Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Sáng 28/5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tại dự thảo, Chính phủ đề nghị được giao thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn. Về vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc quyết định danh mục đầu tư công thể hiện quyền của ĐBQH, đó cũng là trách nhiệm của ĐBQH trước nhân dân.
“Công khai, minh bạch là yêu cầu căn bản, cũng là nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục được cơ chế xin, cho; giảm được gánh nặng cho các địa phương trong đề xuất dự án. Việc trình QH chính là bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh, thành phố; và các ĐBQH có thể trực tiếp tham gia ý kiến và phương án phân bổ cho chính địa phương mình”, bà Mai nói.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần bổ sung, làm rõ nội dung công khai, minh bạch trong dự thảo luật. “Tôi thấy phạm vi công khai minh bạch trong đầu tư công đã bị thu hẹp và nhất là không thể hiện rõ nội dung công khai, minh bạch ngay từ khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, làm mất khả năng tiếp cận thông tin, gây hoài nghi, bức xúc cho nhân dân vùng dự án, chưa bảo đảm nguyên tắc dân biết, dân bàn, có nguy cơ xảy ra tham nhũng trong những khâu này”, ông Hà nói.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà |
Ông Hà cũng yêu cầu bổ sung làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai nội dung đầu tư công vì quy định này còn chung chung, chưa thể hiện rõ theo quy định của pháp luật nào, mang tính hình thức, không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm người đứng đầu và triển khai thực hiện trên thực tế.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề nghị làm rõ 8 vấn đề được cho là đặc thù để bảo đảm hiệu quả đầu tư công nói chung và công khai nội dung đầu tư công nói riêng. Đó là, nguyên tắc đối tượng, thời gian, địa điểm, hình thức, phương pháp, phương tiện, các điều kiện bảo đảm về tổ chức, cán bộ, kinh phí, tiêu chí đánh giá hiệu quả, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. “Do đó, tôi đề nghị bổ sung làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai nội dung đầu tư công, nhất là làm rõ 8 vấn đề đặc thù trên”, ông Hà nói.
Quá nhiều thủ tục hành chính
Đóng góp ý kiến tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, qua lắng nghe các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cơ quan làm công tác quản lý, có chung một vấn đề là Luật Đầu tư công đang có một bước thụt lùi về cải cách, vì vẫn có quá nhiều thủ tục hành chính. Ông Phương lấy ví dụ sân bay Vân Đồn tư nhân làm rất nhanh, rất gọn nhưng các dự án đầu tư công làm quá chậm. Chậm ở đây do vấn đề thủ tục, lên xuống quá nhiều, chưa phân cấp gắn với phân quyền cho các cấp.
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết |
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang ) cho rằng, tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án còn nhiều thiếu sót cần điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư, điều chỉnh nhiều lần và điều chỉnh giá trị lớn, điển hình như kết quả kiểm toán nhà nước đối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần, tăng 147,9 tỷ đồng, dự án ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng 3.956 tỷ đồng. “Do đó, việc điều chỉnh dự án cần phải quy định chặt chẽ, sớm khắc phục tình trạng như hiện nay”, bà Tuyết nói.
Cũng theo bà Tuyết, quy định về việc điều chỉnh dự án hiện còn thiếu chặt chẽ, tạo ra khe hở lách luật. Cụ thể, khi thực hiện sẽ thiếu nhất quán và cũng như cố tình vận dụng để đưa vào “đối tượng là bất khả kháng” để điều chỉnh dự án. Trong thực tế, có những dự án được triển khai tại các địa bàn cơ sở phát sinh rất nhiều vướng mắc, từ khâu lập chương trình dự án đến giải pháp thi công, thiếu sự chủ động tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư thiếu tích cực hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương, nhiều công trình đã rơi vào luẩn quẩn nhiều năm, triển khai chậm và gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) cũng nhận định, thực trạng điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư được thực hiện nhiều lần đối với một dự án, làm thay đổi tính chất, quy mô của dự án, thậm chí không đúng mục tiêu dự án ban đầu đề ra, do đó cần quy định trường hợp nào được phép điều chỉnh, tránh tình trạng điều chỉnh tùy tiện, liên tục đã xảy ra trong thời gian qua. “Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định khống chế tỷ lệ tăng mức vốn đầu tư để thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, ví dụ: không quá 20% tổng mức đầu tư ban đầu, tránh tình trạng có những dự án sau nhiều lần điều chỉnh, tăng lên nhiều lần, thậm chí trăm lần”, ông Sơn đề nghị.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị, cần bổ sung làm rõ tiêu chí và thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công khẩn cấp. Theo ông Hà, dự thảo luật tuy đã giải thích về “dự án đầu tư công khẩn cấp” nhưng quy định này chưa rõ dẫn đến nguy cơ lách luật, lạm quyền, tham nhũng. Cũng theo ông Hà, vấn đề đánh giá hiệu quả về kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công là quan trọng.
Thực tế cho thấy không ít dự án đầu tư công kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng an cư, sinh kế và suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân vùng dự án, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng như dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ, dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.
“Để chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công, củng cố niềm tin và bảo đảm an sinh của cử tri, của nhân dân, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu qủa đầu tư công, đồng thời rà soát luật chuyên ngành khác, nhất là Luật Xây dựng để bổ sung quy định về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án thuộc loại này...”, ông Hà nói.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang ) cho rằng, tình trạng khảo sát, lập và phê duyệt dự án còn nhiều thiếu sót cần điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư, điều chỉnh nhiều lần và điều chỉnh giá trị lớn, điển hình như kết quả kiểm toán nhà nước đối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần, tăng 147,9 tỷ đồng, dự án ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng 3.956 tỷ đồng. “Do đó, việc điều chỉnh dự án cần phải quy định chặt chẽ, sớm khắc phục tình trạng như hiện nay”, bà Tuyết nói. |
Theo Tiền Phong