|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Khu Phi quân sự (DMZ) liên Triều hôm 30/6. (Ảnh: NYTimes). |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/6 gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ). Sau khi đặt chân sang lãnh thổ Triều Tiên và hội đàm với Kim Jong-un, ông thông báo hai bên đã thống nhất nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa. Lập tức, các quan chức trong chính quyền Trump bắt đầu tranh cãi về việc nên đưa ra các yêu cầu với lãnh đạo Triều Tiên thế nào trong khi chuẩn bị khôi phục các cuộc thảo luận về vấn đề hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Johon Bolton, người có quan điểm hiếu chiến nhất trong chính quyền Trump, hôm qua phản ứng giận dữ trước bài viết trên tờ New York Times về khả năng một thỏa thuận đóng băng các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên sẽ ra đời nhờ sự nhượng bộ từ phía Mỹ.
Nhiều quan chức Mỹ coi việc đóng băng chương trình hạt nhân là bước đầu tiên hướng tới một thỏa thuận toàn diện hơn để lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Bolton lâu nay vẫn nhấn mạnh rằng Triều Tiên phải dỡ bỏ chương trình hạt nhân và giao nộp toàn bộ kho đầu đạn của mình trước khi nhận được bất kỳ "phần thưởng" nào.
"Không ai trong Hội đồng An ninh Quốc gia hay tôi từng thảo luận hay nghe thấy về mong muốn 'đi đến thỏa thuận đóng băng hạt nhân với Triều Tiên'. Đây là một nỗ lực đáng trách nhằm gây khó khăn cho Tổng thống", Bolton viết trên Twitter về bài báo. "Họ phải nhận hậu quả".
Nhưng hàng loạt quan chức cấp cao trong chính quyền, bao gồm cả những nhà ngoại giao hàng đầu, đang thảo luận về cách tiếp cận từng bước: Thuyết phục Triều Tiên đóng cửa các cơ sở hạt nhân trước nhằm ngăn họ chế tạo vật liệu phân hạch mới, trong khi vẫn giữ kho vũ khí. Đổi lại, Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ như giúp Triều Tiên cải thiện điều kiện sống hay thúc đẩy mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump, với mong muốn đánh bóng hình ảnh bản thân như là một nhà thương thuyết lão luyện trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, dường như đang nghiêng về phương án tiếp cận từng bước. Ông không đề cập tới vấn đề "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" trong gần một tiếng gặp lãnh đạo Triều Tiên ở DMZ cuối tuần qua cũng như tại các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo Hàn Quốc.
Hồi tháng 4, trong chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Trump đã gợi ý rằng sự nhượng bộ dần dần từ cả hai phía có lẽ là điều cần thiết để đi tới cái đích cuối cùng.
"Hàng loạt thỏa thuận nhỏ có thể được thống nhất", Trump nói. "Bạn có thể đi từng bước một, nhưng hiện tại, chúng ta vẫn đang nói về thỏa thuận lớn. Thỏa thuận lớn là chúng ta phải xóa bỏ được vũ khí hạt nhân".
Các quan chức Mỹ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách với Triều Tiên khẳng định mục tiêu dài hạn của chính quyền từ trước tới nay vẫn nhất quán: Khiến Kim Jong-un từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và năng lực phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong ngắn hạn, những bình luận công khai của Trump, cùng với việc ông hẹn gặp chớp nhoáng lãnh đạo Kim Jong-un ở DMZ và bước qua đường phân định ranh giới Hàn - Triều để sang đất Triều Tiên, là dấu hiệu khác cho thấy ảnh hưởng có phần hạn chế của các cố vấn Nhà Trắng theo quan điểm cứng rắn đối với ông.
Cố vấn Bolton không có mặt tại cuộc gặp Trump - Kim ở DMZ. Tháng trước, Trump vào phút chót đã khước từ đề xuất của Bolton không kích Iran nhằm đáp trả vụ Tehran bắn rơi máy bay trinh sát không người lái (UAV) Mỹ.
Hôm 1/7, sau khi Bolton đăng dòng tweet, Tổng thống Mỹ hoạt động sôi nổi trên Twitter, đề cập tới cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên mà không tranh cãi về khả năng áp dụng phương pháp tiếp cận từng bước.
|
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: NYTimes). |
Trump đã giao cho Ngoại trưởng Mike Pompeo trọng trách tái khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên, vốn bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim ở Hà Nội hồi tháng hai.
Cả Bolton và Pompeo đều từng thúc giục Tổng thống Trump không nên đồng ý bất cứ điều gì với Bình Nhưỡng ngoài một thỏa thuận lớn buộc Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân rồi mới được gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Nhưng nay, Ngoại trưởng Pompeo dường như trở nên cởi mở hơn với phương pháp tiếp cận từng bước.
Một số nhà phân tích cho rằng dù phương pháp tiếp cận là gì, chúng đều phải khởi đầu bằng việc Mỹ và Triều Tiên thống nhất định nghĩa chung về "phi hạt nhân hóa". Nếu hai bên không đưa ra một định nghĩa rõ ràng, Triều Tiên hoàn toàn có khả năng rút khỏi thỏa thuận như cách họ đã làm với các chính quyền Mỹ trước đây. "Có vô số cách để Triều Tiên thoái lui", Jung H. Pak, chuyên gia tại Viện Brookings, bình luận.
Nhiều tháng sau cuộc gặp ở Hà Nội, Mỹ và Triều Tiên không liên lạc cấp cao nhưng gần đây, Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un lại trao đổi thư từ. Động thái này dọn đường cho dòng tweet của ông hôm 29/6 từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, thông báo ông sẽ gặp, bắt tay và nói "Xin chào" với lãnh đạo Triều Tiên ở DMZ vào ngày 30/6.
Ngoại trưởng Pompeo cùng các quan chức khác đã phải chạy đua với thời gian để tổ chức cuộc gặp bất ngờ. Trump yêu cầu Pompeo tháp tùng ông tới DMZ, bên cạnh con gái Ivanka và con rể Jared Kushner. Cố vấn Bolton trong lúc đó bay tới Mông Cổ.
Dù Pompeo thường có chung quan điểm cứng rắn với Bolton về các vấn đề an ninh quốc gia, ông lại đồng tình với mong muốn của Trump và luôn thực hiện các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên bất kể khi nào được Tổng thống giao phó.
Trong các cuộc phỏng vấn và tuyên bố gần đây, Pompeo không nhắc tới yêu cầu ông từng khăng khăng muốn Triều Tiên phải thực hiện là nộp danh sách hoàn chỉnh về những tài sản hạt nhân họ sở hữu.
Các quan chức ở Washington cho hay đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Steven Biegun đã nỗ lực tìm cách để thuyết phục Bình Nhưỡng ít nhất là thống nhất với Mỹ khái niệm "phi hạt nhân hóa" rồi sau đó mới dần đóng cửa những cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, giới tình báo Mỹ đánh giá lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đây là lúc phương pháp tiếp cận từng bước xuất hiện.
Hồi tháng một, phát biểu tại Đại học Stanford, Biegun ngụ ý rằng các nhà đàm phán Mỹ có thể chấp nhận gạt bỏ yêu cầu kiểm kê tài sản hạt nhân của Triều Tiên và để tiến dần dần tới mục tiêu cuối cùng.
Hiện tại, như là một phần trong chiến lược tiếp cận từng bước, giới chức Mỹ có thể cân nhắc cho phép viện trợ nhân đạo nhiều hơn tới Triều Tiên hay đồng ý để Triều Tiên và Hàn Quốc trao đổi kinh tế ở một mức độ nhất định. Hai bên cũng có thể mở các văn phòng lợi ích ở thủ đô của nhau.
Nhưng những nhượng bộ như vậy chỉ có khả năng xảy ra nếu Triều Tiên đồng ý tạm dừng làm giàu uranium, không chỉ ở tổ hợp Yongbyon, mà còn ở Kangson, cơ sở hạt nhân vừa được tình báo Mỹ phát hiện, chuyên gia nhận định.
Theo VNE