Tối 28/5, cộng đồng mạng Facebook xôn xao thông tin một dự án xây cầu vượt biển Mỹ - Cuba dài 143km có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD (khoảng 840.000 USD/km) và so sánh với dự án Đường sắt Cát Linh dài 13km có tổng vốn đầu tư ban đầu 891,1 triệu USD, đội vốn 339,1 triệu USD mà vẫn lỡ hẹn hoàn công 8 lần.
Các bình luận sau đó đều nói giá thành xây cầu ở Mỹ rất thấp, giá thành xây cầu, đường ở Việt Nam quá cao, cao hơn hàng chục lần...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thông tin về dự án xây cầu vượt biển Mỹ - Cuba dài 143km, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD là không chính xác.
Tìm hiểu về dự án này trên các báo quốc tế, chỉ một đoạn tin ngắn bằng tiếng Pháp trên một trang tin không phổ biến nhắc về dự án đầy tham vọng này từ năm 2015.
Nội dung đoạn tin ngắn cũng không khẳng định 120 triệu USD là tổng số vốn đầu tư cho dự án cầu vượt biển Mỹ - Cuba, mà viết: "Một hợp đồng trị giá 120 triệu USD vừa được ký kết trong thỏa thuận xây dựng do chính quyền Mỹ đề xuất vào năm ngoái..."
"Anh quốc cũng có khoản đầu tư lớn về vốn và nhân công, do nước này có kinh nghiệm tốt hơn trong việc xây dựng cầu cảng. Cây cầu sẽ được thiết kế chống lại bão và các dòng hải lưu mạnh với nhiều dây văng, với tổng chiều dài lên tới 40km”, đoạn tin này viết thêm.
Không có nhiều thông tin về cây cầu dự kiến nối Matanzas (Cuba) qua Vịnh Florida tới Keywest (Mỹ). (Ảnh: Wikipedia) |
Như vậy, thông tin trong đoạn tin ngắn chỉ nói về 1 hợp đồng 120 triệu USD được ký kết trong thoả thuận xây dựng cây cầu nối Floria và Cuba chứ không hề nói hợp đồng xây dựng cây cầu có tổng vốn đầu tư chỉ 120 triệu USD.
Theo tìm hiểu, một thoả thuận đầu tư quốc tế được ký kết thì đảm bảo các quy trình: Nghiên cứu tiền khả thi, Thiết kế kỹ thuật tổng dự toán, Đấu thầu, Thi công.
Như vậy, tại thời điểm đoạn tin trên được phát hành (năm 2015), nếu có, cây cầu nối Cuba và Mỹ mới đang ở bước 1, bước nghiên cứu tiền khả thi, chưa thiết kế, chưa tính tổng dự toán nên chưa thể biết xây cây cầu ấy hết bao nhiêu tiền.
Cho nên nhiều khả năng số tiền 120 triệu USD chỉ là số tiền đầu tư để nghiên cứu tiền khả thi. Số tiền thiết kế còn lớn hơn nhiều lần, còn số tiền để thi công chắc chắn còn lớn hơn hàng chục, hàng trăm lần.
Cộng đồng mạng quốc tế cũng có những phân tích về những khó khăn và tính khả thi trong việc xây dựng cây cầu có ý nghĩa cả về mặt chính trị lẫn kinh tế và xã hội này.
“Độ sâu tối đa của phần Eo biển Florida chạy giữa Florida và Cuba là khoảng 3.000 mét. Đó không phải là độ sâu xây dựng không thể đạt được (một số nền tảng khai thác dầu còn đạt đến độ sâu lớn hơn), nhưng đó là một khó khăn không nhỏ.
Bên cạnh đó, bão chắc chắn là một trở ngại rất lớn mà những nhà thiết kế, thi công sẽ phải được tính đến trong quá trình thi công, và cả khi nó được hoàn tất đưa vào sử dụng. Người ta không thể hình dung sẽ như thế nào nếu tham gia giao thông trên cây cầu dài hơn 140km giữa một cơn bão biển lớn với sức gió cả trăm km/giờ, đặc biệt nếu bạn lái một chiếc xe tải lớn. Ngoài ra còn có những vấn đề khác. Lượng nước di chuyển qua Eo biển là gần 1km³/giây. Điều đó sẽ làm phức tạp kinh khủng quá trình xây dựng", một ý kiến phân tích.
Năm 2017, sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chính quyền mới công bố chính sách với Cuba, theo đó rút lại một phần các thỏa thuận của chính quyền Obama đã ký trước đó mà ông Trump cho là “chính sách một chiều”, dựng lên nhiều rào cản trong quan hệ song phương.
Theo chính sách mới của chính quyền Mỹ, nước này sẽ siết chặt các qui định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến thăm người thân.
Và cũng không có bất cứ thông tin gì về dự án xây dựng cây cầu vĩ đại nối giữa Florida và Cuba nữa.
Theo VTC