|
Người dân tham gia nghi lễ 3 phút mặc niệm dành cho nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom tại thủ đô Colombo |
Theo hai quan chức đề nghị không nêu tên, Mỹ đang nắm danh tính một nghi phạm chủ chốt và đang nỗ lực hết sức để xác định quốc tịch, nhân thân, với hy vọng sẽ giúp cung cấp thêm manh mối để điều tra.
Cảnh sát ngày 23.4 thông báo số người chết đã tăng lên 321 người, cùng 500 người bị thương sau 8 vụ đánh bom liên hoàn tại 4 khách sạn và 3 nhà thờ đúng vào ngày Phục Sinh tại thủ đô Colombo và vùng ngoài vi, cũng như ở Batticaloa (miền đông Sri Lanka) trong ngày 21.4.
Theo thông báo cảnh sát, có 40 nghi phạm đã bị bắt giữ, tất cả là người Sri Lanka. Reuters dẫn lời các nguồn tin chính phủ cho biết cảnh sát Sri Lanka đang tạm giữ và thẩm vấn một người Syria.
Một quan chức nắm thông tin về kết quả đánh giá sơ bộ tiết lộ phía Mỹ tin rằng vụ đánh bom Sri Lanka có “dấu diệu” là kiểu tấn công của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do tính chất phức tạp trong việc lên kế hoạch thực hiện.
“Hiện tại, Mỹ đang nỗ lực xác định xem có phải IS đứng sau, hỗ trợ hay chỉ xúi giục tấn công. Liệu rằng các phần tử IS chỉ hỗ trợ từ xa việc lên kế hoạch, tài chính, thiết bị để chế tạo bom, hay đã gặp trực tiếp những kẻ tấn công ở Sri Lanka”, vị quan chức cho biết thêm.
Lễ an táng các nạn nhân thiệt mạng tại nghĩa trang gần nhà thờ Thánh Sebastian (một trong số 3 nhà thờ bị đánh bom) tại thị trấn Negombo |
Vào ngày 22.4, phát ngôn viên chính phủ Sri Lanka Rajitha Senaratne cáo buộc nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước National Thowheeth Jama'ath (NTJ) ít có tiếng tăm được “mạng lưới quốc tế” hỗ trợ đã tiến hành vụ đánh bom hàng loạt này.
Sau đó, một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội với nội dung cho thấy IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom hàng loạt nhà thờ, nhưng vẫn chưa được xác thực.
Vụ đánh bom phơi bày chia rẽ chính trị sâu sắc ở Sri LankaTrước sự bức xúc của dư luận trong nước, chính phủ Sri Lanka ngày 22.4 gửi lời xin lỗi đến quốc dân và gia đình các nạn nhân vì sự chủ quan trong xử lý thông tin tình báo.
Theo phát ngôn viên Senaratne, nước này đã nhận được cảnh báo từ “một quốc gia” bằng hữu về nguy cơ tấn công hồi đầu tháng 4, sau đó liên tiếp có thêm 2 cảnh báo vào ngày 20.4 và 10 phút trước khi quả bom đầu tiên phát nổ. Các cơ quan tình báo của Ấn Độ và Mỹ thậm chí còn cung cấp một danh sách các nghi phạm, theo đài CNN.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh đã không có hành động cụ thể nào để ngăn chặn. Giới hữu trách cam kết sẽ tiến hành điều tra và không để tình trạng tương tự tái diễn.
Hiện vẫn chưa rõ vì sao chính phủ không có động thái gì sau khi nhận được thông tin tình báo. Tuy nhiên, Sri Lanka đã lâm vào tình trạng chia rẽ chính trị kể từ cuộc khủng hoảng hồi năm 2018. Khi đó, Tổng thống Maithripala Sirisena cố thay thế Thủ tướng Ranil Wickremesinghe bằng một ứng viên mà ông ưu ái. Tuy ông Wickremesinghe được phục chức hồi tháng 12.2018 sau khi có sự can thiệp từ Tòa án Tối cao, nhưng chính phủ vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc, theo CNN.
Người phát ngôn chính phủ kiêm Bộ trưởng Y tế Senaratne thừa nhận Thủ tướng Wickremesinghe dù được phục chức nhưng lại bị loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia nên không được cung cấp bất kỳ báo cáo về thông tin tình báo. “Tôi nghĩ rằng đây là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi Hội đồng An ninh Quốc gia không muốn tổ chức cuộc họp theo lệnh điều động của Thủ tướng”, ông Senaratne cho biết thêm.
Tờ Daily FT đưa tin Quốc hội sẽ được “triệu tập” trong ngày 23.4 để Thủ tướng Wickremesinghe có thể đưa ra phát biểu về vụ tấn công. Đáng chú ý là Tổng thống Sirisena kêu gọi quốc tế hỗ trợ tìm kiếm “mạng lưới quốc tế” đứng sau vụ tấn công, nhưng không đề cập đến việc bỏ lọt thông tin tình báo. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, Tổng thống Sirisena đang ở nước ngoài.
|
Theo Thanh Niên