Sáng 29/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi).
Trong số nội dung mới của dự Luật này có quy định về thời gian nghỉ Tết Âm lịch. Theo đó, Chính phủ đề xuất Tết Âm lịch nghỉ 5 ngày, trường hợp ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ Tết Âm lịch thì Quốc hội lựa chọn hai phương án: Một là không nghỉ bù (chỉ nghỉ 5 ngày); hai là giữ như hiện hành, người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp (có thể nghỉ đến 7 ngày).
Theo bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội, qua thảo luận cơ quan này thấy rằng, quy định về nghỉ Tết Âm lịch đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc trên thực tiễn. "Chúng tôi đề nghị kế thừa quy định hiện hành", bà Thuý Anh nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội). |
Cũng trong dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7). Bà Thuý Anh nói, hiện có 3 nhóm ý kiến khác nhau với đề xuất này.
Đầu tiên là những đại biểu ủng hộ việc bổ sung thêm một ngày nghỉ trong khoảng thời gian từ 2/5 đến 1/9 và đề nghị lấy ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 Dương lịch) làm ngày nghỉ lễ.
Tiếp theo là nhóm ý kiến tán thành đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào ngày Thương binh, liệt sĩ như tờ trình của Chính phủ.
Cuối cùng là nhóm ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vì chưa có đánh giá tác động chính sách.
"Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này", bà Thuý Anh nói.
Về tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung nói Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
"Phương án một là cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi", ông Dung nói.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thuý Anh cho rằng đề xuất trên chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới.
Để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, Uỷ ban về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác.
Ngoài ra, Uỷ ban này cũng đề nghị Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của những người trong diện chịu sự tác động để lựa chọn phương án tối ưu; rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi).
Theo VNE