm, theo đài CNN.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh đã không có hành động cụ thể nào để ngăn chặn. Giới hữu trách cam kết sẽ tiến hành điều tra và không để tình trạng tương tự tái diễn.
Hiện vẫn chưa rõ vì sao chính phủ không có động thái gì sau khi nhận được thông tin tình báo. Tuy nhiên, Sri Lanka lâm vào tình trạng chia rẽ chính trị kể từ cuộc khủng hoảng hồi năm 2018. Khi đó, Tổng thống Maithripala Sirisena cố thay thế Thủ tướng Ranil Wickremesinghe bằng một ứng viên mà ông ưu ái.
Tuy nhiên, ông Wickremesinghe được phục chức hồi tháng 12.2018 sau khi có sự can thiệp từ Tòa án Tối cao, nhưng chính phủ vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc, theo CNN. Người phát ngôn - kiêm Bộ trưởng Y tế Senaratne thừa nhận Thủ tướng dù được phục chức nhưng lại bị loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia nên không được cung cấp bất kỳ báo cáo nào về thông tin tình báo.
Tờ Daily FT đưa tin Quốc hội sẽ được “triệu tập” trong ngày 23.4 để Thủ tướng Wickremesinghe có thể đưa ra phát biểu về vụ tấn công.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn